Căn cứ:
– Luật Đất đai năm 2013;
Xem thêm: Thời hạn giải quyết khiếu nại về đất đai
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai;
– Luật Khiếu nại 2011;
– Thông tư 07/2013/TT-TTCP về quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.
Nội dung chính
1. Khiếu nại đất đai là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 quy định về khiếu nại thì khiếu nại đất đai được hiểu như sau:
– Khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Để thực hiện quyền khiếu nại về đất đai thì người dân phải biết được ai có quyền khiếu nại (người khiếu nại), đối tượng khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cụ thể:
– Người khiếu nại gồm: Người sử dụng đất; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất; người được ủy quyền:
Người sử dụng đất gồm:
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
+ Tổ chức sử dụng đất như: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
+ Cộng đồng dân cư;
+ Cơ sở tôn giáo;
+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại;
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất như:
+ Người nhận tặng cho quyền sử dụng đất;
+ Người nhận chuyển nhượng (người mua đất) quyền sử dụng đất…
(Khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho mà làm thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên giấy chứng nhận) mà bị từ chối, chậm thực hiện…thì có quyền khiếu nại).
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại, cụ thể:
+ Tự mình khiếu nại: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền tự mình viết đơn và thực hiện khiếu nại theo thủ tục quy định.
+ Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng đất thực hiện việc khiếu nại (chỉ áp dụng khi người sử dụng đất là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự).
+ Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
+ Uỷ quyền cho luật sư thực hiện khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
– Đối tượng khiếu nại:
Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, cụ thể:
+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
+ Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng khi làm hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị từ chối cấp giấy chứng nhận hoặc tiếp nhận hồ sơ nhưng quá thời hạn mà không cấp thì hộ gia đình, cá nhân có quyền khiếu nại.
+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai…
Hành vi hành chính về quản lý đất đai: Là hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền để ban hành các quyết định quản lý hành chính về đất đai với các hành vi thường gặp như: Chậm thực hiện, thực hiện không đúng, không thực hiện, gây khó dễ cho người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất…
Như vậy, đối tượng bị khiếu nại theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể từng loại quyết định, hành vi. Trên đây là những quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai chủ yếu, thường gặp.
Chậm cấp Sổ đỏ, người dân có quyền khiếu nại (Ảnh minh họa)
2. Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai
2.1. Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần đầu
Để thực hiện quyền khiếu nại đất đai phải có đủ điều kiện sau:
– Người khiếu nại tự mình thực hiện thì phải là người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại;
– Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình (trái pháp luật nhưng không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không có quyền khiếu nại mà có quyền tố cáo).
– Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện;
– Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.
– Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng.
– Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (điều kiện này áp dụng với trường hợp đã có quyết định khiếu nại lần 1 nhưng không đồng ý).
2.2. Điều kiện thực hiện khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần hai
Ngoài các điều kiện theo thủ tục khiếu nại lần đầu thì khi thực hiện quyền khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần 2 thì phải có quyết định giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu.
3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai
Để tránh việc trả lại đơn thì phải xác định được chính xác thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai theo quy định dưới đây:
STT
Quyết định hành chính về quản lý đất đai
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai
Tên quyết định
Cơ quan thực hiện
1
– Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo.
UBND cấp tỉnh
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
2
– Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
3
– Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
4
– Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
5
– Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
UBND cấp xã
Tham khảo thêm: Sổ đỏ, Sổ hồng là gì? 9 điều cần biết về Sổ đỏ, Sổ hồng
Chủ tịch UBND cấp xã
Chủ tịch UBND cấp huyện
6
– Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
UBND cấp tỉnh
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
7
– Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
8
– Quyết định thu hồi đất mà trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…và đất công ích của xã, phường, thị trấn.
UBND cấp tỉnh
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
UBND cấp huyện (được ủy quyền)
Chủ tịch UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
9
– Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư.
UBND cấp tỉnh
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường (được ủy quyền)
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
10
– Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
11
– Sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi chuyển nhượng, tặng cho…của hộ gia đình, cá nhân.
Phòng Tài nguyên và Môi trường
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường
Chủ tịch UBND cấp huyện
12
– Sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi chuyển nhượng của tổ chức.
Sở Tài nguyên và Môi trường
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
13
– Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau.
Chủ tịch UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
14
– Quyết định giải quyết tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Lưu ý: Trên đây chỉ là những quyết định hành chính về quản lý đất đai thường gặp.
4. Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai
Khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại”.
Như vậy, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai (gọi chung là thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai) không được quy định và thực hiện theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn mà được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 và các văn bản hướng dẫn, cụ thể:
4.1. Thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại đất đai
Thời hiệu khiếu nại:
Theo Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Như vậy, quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thì người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất không có quyền khiếu nại, trừ những trường hợp sau:
Người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì:
+ Ốm đau;
+ Thiên tai;
+ Địch họa;
+ Đi công tác, học tập ở nơi xa
+ Hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Thời hạn giải quyết khiếu nại:
Thời hạn giải quyết khiếu nại là khoảng thời gian mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thực hiện việc giải quyết khiếu nại. Hết thời hạn sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu:
Theo Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Đọc thêm: Tiền thuê đất là gì? Đơn giá thuê đất và cách tính tiền thuê đất?
– Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:
Theo Điều 37 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai như sau:
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
– Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
4.2. Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu
Hình thức khiếu nại:
Căn cứ theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại về đất đai được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, cụ thể:
Trường hợp 1: Khiếu nại được thực hiện bằng đơn
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm khiếu nại;
– Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
– Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
– Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Lưu ý: Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Trường hợp 2: Đến khiếu nại trực tiếp
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như trường hợp 1.
Xem hướng dẫn: Cách viết đơn khiếu nại đất đai
Trình tự giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu
Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại
– Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (được hướng dẫn cụ thể tại bảng ở mục 3).
– Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người có thẩm quyền tiếp nhận đơn.
Bước 2. Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;
– Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.
Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
– Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
– Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4. Tổ chức đối thoại
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
– Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.
– Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
– Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Gửi kết quả giải quyết khiếu nại:
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
+ Người khiếu nại;
+ Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;
+ Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Thủ tục khiếu nại đất đai (Ảnh minh họa)
4.3. Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai lần hai
Bước 1. Gửi và tiếp nhận đơn
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Lưu ý:
– Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
– Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm:
+ Đơn khiếu nại;
+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Nơi nộp: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai (theo hướng dẫn tại mục 3).
Bước 2. Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết mà việc khiếu nại lần hai có đủ điều kiện theo mục 2.2 thì phải thụ lý giải quyết.
– Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4. Tổ chức đối thoại
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.
Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
– Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại:
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
+ Người khiếu nại;
+ Người bị khiếu nại;
+ Người giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
Lưu ý:
– Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính (Theo khoản 2 Điều 33 và Điều 42 Luật Khiếu nại 2011).
Trên đây là những hướng dẫn cụ thể về thủ tục khiếu nại đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết khiếu nại về đất đai còn chưa hiệu quả vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc người có thẩm quyền thường ít khi thừa nhận quyết định và hành vi của mình là trái pháp luật.
>> Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai: Hướng dẫn chi tiết nhất
Khắc Niệm
Tham khảo thêm: Sơ đồ thửa đất bị sai