logo-dich-vu-luattq

Ví dụ về luật hành chính

Hành chính Nhà nước là một lĩnh vực có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội. Trong khi đó, tất cả các lĩnh vực đều được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Để tìm hiều vai trò của các quy định pháp luật, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết Luật hành chính là gì? Đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính? của chúng tôi.

Luật hành chính là gì?

Luật hành chính là ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, Luật hành chính giữ vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hoạt động chấp hành-điều hành của Nhà nước.

Xem thêm: Ví dụ về luật hành chính

Các quy phạm phạm pháp luật hành chính quy định địa vị pháp lý của cơ quan hành chính Nhà nước và các vấn đề khác có liên quan tới quản lý hành chính nhà nước.

Luật hành chính quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khác của quản lý hành chính nhà nước bao gồm các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Ngoài ra, luật hành chính còn xác định cơ chế quản lý hành chính trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, luật hành chính quy định những hành vi nào là vi phạm hành chính, biện pháp xử lý, thủ tục xử lý vi phạm hành chính.

Từ đó rút ra kết luận, Luật hành chính là ngành luật về quản lý hành chính Nhà nước. Vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính là gì? Mời quý vị theo dõi phần tiếp theo.

Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính

Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật nói chung là những quan hệ xã hội xác định các đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Cùng với phương pháp điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh là cơ sở thiết yếu để phân biệt ngành luật này với ngành luật khác.

Đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính Việt Nam là những quan hệ xã hội chủ yếu và cơ bản hình thành trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hay nói cách khác, đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính là những quan hệ xã hội hầu hết phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành của Nhà nước. Nhìn chung, đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính bao gồm những vấn đề sau:

– Trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đây phải được xác định là mục tiêu hàng đầu của quản lý nhà nước. Bởi vì, hoạt động quản lý không chỉ nhằm mục đích để quản lý mà chủ yếu để bảo đảm trật tự xã hội, phục vụ cho xã hội và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn xã hội;

– Việc thành lập, cải tiến cơ cấu bộ máy, cải tiến chế độ làm việc, hoàn chỉnh các quan hệ công tác của các cơ quan nhà nước;

– Các hoạt động quản lý về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên từng địa phương và từng ngành;

– Khen thưởng, trao danh hiệu cho các cá nhân, tổ chức có đóng góp và đạt được những thành quả nhất định trong lĩnh vực hành chính nhà nước hoặc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội theo luật định; xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước.

Tóm lại, căn cứ vào chủ thể tham gia, có thể phân loại các quan hệ pháp luật thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành Luật hành chính thành hai nhóm: chủ yếu và thứ yếu, cụ thể như sau:

a) Nhóm A: Nhóm quan hệ cơ bản và chủ yếu trong Luật hành chính

Như trên đã trình bày, chức năng quản lý nhà nước được thực hiện chủ yếu bởi cơ quan hành chính nhà nước. Nhóm A là nhóm quan hệ pháp luật hành chính, trong đó có ít nhất một chủ thể là cơ quan hành chính nhà nước nên là nhóm quan trọng, cơ bản, được phân thành hai tiểu nhóm sau:

Nhóm 1: Những quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành trong phạm vi các cơ quan hành chính nhà nước (ngoại trừ hoạt động trong quan hệ công tác nội bộ), với mục đích chính là bảo đảm trật tự quản lý”, hoạt động bình thường của các quan hành chính nhà nước.

Nhóm này thường được gọi là nhóm “hành chính công quyền” được hình thành giữa các bên chủ thể đều có thẩm quyền hành chính nhà nước khi tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính đó. Đây là nhóm những quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh cơ bản của Luật hành chính. Thông qua việc thiết lập những quan hệ loại này, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các chức năng cơ bản của mình. Những quan hệ này rất đa dạng, phong phú bao gồm:

– Quan hệ dọc:

Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc. Đó là những cơ quan nhà nước có cấp trên, cấp dưới phụ thuộc nhau về chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu, tổ chức… Ví dụ: mối quan hệ giữa Chính phủ với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; Bộ Tư pháp với Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ, v…

Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cấp dưới trực tiếp nhằm thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật. Ví dụ: mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị, cơ sở trực thuộc. Ví dụ: quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Trường Đại học Cần Thơ; giữa Bộ Y tế và các bệnh viện công lập trực thuộc.

– Quan hệ ngang:

Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp. Ví dụ: mối quan hệ giữa Chính phủ với Bộ Tư pháp.

Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp với nhau. Các cơ quan này không có sự phụ thuộc nhau về mặt tổ chức, nhưng theo quy định của pháp luật thì có thể thực hiện một trong hai trường hợp sau:

+ Một khi quyết định vấn đề gì thì cơ quan này phải được sự đồng ý, cho phép hay phê chuẩn của cơ quan kia trong lĩnh vực mình quản lý. Ví dụ: mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

+ Phải phối hợp với nhau trong một số lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: thông tư liên tịch do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành về vấn đề liên quan đến việc đào tạo cử nhân luật.

Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị, cơ sở trực thuộc trung ương đóng tại địa phương đó. Ví dụ: quan hệ giữa Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ với Trường Đại học Cần Thơ.

Tuy nhiên, mỗi cơ quan nhà nước đều có chức năng cơ bản riêng và muốn hoàn thành chức năng cơ bản của mình, mỗi cơ quan nhà nước phải tiến hành những hoạt động như kiểm tra nội bộ trong một cơ quan, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, phối hợp hoạt động giữa các bộ phận của cơ quan, công việc văn phòng, bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết. Đây là hoạt động tổ chức nội bộ, còn gọi là quan hệ công tác nội bộ, tuy khác với quan hệ pháp luật hành chính, nhưng có quan hệ chặt chẽ với hoạt động hành chính. Nếu hoạt động này được tổ chức tốt thì hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính ấy sẽ cao và ngược lại, nếu việc tổ chức nội bộ quá cồng kềnh thì hoạt động hành chính của cơ quan đó sẽ mang lại hiệu quả không cao.

Nhóm 2: Các quan hệ quản lý hình thành khi các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành trong các trường hợp cụ thể liên quan trực tiếp tới các đối tượng không có thẩm quyền hành chính nhà nước hoặc tham gia vào quan hệ đó không với tư cách của cơ quan hành chính nhà nước, với mục đích chính là phục vụ trực tiếp Nhân dân, đáp ứng các quyền và lợi hợp pháp của công dân, tổ chức.

Nói ngắn gọn, đây là quan hệ pháp luật hành chính công – tư, hình thành giữa một bên chủ thể tham gia với tư cách chủ thể có thẩm quyền hành chính nhà nước và một bên chủ thể tham gia không với tư cách chủ thể có thẩm quyền hành chính nhà nước. Đây là mục đích cao nhất của quản lý nhà nước khi cơ quan hành chính, quản lý hành chính vì quyền lợi Nhân dân, vì trật tự chung cho toàn xã hội, bao gồm các quan hệ cụ thể sau đây:

Tìm hiểu thêm: Quy định các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức

– Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền hành chính nhà nước với các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế. Các đơn vị kinh tế này được đặt dưới sự quản lý thường xuyên của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: giữa Ủy ban nhân dân thành phố Cần thơ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Cần Thơ thuộc các cơ quan ban ngành thành phố Cần Thơ quản lý;

– Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền hành chính nhà nước với các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng. Ví dụ: quan hệ giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc các tổ chức thành viên của Mặt trận;

– Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền hành chính nhà nước với công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch đang làm việc, cư trú tại Việt Nam. Ví dụ: quan hệ giữa cảnh sát giao thông với cá nhân (gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch) vi phạm trật tự an toàn giao thông;

– Mối liên hệ giữa hành chính công – tư và hành chính công quyền.

Thật ra mọi sự phân chia chỉ mang tính chất tương đối để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu. Hai lĩnh vực hành chính công – tư và hành chính công quyền liên quan trực tiếp và tương hỗ cho mục đích của quản lý nhà nước. Quản lý hành chính công quyền là cơ sở để bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi đó, quản lý hành chính công – tư thể hiện rõ trực tiếp mục đích của quản lý hành chính, giữ gìn trật tự quản lý xã hội theo nguyện vọng của Nhân dân.

Trong quá trình quản lý, có những công việc liên quan đến cả hai lĩnh vực hoặc rất khó phân biệt giữa hai phạm vi: hành chính công – tư và hành chính công quyền. Chẳng hạn như, khi cơ quan hành chính nhà nước cấp trên nhận được đơn khiếu nại về quyết định thu hồi đất của một cá nhân công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới thì cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp chỉ đạo bằng văn bản buộc cơ quan hành chính cấp dưới phải xem xét lại quyết định của cơ quan ấy.

Trường hợp này phát sinh ba quan hệ pháp luật hành chính (hai quan hệ pháp luật hành chính công – tư, một quan hệ pháp luật hành chính công quyền).

b) Nhóm B: Nhóm quan hệ thứ yếu trong Luật hành chính

Thực tiễn của hoạt động quản lý nhà nước cho thấy, trong một số trường hợp pháp luật quy định có thể trao quyền thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành cho một số cơ quan nhà nước khác (không phải là cơ quan hành chính nhà nước), các tổ chức, cá nhân. Điều này có nghĩa là hoạt động quản lý nhà nước không chỉ do các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành. Điều 83 Hiến pháp năm 1980 có quy định: “Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết”. Điều này cho thấy, Hiến pháp năm 1980 cho phép Quốc hội mở rộng phạm vi quyền hạn của mình: ngoài chức năng lập pháp, còn có thể thực hiện chức năng hành pháp – chức năng quản lý nhà nước. Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013 không còn quy định này. Tuy nhiên, ngoài quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội Việt Nam còn “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” (Điều 69 Hiến pháp năm 2013), bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ,…

Những quan hệ có tính chất quản lý, hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và chế độ công tác của hệ thống cơ quan, như thực hiện việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, chế độ trách nhiệm,… nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ví dụ: quan hệ giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh A.

Những quan hệ quản lý hình thành trong quá trình một số tổ chức chính trị – xã hội và một số cá nhân thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những vấn đề cụ thể được pháp luật quy định.

Ví dụ: quan hệ giữa các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc, khi Mặt trận Tổ quốc được giao quyền quản lý và tổ chức hội nghị hiệp thương; Công đoàn được giao quản lý một số vấn đề về bảo hộ lao động; các đội bảo vệ dân phố của phường, thị trấn được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, an ninh trong phạm vi được giao thuộc địa bàn phường, thị trấn.

Lưu ý rằng, hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức hoặc cá nhân được trao quyền có tất cả các hậu quả pháp lý như hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nhưng hoạt động này chỉ giới hạn trong việc thực hiện hoạt động chấp hành điều hành. Điều này cho thấy, việc quản lý trong nội bộ của các tổ chức xã hội được điều lệ tổ chức đó quy định và vì vậy, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hành chính. Tuy nhiên, tất cả các quan hệ quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội do Luật hành chính điều chỉnh. Ví dụ: quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh tế, văn hóa – xã hội,…

Những quan hệ hình thành do cá nhân được ủy nhiệm”, “ủy quyền” quản lý nhà nước trong những trường hợp nhất định, xác định rõ trong các quy phạm pháp luật hành chính

Ví dụ: “Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga”. có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp này, pháp luật thậm chí không giới hạn, không phân biệt những người này là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, người không quốc tịch, nếu là người chỉ huy thì có thẩm quyền hành chính nhà nước nêu trên.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm của các vấn đề liên quan đến Luật hành chính, đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính, có thể đưa ra định nghĩa Luật hành chính như sau: “Luật hành chính là một ngành luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và ổn định chế độ công tác của hệ thống cơ quan, các quan hệ xã hội trong quá trình các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đối với các vấn đề cụ thể do pháp luật quy định”. Nói một cách ngắn gọn hơn: “Luật hành chính là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành của các cơ quan mà chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước”.

Như vậy, qua định nghĩa trên ta thấy rằng, chỉ có thể nói đến điều chỉnh bằng pháp luật hành chính khi trong quan hệ quản lý phải có ít nhất một bên có thẩm quyền với tư cách là chủ thể (không chỉ là cơ quan hành chính) thực hiện chức năng chấp hành và điều hành của nhà nước. Nếu cơ quan hành chính nhà nước hoạt động không phải trong phạm vi, lĩnh vực thẩm quyền của mình, không sử dụng quyền lực nhà nước thì hoạt động đó không thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành Luật hành chính.

Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính

Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là cách thức tác động đến các quan hệ xã hội có cùng nhóm đối tượng điều chỉnh bằng công cụ pháp luật. Phương pháp điều chỉnh là yếu tố quan trọng để xác định ngành luật đó có phải là ngành luật độc lập hay không. Ngoài ra, phương pháp điều chỉnh còn góp phần xác định phạm vi điều chỉnh của các ngành luật trong trường hợp những quan hệ xã hội có chỗ gần kề hoặc đan xen với nhau.

Đặc trưng của phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính thể hiện qua hai yếu tố sau đây:

Thứ nhất: Tính mệnh lệnh đơn phương trên cơ sở pháp luật.

Mệnh lệnh này xuất phát từ quan hệ quyền uy giữa một bên có quyền nhân danh Nhà nước, căn cứ trên các quy định pháp luật để bắt buộc đối với bên còn lại. Sự áp đặt ý chí nhà nước được thể hiện trong các trường hợp sau:

– Cả hai bên đều có những quyền hạn nhất định do pháp luật quy định, nhưng bên này quyết định vấn đề gì thì phải được bên kia cho phép, phê chuẩn. Đây là quan hệ đặc trưng của hành chính công quyền;

– Một bên có quyền đưa ra những yêu cầu, kiến nghị còn bên kia có thẩm quyền xem xét, giải quyết, có thể thỏa mãn những yêu cầu, kiến nghị này hoặc có thể bác bỏ;

– Một bên có quyền ra các mệnh lệnh, yêu cầu còn bên kia phải phục tùng các yêu cầu, mệnh lệnh đó;

– Một bên có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính buộc đối tượng quản lý phải thực hiện mệnh lệnh của mình.

Ví dụ: công dân Nguyễn Văn A đến Ủy ban nhân dân quận B làm hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Phân tích: tính đơn phương thể hiện ở chỗ là việc quyết định cấp giấy phép xây dựng hay không do Ủy ban nhân dân quận quyết định trong phạm vi quyền hạn mà công dân A không thể can thiệp. Trong trường hợp không được cấp giấy phép xây dựng hoặc được cấp mà không thỏa mãn, về nguyên tắc vẫn phải chấp hành. Tuy nhiên, công dân A hoàn toàn có quyền khiếu nại, khiếu kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó ra trước các chủ thể có thẩm quyền.

Thứ hai: Tính hợp tác, hỗ trợ nhằm phục vụ cho mục tiêu chung của xã hội vì sự phát triển bền vững.

Các cơ quan hành chính nhà nước và các chủ thể quản lý nhà nước, dựa vào thẩm quyền của mình trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình để đề ra các biện pháp quản lý thích hợp đối với từng đối tượng quản lý cụ thể. Trong định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường và thời kỳ toàn cầu hóa, các chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước phải bảo đảm việc quản lý vĩ mô. Một mặt, vẫn phải bảo đảm an ninh chính trị làm cơ sở cho hòa bình, ổn định. Mặt khác, cần phải xây dựng cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, chuyển từ đối tượng quản lý sang khách hàng. Trong các mối quan hệ (ví dụ như với các loại hình doanh nghiệp) cần có góc nhìn cởi mở, thân thiện, chuyển từ “đối tượng” thành “đối tác”, chuyển từ việc quản lý theo cơ chế hành chính với thủ tục rườm rà sang cách quản lý thông thoáng nhằm kêu gọi sự phối hợp, hợp tác vì sự phát triển chung mang tính bền vững. TH Ngoài ra, có những trường hợp phương pháp thỏa thuận được áp dụng trong quan hệ pháp luật hành chính, còn gọi là “quan hệ pháp luật hành chính theo chiều ngang”.

Ví dụ: quan hệ giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Tổng Thanh tra Chính phủ khi bổ nhiệm Chánh Thanh tra bộ, theo đó, “Chánh Thanh tra bộ do bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ”];

Ví dụ khác: khi một cá nhân xin chuyển công tác hoặc thi biên chế vào làm việc trong một cơ quan hành chính nhà nước, quan hệ này xuất hiện trên cơ sở có sự thỏa thuận, giữa một bên là cá nhân người lao động và bên kia là cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả các quan hệ nêu trên đều phải trên cơ sở pháp luật và đề nghị hợp pháp của bên tuyển dụng sẽ có tác dụng nhất định đối với bên được tuyển dụng. Nói cách khác, các “quan hệ pháp luật hành chính theo chiều ngang” cũng là tiền đề cho sự xuất hiện “quan hệ pháp luật hành chính theo chiều dọc”. Trong khuôn khổ quy định pháp luật, các bên chấp nhận những đề nghị của nhau, cùng phục vụ cho mục đích quản lý nhà nước.

Tìm hiểu thêm: Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016

Tóm lại: Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của Luật hành chính Việt Nam là phương pháp mệnh lệnh đơn phương, có sự phối hợp vì sự phát triển bền vững. Phương pháp điều chỉnh này được xây dựng trên các nguyên tắc sau:

– Một bên được nhân danh Nhà nước sử dụng quyền lực trong khuôn khổ pháp luật để đưa ra các quyết định hành chính còn bên kia phải tuân theo những quyết định ấy;

– Quyết định hành chính phải thuộc phạm vi thẩm quyền của bên nhân danh Nhà nước, vì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, trên cơ sở pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên có liên quan và được bảo đảm thi hành bởi Nhà nước;

– Nền hành chính hiện đại cần chuyển tư duy từ “quản lý đối tượng” trở thành “phối hợp với đối tác”, tạo cơ chế công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ. Các “khách hàng có thể đánh giá thái độ và hiệu quả phục vụ của những “công bộc” hành chính.

Từ các phân tích trên, có thể kết luận: ngành Luật hành chính là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh đặc thù gắn liền với khái niệm, đối tượng và phạm vi quản lý nhà nước.

Nguồn của Luật hành chính?

Nguồn của luật hành chính là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và dưới hình thức nhất định, có nội dung là các quy phạm pháp luật hành chính, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các đối tượng có liên quan và được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước.

Trong đó, Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Căn cứ vào cơ quan ban hành, nguồn của luật hành chính bao gồm các loại sau:

– Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực Nhà nước

Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực Nhà nước bao gồm luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của hội đồng nhân dân.

– Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước có quyền ban hành lệnh và quyết định để thực hiện những nhiệm vụ của Chủ tịch nước được pháp luật quy định.

– Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước

Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước bao gồm Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Quyết định của Ủy ban nhân dân.

– Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và viện kiểm sát nhân dân tối cao

Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm:

+ Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

+ Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

– Văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán Nhà nước

Nhìn chung, luật hành chính có hệ thống nguồn khá phức tạp, đa dạng điều chỉnh các mối quan hệ đa dạng trong quản lý hành chính Nhà nước.

Nội dung Luật hành chính gồm những gì?

Nội dung cơ bản của Luật hành chính bao gồm các câu hỏi sau đây:

– Cơ quan hành chính là những cơ quan nào?

Cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây là những cơ quan hành chính nhà nước có chức năng quản lí hành chính nhà nước trên toàn bộ lãnh thổ, đóng vai trò quan trọng, chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

– Vi phạm nào là vi phạm hành chính?

Vi phạm hành chính là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lí nhà nước với nội dung là chấp hành và điều hành, các hành vi vi phạm sẽ phải bị xử lí theo quy định pháp luật.

– Xử lý vi phạm hành chính như thế nào?

Xử lý vi phạm hành chính là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính?

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc các cơ quan sau đây:

+ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Công an nhân dân;

+ Hải quan;

+ Kiêm lâm;

+ Cơ quan thuế;

+ Quản lý thị trường;

+ Thanh tra;

Như vậy, bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp quý bạn đọc hiểu được Luật hành chính là gì? Đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính. Nếu quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 6557.

Đọc thêm: Luật cạnh tranh 2004 số 27/2004/QH11

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !