QUỐC HỘI –
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc –
Xem thêm: Luật công đoàn mới nhất
Luật số: …. /2021/QH14
DỰ THẢO 2
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG ĐOÀN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động); chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, được công đoàn cấp trên công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là một cấp trong hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, trực tiếp thực hiện quyền công nhận công đoàn cơ sở, chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở và liên kết công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
4. Tổ chức đại điện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Điều 170 Bộ luật Lao động.
5. Cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm do đoàn viên tín nhiệm bầu và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định vào chức danh từ Tổ phó tổ công đoàn trở lên.
6. Đơn vị sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương theo quy định của pháp luật.
7. Tranh chấp về quyền công đoàn là tranh chấp phát sinh giữa người lao động, đoàn viên công đoàn, tổ chức công đoàn với đơn vị sử dụng lao động hoặc giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp về việc thực hiện quyền công đoàn.
8. Điều lệ Công đoàn Việt Nam là văn bản do Đại hội Công đoàn Việt Nam thông qua, quy định về tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Người lao động là người Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và trở thành công đoàn cơ sở theo trình tự, thủ tục do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, bao gồm các cấp: cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cấp tỉnh, ngành trung ương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về từng cấp công đoàn”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.
Đọc thêm: Tội cố ý gây thương tích luật 2015
2. Phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn, bao gồm:
a) Yêu cầu tham gia hoặc không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức công đoàn để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
b) Xử lý kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng làm việc, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, chuyển người lao động làm công việc khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
d) Phân biệt đối xử về giới;
đ) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với người lao động;
e) Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ công đoàn rút khỏi hoặc không tham gia hoặc có hành vi chống lại công đoàn;
g) Chi phối, cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức Công đoàn.
3. Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác để can thiệp, thao túng vào quá trình thành lập và hoạt động của công đoàn nhằm làm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu việc thực hiện các chức năng của tổ chức Công đoàn.
4. Trốn đóng, chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
5. Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Quyền tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Công đoàn chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và của người lao động.
3. Khi thực hiện quyền tham giakiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Công đoàn có quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan;
b) Kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
“Điều 17. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 và Điều 65 Bộ luật Lao động.”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Bảo đảm về tổ chức, cán bộ
1. Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.
3. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở và số lượng lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ công đoàn quyết định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách.”.
10. Sửa đổi khoản 2 Điều 24 như sau:
“2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được đảm bảo thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật lao động. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà ban chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.”.
11. Bổ sung khoản 5 Điều 26 như sau:
“5. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn theo khoản 2 Điều này thì được xem xét miễn, giảm.
Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm kinh phí công đoàn.”.
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
“Điều 27. Quản lý sử dụng tài chính Công đoàn
1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
– Phương án 1:
2. Kinh phí công đoàn theo khoản 2 Điều 26 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau:
a) Ởcơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, toàn bộ kinh phí nêu trên được phân phối cho công đoàn cơ sở.
b) Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn.
c) Ở doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh phí cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo điểm b khoản 2 Điều này.
d) Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ toàn bộ số kinh phí nêu trên để thực hiện chi cho người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hoàn trả số chưa chi cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được thành lập theo điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Tìm hiểu thêm: Thu nhập của nghề luật sư tại Việt Nam?
– Phương án 2:
2. Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn quy định tại khoản 2 Điều 26 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
“3. Kinh phí công đoàn được sử dụng cho các nhiệm vụ sau đây:
a) Chăm lo cho đoàn viên và người lao động;
b) Tổ chức hoạt động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định;
c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; hoạt động về giới và bình đẳng giới;
d) Tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hoá, thể thao do Công đoàn phát động;
đ) Chi quản lý hành chính tại các cơ quan công đoàn;
e) Chi đầu tư các thiết chế phúc lợi cho đoàn viên và người lao động;
g) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
4. Đoàn phí công đoàn và thu khác chi theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Ngân sách nhà nước chi theo nội dung Nhà nước cấp hỗ trợ.”.
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:
“Điều 28. Tài sản công đoàn
Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.
Công đoàn Việt Nam thực hiện việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản của Công đoàn theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:
“Điều 29. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, công khai tài chính công đoàn
1. Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Cơ quan kiểm tra của Công đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật.
4. Định kỳ hai năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đột xuất tài chính công đoàn khi có yêu cầu của Quốc hội.
5. Các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn và bằng một trong các hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.”.
15. Sửa đổi Điều 30 như sau:
“Điều 30. Giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn
Khi phát sinh tranh chấp về quyền công đoàn giữa đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Tranh chấp thuộc phạm vi quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong quan hệ lao động thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết theo pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động;
2. Tranh chấp thuộc phạm vi quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong các quan hệ khác thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết theo pháp luật tương ứng có liên quan;
3. Tranh chấp liên quan đến việc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động đối với Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.”.
Điều 2. Bổ sung, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản của Luật Công đoàn
1. Bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật lao động” vào cuối khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 10.
2. Thay thế từ “bảo hộ lao động” bằng cụm từ “an toàn, vệ sinh lao động” tại khoản 1 Điều 11.
3. Bổ sung từ “Quyền” vào đầu tên điều của Điều 13.
4. Thay thế cụm từ “hài hoà, ổn định và tiến bộ” bằng cụm từ “tiến bộ, hài hòa và ổn định” tại khoản 4 Điều 11; Điều 20.
5. Bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản 9 Điều 10; khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 22.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ ……. thông qua ngày ……. tháng …… năm 2021.
Tìm hiểu thêm: Luật nghĩa vụ quân sự 2020
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI Nguyễn Thị Kim Ngân
Tìm hiểu thêm: Luật nghĩa vụ quân sự 2020
Tìm hiểu thêm: Luật nghĩa vụ quân sự 2020