Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Xem thêm: điều 51 bộ luật hình sự
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Đọc thêm: Luật thuế bảo vệ môi trường 2010
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Bình luận:
Điều luật này có 03 Khoản, trong đó Khoản 1 liệt kê ra các tình tiết giảm nhẹ (luật định), Khoản 2 mở rộng thêm tình tiết đầu thú và tình tiết khác (phụ thuộc vào ý chí của Tòa án và phải ghi rõ trong bản án), Khoản 3 là trường hợp không được coi hay nói đúng hơn là không áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu dần theo thứ tự ngược lại từ Khoản 3 đến Khoản 1.
Khoản 3: Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Có thể hiểu một cách nôm na vắn tắt, tình tiết định tội là tình tiết mà trong cấu thành tội phạm đó bắt buộc phải có, nếu không có tình tiết đó thì sẽ không phạm tội đó. Ví dụ: Tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 51 c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Đây chính là tình tiết định tội của tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 126 Bộ Luật này. Nếu không có tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ không phạm tội này mà là phạm vào một tội khác (như Tội giết người chẳng hạn).
Khi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một tội phạm (phạm tội gì) thì việc tiếp theo là xác định mức phạt cụ thể đối với tội đó là bao nhiêu, khi này khái niệm khung hình phạt bắt đầu được xem xét đến. Thông thường một Điều luật sẽ có 1 hoặc nhiều khung hình phạt và sắp xếp theo hướng khung hình phạt sau cao hơn khung hình phạt trước (thường Khoản 2, 3, 4…trở đi mức phạt sẽ cao hơn Khoản 1) cá biệt có một số Điều luật được thiết kế theo hướng ngược lại (ví dụ như Điều 123 Tội giết người Khoản 1 khung hình phạt là cao nhất – tử hình, nhưng Khoản 2 mức tối đa chỉ 15 năm).
Tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội sẽ thuộc vào một khung nhất định. Khi đã thuộc vào một khung nào đó thì sẽ xem xét đến ý nghĩa của những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Nếu một tội phạm được thực hiện mà không có bất kỳ tình tiết tăng nặng hay giảm nhe nào thì mức án được tuyên sẽ là khoảng giữa của khung. Ví dụ: Khung hình phạt áp dụng là từ 03 năm đến 07 năm tù giam thì mức án sẽ là 05 năm tù giam ((03 + 07)/2 = 05). Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì mức hình phạt có thể xuống dưới mức 05 năm nhưng không được thấp hơn 03 năm. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng thì mức phạt được tuyên có thể nhiều hơn 05 năm nhưng tối đa không quá 07 năm.
Như vậy có thể thấy tình tiết giảm nhẹ chỉ có giá trị sau khi đã xác định người phạm tội phạm tội nào và khung hình phạt là bao nhiêu để tuyên mức phạt dưới mức trung bình của khung. Do đó khi tình tiết giảm nhẹ nào đó đã được dùng để định tội (khá phổ biến) và dùng để định khung (rất hiếm gặp – nhưng nhà làm luật vẫn quy định phòng hờ) thì sẽ không áp dụng để xem xét định lượng hình phạt nữa vì như vậy 1 tình tiết giảm nhẹ lại áp dụng đến 02 lần. Trở lại với ví dụ phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì đó đã là tình tiết định tội tại Điều 126 rồi, không thể khi quyết định hình phạt lại nêu thêm 1 tình tiết giảm nhẹ là do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 1 lần nữa.
Khoản 2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
So với quy định tại Bộ Luật hình sự cũ thì nhà làm luật đã có thêm một gợi ý cho Tòa khi quyết định các tình tiết giảm nhẹ khác với quy định tại Khoản 1 đó là đầu thú. Như tác giả đã có dịp đề cập đến trong phần bình luận ở các chương trước, đầu thú có thể hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội đã tự nhận hành vi phạm tội của mình sau khi hành vi đó đã bị phát hiện nhưng người phạm tội đó vẫn chưa bị bắt giữ. Đầu thú hoàn toàn không giống với tự thú và do đó nó chỉ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể là tình tiết được miễn trách nhiệm hình sự. Và đây là một gợi ý không hề tồi để Tòa án căn cứ quyết định hình phạt và xem đó là một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên tình tiết này bắt buộc phải được ghi rõ lý do trong bản án chứ không đương nhiên là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1.
Ngoài đầu thú, Tòa án cũng được quyền xem xét các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ (không bị giới hạn) nhưng với điều kiện phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong Bán án. Tuy nhiên những tình tiết khác ở đây là những tình tiết nào, có bẳt buộc phải đảm bảo các tiêu chí nhất định hay không thì trong phạm vi Bộ Luật Hình sự không hề có quy định. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP thì các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác:
– Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
– Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
– Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
– Người bị hại cũng có lỗi;
– Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
Đọc thêm: Luật cư trú 2006 81/2006/QH11
– Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
– Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
– Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Như vậy có thể thấy đây là một quy định mở và trao quyền cho Tòa án rất lớn, chính vì vậy phần nào cũng sẽ dẫn đến những ý chí chủ quan khi xét xử ở các Tòa, các cấp khác nhau.
Khoản 1, tác giả sẽ chỉ tập trung phân tích một số tình tiết giảm nhẹ tương đối phổ biến và cần có sự bình luận thêm để hiểu rõ hơn về những tình tiết đó:
1. Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Đây là tình tiết giảm nhẹ được áp dụng khá phổ biến trong các vụ án hình sự và cũng được các Luật sư bào chữa cho các bị cáo áp dụng một cách triệt để nhất. Khi một hành vi phạm tội được thực hiện và đã gây ra thiệt hại (sức khỏe, vật chất) và người thực hiện hành vi phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì tình tiết khắc phục, bồi thường đó được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Một vấn đề quan trọng cần lưu tâm ở đây là tự nguyện, nghĩa là chưa có một sự ép buộc nào từ phía cơ quan có thẩm quyền (bằng một bản án hoặc quyết định) yêu cầu phải thực hiện nhưng người phạm tội đã thực hiện một cách chủ động. Ví dụ: Sau khi thực hiện hành vi đâm người bị trọng thương A đã chủ động đưa đi cấp cứu và thanh toán tiền viện phí cũng như bồi thường một khoản tiền để chăm sóc cho nạn nhân. Tuy vậy người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả không đồng nghĩa phải chính người đó thực hiện việc bồi thường mà có thể người đó chủ động thông qua người nhà hoặc một ai đó thực hiện, khi đó vẫn được xem là tự nguyện, ví dụ trong trường hợp trên A không phải là người đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng A yêu cấu người nhà của mình chở nạn nhân đến bệnh viện và chi trả các khoản chi phí phát sinh thì vẫn được xem là tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
Tình tiết này giảm nhẹ này có 2 vấn đề cần chú ý, thứ nhất nguyên nhân dẫn đến thực hiện tội phạm là do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó không phải do mình tạo ra. Hiểu một cách nôm na người phạm tội xuất phát phần lớn do từ sức ép của hoàn cảnh chứ ý chí chủ quan không hoàn toàn mong muốn việc thực hiện tội phạm. Nói một cách dân dã thì phạm tội vì bất đắc dĩ phải thực hiện, nếu hoàn cảnh không đặc biệt khó khăn thì đã không thực hiện tội phạm. Nguyên nhân phát sinh tội phạm có nhiều và hoàn cảnh là một trong nhiều những yếu tố phổ biến nhất dẫn đến tội phạm – bần cùng sinh đạo tặc, nhưng không phải tất cả người rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà thực hiện phạm tội đều xem xét là tình tiết giảm nhẹ mà có khó khăn này phải là đặc biệt – đã là đặc biệt thì rất hiếm. Ví dụ: do một cơn bão lớn đã làm đắm tàu, hết sạch thực phẩm, một số thủy thủ sống sót trong tình trạng trạng đói khát sau khi thoát nạn và tới được đất liền đã thực hiện hành vi trộm một số lượng lương thực với tổng giá trị đủ cấu thành tội trộm cắp tài sản.
3. Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
Đây là trường hợp phạm tội mà trước khi thực hiện tội phạm, ý chí của người phạm tội đã bị tác động bởi một bên thứ ba, tất nhiên vẫn thỏa yếu tố về mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm nhưng trước khi có hành vi thực hiện tội phạm, người phạm tội đã bị đe dọa, cưỡng bức. Thông thường các trường hợp này người thực hiện tội phạm có một sự phụ thuộc nhất định vào người thứ 3 (quan hệ gia đình, quan hệ cấp trên cấp dưới v.v…) hoặc người thứ 3 lợi dụng việc rơi vào tính trạng quẩn bách, cùng túng của đối tượng mà ép họ thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ: B bị A đe dọa bắt buộc phải thực hiện hành vi bắt cóc tống tiền C nếu không A sẽ giết cả nhà B (A là xã hội đen có máu mặt và B cũng đã từng là đàn em của A nhưng sau đó giải nghệ).
4. Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
Một ví dụ dễ thấy nhất để có thể hiểu được tình tiết giảm nhẹ này là các trường hợp phạm tội sau khi đã sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác như các loại ma túy v.v…dẫn đến hạn chế hoặc mất luôn khả năng nhận thức điều khiển hành vi. Tuy nhiên những trường hợp hợp này chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi không có lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: A bị ép buộc phải sử dụng ma túy đá (nếu không sử dụng sẽ bị đánh chẳng hạn) thì sau khi sử dụng và rơi vào tình trạng ngáo đá thì khi thực hiện tội phạm tình tiết này có thể xem là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên việc A chủ động sử dụng hoặc bạn bè gợi ý sử dụng hoặc sự ép buộc mang tính chất khơi gợi (A có quyền từ chối) và cũng rơi vào tình trạng ngáo thì khi thực hiện tội phạm, tình tiết này không được xem là tình tiết giảm nhẹ vì A đã có lỗi, đã tự đưa mình vào trạng thái hạn chế (mất) khả năng nhận thức.
5. Phạm tội do lạc hậu;
Tình tiết giảm nhẹ này thông thường áp dụng đối với người phạm tội là đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi mà tập tục còn lạc hậu. Tình tiết giảm nhẹ này cũng khá hợp lý, không phải mặt bằng trình độ nhận thức của mọi người trong xã hội này là như nhau, đặc biệt là một số vùng xa xôi hẻo lánh, không có điều kiện tiếp xúc với nền giáo dục nhiều, trình độ dân trí còn hạn chế nên đa số họ thực hiện các hành vi theo những tập tục của họ mà những tập tục đó đến nay đã không còn phù hợp thậm chí là còn vi phạm pháp luật. Một trong các biểu hiện thường thấy nhất của tình tiết này là việc các đồng bào dân tộc miến núi chữa bệnh bằng các phương pháp cổ xưa như trói lại và đánh để con ma trong người xuất ra khỏi người bệnh hoặc dìm xuống nước cho con ma bị ngạt thở mà xuất đi v.v…những cách làm này nhiều khi dẫn đến tình trạng chết người do người bệnh không chịu nổi đòn roi hay bị ngạt thở. Những trường hợp như vậy vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng do sự lạc hậu mà ra (một phần do hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức còn hạn chế) nên việc xem xét giảm nhẹ là hợp lý.
6. Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
Tình tiết này thể hiện rõ sự khoan hồng của Nhà nước đối với những thành phần yếu thế của xã hội. Thực tế rất hiếm những trường hợp người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thực hiện hành vi phạm tội do sự tương quan về sức khỏe, thể lực. Do đó những hành vi phạm tội (nếu có) được thực hiện bởi những chủ thể này thường là những hành vi không sử dụng nhiều đến thể lực như tội cố ý gây thương tích, cướp v.v…Thông thường đó là những tội liên quan đến trộm cắp, cũng có thể là giết người nhưng thường là sử dụng thủ đoạn như đầu độc và nạn nhân thường là những người thân trong gia đình. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là những người khuyết tật thường bị xúc phạm về mặt tư tưởng hay bị xem là gánh nặng dẫn đến họ nảy sinh tư tưởng phạm tội để trả thù. Đã từng có vụ án con bị tàn tật ôm uất hận trong lòng đã đầu độc để giết cha mình vì thường xuyên bị cha mình xem là gánh nặng, chửi bới.
7. Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Đây là tình tiết giảm nhẹ có thể nói là được áp dụng nhiều nhất trong các bản án hình sự được tuyên. Luật sư bào chữa và bị cáo luôn tận dụng một cách triệt để tình tiết này để có thể được giảm án. Tuy nhiên thực tế đây cũng là tình tiết mà dễ bị cơ quan điều tra sử dụng làm mồi để thực hiện việc mớm cung, gây oan sai. Bị can, bị cáo thường được gợi ý khai báo sai sự thật, thừa nhận một số hành vi mà mình không thực hiện để được hứa hẹn đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đó cũng là mặt trái trong quá trình tố tụng, đặc biệt là đối với những người phạm tội không có hiểu biết nhiều về pháp luật, không sử dụng quyền im lặng đến khi có Luật sư nên dễ vào tròng của một bộ phận thực thi pháp luật không liêm chính.