Kế toán Uy Danh xin chia sẻ đến bạn đọc các điều kiện và nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, cách giải quyết khi doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong một số trường hợp qua bài viết sau.
Nội dung chính
- 1 Thế nào là khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào
- 2 Điều kiện kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
- 2.1 Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp
- 2.2 Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
- 2.3 Chứng từ thanh toán qua ngân hàng
- 2.4 Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:
- 2.5 Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng
- 3 III. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
- 3.1 Nguyên tắc 1:
- 3.2 Nguyên tắc 2
- 3.3 Nguyên tắc 3
- 3.4 Nguyên tắc 4
- 3.5 Nguyên tắc 5
- 3.6 Nguyên tắc 6: đối với thuế VAT đầu vào không được khấu trừ
- 3.7 Nguyên tắc 7: Trường hợp thuế VAT không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá TSCĐ.
- 3.8 Nguyên tắc 8
- 3.9 Nguyên tắc 9
- 3.10 Nguyên tắc 10
- 3.11 Nguyên tắc 11.
- 3.12 Nguyên tắc 12
- 3.13 Nguyên tắc 13
- 3.14 Nguyên tắc 14
- 3.15 Nguyên tắc 15
- 3.16 Nguyên tắc 16
Thế nào là khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào
Theo một định nghĩa đơn giản, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là các doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ xác định số thuế phải nộp, bằng việc bù trừ giữa thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ bán ra so với thuế GTGT phát sinh khi mua vào. Một điểm đáng lưu ý, không phải tất cả các hóa đơn mua vào hàng hóa dịch vụ đều sẽ được khấu trừ.
Xem thêm: Thuế gtgt được khấu trừ
Theo Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC), Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC, Thông tư 173/2016/TT-BTC các điều kiện và nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được quy định như sau:
Điều kiện kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp
Có hóa đơn hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng
Các chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế)mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).
Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:
– Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
– Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.
– Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng
nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT.
III. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
Theo điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được cập nhật theo Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, Điều 9 Thông tư 151/2014/TT-BTC, Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC) quy định về Nguyên tắc khấu trừ thuế GIá trị gia tăng đầu vào, được trình bày như sau:
16 Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT (hoặc VAT) đầu vào
Nguyên tắc 1:
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.
– Đối với hàng hóa chịu tổn thất không được bồi thường thì theo nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào vẫn sẽ được khấu trừ thuế GTGT trong các trường hợp sau: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy.
LƯU Ý: Điều kiện để được chấp nhận được khấu trừ phần thuế GTGT của hàng hóa này là: Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.
– Trường hợp cơ sở kinh doanh có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT cho khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này ( tham khảo cv số 77722/CT-TTHT )
Nguyên tắc 2
– Hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho SẢN XUẤT, KINH DOANH hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
– Doanh nghiệp phải hạch toán riêng được số thuế GTGT của hoạt động chịu thuế và không chịu thuế..
– Trường hợp không hạch toán riêng được. Thì số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra. (Bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được)
Nguyên tắc 3
Thuế GTGT đầu vào của hoạt động dịch vụ, tài sản cố định phục vụ cho sản xuất: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác tiêu thụ trong nước không được kê khai, khấu trừ mà TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDOANH NGHIỆP.
LƯU Ý: Nếu thuế GTGT mua vào thể hiện trên hóa đơn GTGT, chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu phát sinh trước ngày 01 tháng 01 tháng 2015 đáp ứng điều kiện khấu trừ, hoàn thuế và thuộc diện hoàn thuế theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và Thông tư 26/2015/TT-BTC thì vẫn được khấu trừ.
Nguyên tắc 4
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà DOANH NGHIỆP sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho SẢN XUẤT, KINH DOANH hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì theo nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ.
Nguyên tắc 5
Tìm hiểu thêm: Tại sao phải đóng thuế ? Tại sao có nhiều loại thuế khác nhau ?
Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào thì được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
Nếu DOANH NGHIỆP phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Nguyên tắc 6: đối với thuế VAT đầu vào không được khấu trừ
– Doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí để tính thuế TNDN hoặc tính vào nguyên giá của TSCĐ.
– Trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguyên tắc 7: Trường hợp thuế VAT không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá TSCĐ.
– Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định (TSCĐ), máy móc, thiết bị (kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này) và thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa của các trường hợp sau đây không được khấu trừ
– Dùng để phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh.
– TSCĐ, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, DOANH NGHIỆP kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo.
– Tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.
– TSCĐ là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn)
– Hoặc nếu có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp này là số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.
Nguyên tắc 8
– Thuế GTGT đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan được khấu trừ toàn bộ.
– Trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế.
Nguyên tắc 9
– Văn phòng Tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như: Bệnh viện, Trạm xá, Nhà nghỉ điều dưỡng, Viện, Trường đào tạo… không phải là người nộp thuế GTGT thì không được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.
– Trường hợp các đơn vị này có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì phải đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT riêng cho các hoạt động này.
Ví dụ: Văn phòng Tập Đoàn Viettel không trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh (Chỉ bao gồm các bộ phận chính trị, nghiên cứu ….) hoạt động dựa trên kinh phí chung của tập đoàn hoạt động trong một toà nhà. Nhưng có dư ra 2 tầng không dùng đến và cho thuê, thì văn phong Tập đoàn sẽ phải kê khai, nộp thuế riêng đối với hoạt động cho thuê văn phòng này.
Nguyên tắc 10
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 5) được khấu trừ toàn bộ.
Nguyên tắc 11.
– Cá nhân, tổ chức không kinh doanh góp vốn bằng tài sản vào Công ty TNHH, Công ty CP bằng tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp và được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế GTGT
– Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn.
Nguyên tắc 12
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 – “Đối tượng không chịu thuế GTGT” của TT 219/2013/TT-BTC không được khấu trừ, trừ các trường hợp sau:
– Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ DOANH NGHIỆP mua vào để SẢN XUẤT, KINH DOANH hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại hướng dẫn tại khoản 19 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC, sẽ được khấu trừ toàn bộ.
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ.
Nguyên tắc 13
– Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp chuyển sang nộp thuế theophương pháp khấu trừ, sẽ được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh kể từ kỳ đầu tiên kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
– Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế khi chuyển sang nộp thuế theo phương pháp pháp tính trực tiếp: được tính số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong thời gian nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế mà chưa khấu trừ hết vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDOANH NGHIỆP (trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong thời gian nộp thuế theo PP khấu trừ thuế được hoàn theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC và theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trước ngày Thông tư 219/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành)
Nguyên tắc 14
Đọc thêm: Mã số thuế cá nhân lấy ở đâu
Doanh nghiệp không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp sau.
– Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật: như hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT. (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT).
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán.
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua.
– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống. (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo).
– Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.
Nguyên tắc 15
Doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền, Bao gồm các trường hợp sau đây.
Trường hợp 1: Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản; chi phí sửa chữa tài sản cùng các vật tư, phụ tùng thay thế có hóa đơn GTGT ghi tên người tham gia bảo hiểm, DOANH NGHIỆP bảo hiểm thực hiện thanh toán cho người tham gia bảo hiểm phí bảo hiểm tương ứng theo hợp đồng bảo hiểm thì DOANH NGHIỆP bảo hiểm được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn GTGT đứng tên người tham gia bảo hiểm;
(Trường hợp phần bồi thường bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng).
Trường hợp 2: Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư, thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.
Nguyên tắc 16
Khấu trừ thuế GTGT trong một số trường hợp cụ thể như sau:
– Đối với cơ sở SẢN XUẤT, KINH DOANH tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ.
Ví dụ: Công ty TH True Milk chuyên sản xuất phân phối sữa tươi và các chế phẩm từ sữa tổ chức sản xuất khép kín từ con giống, các loại thuốc thú y, vùng nguyên liệu đến các trang thiết bị, dụng cụ, hệ thống chuồng trại, nhà máy…. Thì công ty sẽ được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định và của hàng hóa, dịch vụ mua vào không hình thành tài sản cố định tại tất cả các khâu sản xuất, chế biến
– Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có dự án đầu tư thực hiện đầu tư theo nhiều giai đoạn, bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập, có phương án sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung và sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT nhưng trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản có cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định được khấu trừ toàn bộ.
Trong trường hợp này cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào không sử dụng cho đầu tư TSCĐ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT để kê khai khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh số chịu thuế GTGT so với tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra.
– Đối với cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư để tiếp tục sản xuất, chế biến và có văn bản cam kết tiếp tục sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.
– Đối với thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp đã kê khai, khấu trừ, hoàn thuế nhưng sau đó xác định không đủ điều kiện, khấu trừ, hoàn thuế, thì phải kê khai, điều chỉnh nộp lại tiền thuế GTGT đã khấu trừ, hoàn thuế. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh, qua thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện ra thì cơ quan thuế sẽ thực hiện truy thu, truy hoàn và xử phạt theo quy định
– Trường hợp cơ sở có bán hàng hóa là sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế thông thường thuộc đối tượng không chịu thuế VAT thì số thuế VAT của hàng hóa dịch vụ mua vào được tính khấu trừ thuế tỷ lệ (%) doanh số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra.
– Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư, bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập, vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Thì số thuế GTGT đầu vào của TSCĐ trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản được tạm khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra theo phương án sản xuất, kinh doanh của cơ sở kinh doanh. TRONG VÒNG 03 NĂM kể từ năm đầu tiên có doanh thu.
Trên đây là những điều cần được biết về điều kiện và nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Nếu có câu hỏi nào về thuế GTGT cũng như là những thuế khác bạn có thể liên hệ với chúng tôi. Rất mong Kế toán Uy Danh có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề còn thắc mắc. Xin cảm ơn.
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH
Điện thoại: 0967 370 488
Webside: uydanh.vn
Email: info@dichvuluattoanquoc.com
Đọc thêm: Tính thuế thu nhập cá nhân