logo-dich-vu-luattq

Góp ý luật sở hữu trí tuệ

TS.LS Đỗ Thị Thu Hà – Công ty luật TNHH Việt An

Thưa quý đại biểu tham dự hội thảo,

Xem thêm: Góp ý luật sở hữu trí tuệ

Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã mời tôi tham dự Hội thảo trực tuyến và được đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật sửa đổi, trong đó có Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Qua nghiên cứu Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Tờ trình số 358/TTr-CP ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ, tôi có một số góp ý cụ thể như sau:

  1. Nội dung góp ý chung
  2. Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Về cơ bản, tôi đồng ý về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) (sau đây gọi là “Luật SHTT”) như đã nêu tại phần I của Tờ trình 358.

  1. Không tán thành việc sửa đổi tên dự án Luật.

Lý do: Với số lượng sửa đổi, bổ sung là 93 điều trên tổng số 222 Điều (chiếm khoảng 41% nội dung sửa đổi) và việc bổ sung nhiều nội dung, số lượng các điều dẫn chiếu lớn dẫn đến không thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Mặt khác, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng đã được sửa đổi 02 lần năm 2009, năm 2019. Do đó cần xem xét việc đổi tên dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” thành “Luật Sở hữu trí tuệ”.

  1. Nội dung góp ý chi tiết
  2. Khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng tại khoản 20 Điều 4

Dự thảo có sửa đổi khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chỉ thay đổi đối tượng nhận biết nhãn hiệu nổi tiếng từ “người tiêu dùng sang “bộ phận công chúng có liên quan” biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo tôi việc chỉ sửa đổi đối tượng biết đến sự rộng rãi của nhãn hiệu nổi tiếng trên lãnh thổ Việt Nam không thay đổi nhiều đối với việc yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Việc định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng là phải được “người tiêu dùng” hay “bộ phận công chúng có liên quan” biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam gây khó khăn cho chủ sở hữu khi chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Theo tiêu chí này, đối với một số nhãn hiệu đã được coi là nổi tiếng tại nhiều quốc gia khác nhưng chưa hoặc mới bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, chủ sở hữu rất khó để có được các bằng chứng chứng minh việc nhãn hiệu của mình nổi tiếng tại Việt Nam khi nộp yêu cầu ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Ví dụ như bằng chứng về số lượng người tiêu dùng hoặc bộ phận công chúng có liên quan biết đến nhãn hiệu tại Việt Nam, phạm vi lãnh thổ mà sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được lưu hành tại Việt Nam, doanh số từ việc bán hàng tại Việt Nam.

Đọc thêm: Luật sở hữu trí tuệ hiện hành

Đề xuất: Cần quy định chi tiết mang tính định lượng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng để cả chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thống nhất, cụ thể khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

  1. Cần bổ sung quy định liên quan đến cân bằng lợi ích giữa quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả với lợi ích của cộng đồng

Hiện tại, dự thảo Luật SHTT chưa có quy định về chính sách liên quan đến bảo hộ và khai thác quyền tác giả. Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, lĩnh vực mà quyền tác giả đóng vai trò quan trọng như công nghệ thông tin, công nghệ văn hóa. Do đó, Luật SHTT cần bổ sung quy định liên quan về cân bằng lợi ích giữa quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả với lợi ích của cộng đồng hay quyền tiếp cận của công chúng.

  1. Cần bổ sung quy định liên quan đến xác định tư cách đồng tác giả

Dự thảo Luật SHTT chưa làm rõ việc thực hiện các quyền nhân thân và quyền tài sản của đồng tác giả. Bởi tác phẩm có đồng tác giả là một tác phẩm chung không thể khai thác riêng lẻ theo từng phần. Dó đó, quyền tác giả đối với tác phẩm đó là của chung các đồng tác giả. Việc thực hiện các quyền nhân thân hay tài sản của mỗi đồng tác giả sẽ bị ràng buộc với các đồng tác giả khác.

Để xuất: Để có cơ sở cụ thể cho việc áp dụng, Luật SHTT cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất bằng văn bản của các đồng tác giả. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo đó, khi một trong các đồng tác giả muốn chuyển giao quyền tác giả như: cho phép chủ thể khác sao chép, xuất bản, phân phối bản sao… thì phải có sự đồng ý của các đồng tác giả để tránh các tranh chấp, phát sinh liên quan.

  1. Quy định về cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất, hư hỏng tại khoản 1 Điều 55

Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất, hư hỏng thì cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên thực tế thời gian cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên lâu hơn do phải hủy giấy chứng nhận cũ. Nên thời gian quy định thời hạn là bảy ngày sẽ không hợp lý.

Đề xuất: Nên quy định thời hạn là trong vòng mười lăm ngày làm việc. Tránh tình trạng quy định nhưng không thực hiện được trên thực tế.

  1. Cần có quy định xử lý xung đột giữa quyền tác giả và quyền sở hữu nhãn hiệu

Trên thực tế, xung đột quyền giữa phạm vi bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Cần có quy định cụ thể hơn phạm vi bảo hộ bản quyền tác giả, căn cứ xác lập quyền, căn cứ từ chối đối với đơn đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp tác phẩm đã đăng ký bản quyền được mang đi đăng ký và sử dụng là nhãn hiệu hàng hóa.

  1. Cần có quy định xử lý xung đột giữa quyền sở hữu tên thương mại và quyền sở hữu nhãn hiệu

Tương tự giữa xung đột giữa quyền tác giả và quyền sở hữu nhãn hiệu, thì cần có quy định xử lý xung đột giữa quyền sở hữu tên thương mại và quyền sở hữu nhãn hiệu. Theo đó, nên quy định cụ thể hơn phạm vi bảo hộ tên thương mại, căn cứ xác lập quyền, căn cứ từ chối đối với đơn đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp thành phần tên riêng trong tên thương mại đã đăng ký, sử dụng được mang đi đăng ký và sử dụng là nhãn hiệu hàng hóa.

  1. Quy định về nhãn hiệu âm thanh được sửa đổi tại khoản 1 Điều 72

Đọc thêm: Giáo trình sở hữu trí tuệ

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ 2021 đã bổ sung thêm một dấu hiệu có thể được xem là nhãn hiệu bên cạnh các dấu hiệu khác ở khoản 1 Điều 72 là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Đây là lần đầu tiên pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ghi nhận một loại nhãn hiệu phi truyền thống đó là một sự tiến bộ đáng được ghi nhận trong Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ nước ta. Tuy nhiên, Dự thảo lại bổ sung thêm quy định “thể hiện được dưới dạng đồ họa” đằng sau “dấu hiệu âm thanh” lại là điều cần bàn thêm. Quy định này có thể hiểu rằng “dấu hiệu âm thanh” sẽ có hai loại là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” và “dấu hiệu âm thanh không thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Do đó, theo Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ thì chỉ “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” mới có thể được xem là một loại dấu hiệu để đăng ký làm nhãn hiệu.

Để xuất: Theo quan điểm cá nhân, quy định việc “thể hiện được dưới dạng đồ họa” theo sau “dấu hiệu âm thanh” chỉ nên là phương án lựa chọn của người nộp đơn chứ không phải là yêu cầu bắt buộc. Bởi lẽ, “dấu hiệu âm thanh” là một dấu hiệu không thể được nhận biết được bằng thị giác, do đó yếu tố then chốt là nên đưa ra các quy định về hình thức để thể hiện nhãn hiệu âm thanh đó (tương tự như mẫu nhãn hiệu đối với nhãn hiệu có thể nhận biết được bằng thị giác). Trên cơ sở tham khảo các khuyến nghị của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hay Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) thì nên quy định các hình thức thể hiện của “nhãn hiệu âm thanh”: có thể thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh cấu thành nhãn hiệu, mô tả bằng văn bản về âm thanh đó, tệp âm thanh như: tệp âm thanh điện tử dưới dạng tệp MP3 hoặc , WMA, WAV hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của các hình thức nêu trên để đảm bảo đúng bản chất của việc đăng ký nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu đúng như người nộp đơn mong muốn.

  1. Quy định về thời hạn chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu không sử dụng sau khi đăng ký tại điểm h Khoản 2 Điều 74

Dự thảo quy định “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá ba năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định của Luật này do nhãn hiệu đã không được sử dụng năm năm liên tục mà không có lý do chính đáng.”

Đề xuất: Lý do từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu do nhãn hiệu đó chấm dứt chưa quá ba năm là chưa hợp lý, vì trong đa số trường hợp, lý do nhãn hiệu đã chấm dứt hiệu lực sau một thời gian khoảng từ trên 01 đến khoảng 02 năm và chủ sở hữu nhãn hiệu không tiến hành đăng ký lại thì phần nhiều do chủ sở hữu đã “không còn nhu cầu” đăng ký lại và “không còn nhu cầu hưởng lợi ích” từ nhãn hiệu đã sử dụng và được bảo hộ độc quyền. Do đó, chỉ nên quy định thời gian là chưa quá 02 năm để trao thêm cơ hội xác lập quyền cho chủ đơn đăng ký nhãn hiệu khác có nhu cầu.

  1. Quy định về hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp theo Điều 155

Dự thảo quy định: cá nhân là luật sư hành nghề theo Luật Luật sư được mặc nhiên cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp liên quan đến các nhóm đối tượng sở hữu công nghiệp gồm: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh và bí mật kinh doanh. Trong khi đó những cá nhân khác mà không phải là luật sư thì vẫn bị ràng buộc bởi hàng loạt điều kiện tương tự như cũ trong đó bao gồm cả điều kiện phải vượt qua kỳ thi kiểm tra 5 môn nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp là cần xem xét lại. Bởi lẽ, nghề đại diện sở hữu công nghiệp là nghề đặc thù mà được pháp luật từ trước tới nay quy định rất chặt với hàng loạt các điều kiện về kinh nghiệm, đào tạo chuyên sâu riêng sáu tháng, đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra chuyên môn: thi 5 môn và không môn nào dưới 5 điểm mới có thể giành được chứng chỉ hành nghề đại diện. Do đó, không nên dễ dàng loại bỏ quy định điều kiện, hành trình trở thành người đại diện Sở hữu công nghiệp. Hành nghề luật sư khá khác biệt với hành nghề sở hữu công nghiệp do đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, việc miễn trừ giấy phép hành nghề với luật sư sẽ tạo nên một chính sách không hợp lý, thiếu công bằng giữa những người vất vả nhiều năm mới được phép hành nghề sở hữu công nghiệp với những người vừa mới có thẻ hành nghề luật sư đã được làm đại diện ngay, thậm chí chưa được trang bị kiến thức về các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt các đối tượng cần đăng ký xác lập quyền như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Mặt khác, luật sư vẫn có đầy đủ quyền tham gia vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng, luật sư được quyền tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ, đại diện tranh tụng dân sự và hình sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Đề xuất: Chỉ có thể chấp nhận cho luật sư hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp nhưng chỉ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp không đòi hỏi thủ tục xác lập quyền cụ thể là tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh và bí mật kinh doanh.

  1. Về quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại điểm a, khoản 1, Điều 211

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Dự thảo. Cá nhân tôi tán thành phương án 2 liên quan đến sửa đổi bổ sung Điều 211. Theo đó, giữ nguyên quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 211.

Lý do: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo phương án không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ có thể xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa hợp lý. Bởi lẽ, nguyên tắc cần đảm bảo duy trì hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bình đẳng cho tất cả các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, không nên thay đổi hệ thống bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, trên thực tế việc không quy định xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ sở hữu do để thực hiện giải quyết việc xâm phạm quyền theo thủ tục tố tụn dân sự thường kéo dài dẫn đến tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian của chủ sở hữu. Đó chính là lý do tại sao việc xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiếm khi được giải quyết thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự.

Trên đây là một số góp ý của tôi đối với Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Tờ trình số 358/TTr-CP ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ. Rất mong Quý Đoàn quan tâm, ghi nhận và mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận của các luật sư đồng nghiệp. Trân trọng cảm ơn!

Tham khảo thêm: Vi phạm sở hữu trí tuệ ở việt nam

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !