Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi Bộ luật hình sự hiện hành có quy định như thế nào về tội giết người. Mong luật sư tư vấn giúp tôi.
Người gửi: Trịnh Thị Việt Hưởng (Hà Nội)
Xem thêm: Tội giết người theo điều 93 bộ luật hình sự
Luật sư tư vấn:
Xin chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:
Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội giết người như sau:
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
Tìm hiểu thêm: Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
1. Dấu hiệu pháp lý
– Khách thể của tội phạm: Tội giết người xâm phạm trực tiếp vào quyền được sống của con người.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi (cố ý) gây ra cái chết cho người khác trái pháp luật (kể cả trường hợp có sự đồng ý của nạn nhân)
+ Hành vi này có thể được thực hiện dưới hình thức hành động như bóp cổ, đâm, chém, đấm đá… hoặc không hành động như không cho người bị bại liệt ăn uống mặc dù có nghĩa vụ và có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này…
+ Trường hợp người phạm tội nhầm tưởng xác chết là người đang còn sống mà có những hành vi phạm tội như đâm, chém, bắn… với ý thức nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân thì cũng phạm tội giết người. Đây là trường hợp sai lầm về khách thể.
+ Tội giết người có cấu thành tội phạm vật chất. Thời điểm hoàn thành của tội phạm được tính từ khi hậu quả chết người . Nếu chưa gây ra hậu quả chết người, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người khác thực hiện hành vi phạm tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
+ khi xem xét hành vi giết người với hậu quả chết người xảy ra, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Tức là nguyên nhân gây ra chết người phải xảy ra trước hậu quả về thời gian và phải có mối quan hệ nội tại, tất yếu đối với hậu quả.
– Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
– Chủ thể của tội phạm: Là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Hình phạt
– Khung cơ bản được quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
– Khung tăng nặng được quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự có mức phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với các trường hợp sau:
Đọc thêm: Bảng giá và chi phí thuê luật sư bào chữa
+ Giết nhiều người: Được hiểu là giết từ hai người trở lên.
+ Giết phụ nữ mà biết là có thai: Nạn nhân là phụ nữ có thai mà người phạm tội biết rõ, không kể thai người phụ nữ đang mang vào tháng thứ mấy.
+ Giết trẻ em: Nạn nhân là người chưa đủ 16 tuổi.
+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: Nạn nhân đang thực thi nhiệm vụ do cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội giao phó vì những lợi ích chung. Người thực hiện hành vi tước quyền sống của nạn nhân biết rõ công vụ nạn nhân đang thực hiện.
+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình: Đây là trường hợp giết người mà nạn nhân là người có quan hệ đặc biệt với người phạm tội. Trong mối quan hệ đặc biệt này, người phạm tội phải là người hơn ai hết biết ơn và kính trọng nạn nhân. với hành vi phạm tội của mình, người phạm tội trong trường hợp này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo lý làm con, cháu, làm trò, làm người được nuôi dưỡng.
+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng: Là trường hợp giết người sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc người phạm tội vừa thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng sau đó thực hiện hành vi giết người. Tội phạm đó phải liền trước hoặc liền sau tội giết người khi xét về mặt thời gian, có sự liên tục nhau và có tình tiết ngay tức khắc.
+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác: Vì để thực hiện một tội phạm khác mà đã giết người hoặc giết người nhằm che giấu một tội phạm mà chính chủ thể đã thực hiện hoặc không do chủ thể thực hiện.
+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Đây là trường hợp giết người mà động cơ phạm tội là việc chiếm đoạt bộ phận cơ thể của nạn nhân cho mình, cho người thân hoặc để trao đổi, mua bán. Động cơ phạm tội trong trường hợp này được xem như loại động cơ đê hèn, thể hiện tính ích kỷ cá nhân cao độ trong việc đánh đổi tính mạng người khác cho việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ: Người phạm tội đã thực hiện hành vi dã man, man rợ, tàn ác, không còn tính người. Gây ra sự ghê sợ, kinh khủng, phẫn uất cho bộ phận xã hội, cộng đồng…
+ Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp: Là trường hợp giết người mà người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để có thể dễ dàng thực hiện hoặc che dấu hành vi giết người.
+ Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: Là trường hợp giết người mà người phạm tội đã sử dụng công cụ, phương tiện, hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết nhiều người (trong hoàn cảnh cụ thể).
+ Thuê giết người hoặc giết người thuê: Là trường hợp dùng lợi ích vật chất sai khiến người khác thực hiện hành vi giết người theo ý muốn của mình, biến họ thành “công cụ” giết người trong tay mình. Ngược lại, giết người thuê là trường hợp giết người chỉ vì động cơ kiếm tiền hay lợi ích vật chất khác. Đây cũng là một dạng của động cơ đê hèn.
+ Có tính chất côn đồ: Là trường hợp giết người mà tất cả tình tiết của vụ án thể hiện người phạm tội có tính chất hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người khác, sẵn sàng giết người vì những nguyên cớ nhỏ nhặt nhất.
+ Có tổ chức: Là trường hợp đồng phạm giết người mà giữa các chủ thể có sự cấu kết chặt chẽ với nhau.
+ Tái phạm nguy hiểm: Giết người trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp giết người thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự.
+ Vì động cơ đê hèn: Là trường hợp giết người mà tính chất của động cơ phạm đã làm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người tăng lên một cách đáng kể so với những trường hợp bình thường. Thực tế xét xử thừa nhận những động cơ phạm tội sau coi là động cơ đê hèn: Giết vợ hoặc chồng để lấy vợ hoặc chồng khác; giết người vì vụ lợi (giết người để được hưởng thừa kế…); giết người có tính chất bội bạc, phản trắc (giết người tình đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm…).
– Ngoài hình phạt chính quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự còn có hình phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật hình sự: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Tham khảo thêm: Chế định pháp luật là gì ? Đặc điểm của chế định pháp luật