Covid-19 khiến công ty gần như phá sản, Cao Trương Hiền, 25 tuổi (ngụ quận Gò Vấp) nghỉ việc từ tháng 7 năm ngoái. Nam công nhân vay 30 triệu mua phương tiện chạy xe ôm công nghệ. Thu nhập từ công việc mới cũng èo uột, không đảm bảo cuộc sống. Sau 8 tháng thôi việc, anh Hiền quyết định bán sổ bảo hiểm vì không thể đợi đủ một năm để nhận trợ cấp thất nghiệp một lần do bị chủ nợ dí.
Anh Hiền rao bán sổ vào một nhóm kín trên mạng. Hơn chục người liên lạc hỏi mua. Gần ba năm rưỡi đóng bảo hiểm với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng mỗi tháng, anh chốt với người ra giá cao nhất 20 triệu đồng, trong khi số tiền bảo hiểm thực lĩnh khoảng 30 triệu đồng. Hai bên gặp nhau ở một ngân hàng. Hiền mở tài khoản rồi giao thẻ ATM, mật khẩu cho người mua.
Xem thêm: Cần bán sổ bảo hiểm xã hội
“Họ lấy tài khoản đó để sau này đăng ký nhận tiền với bên bảo hiểm”, anh Hiền nói và cho biết hợp đồng ủy quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần được lập ở phòng công chứng. Trong đó, nam công nhân phải ký vào cam kết soạn sẵn: Đến hết tháng 8/2021 không được đi làm làm dẫn tới phát sinh đóng bảo hiểm xã hội; không đổi ý rút lại sổ… Nếu vi phạm, bên bán phải trả cho bên mua gấp đôi số tiền đã nhận.
“Sổ hộ khẩu, chứng minh, địa chỉ gia đình người ta nắm hết. Tôi mà lật kèo sẽ bị bên mua xử liền”, anh Hiền nói và giải thích theo Luật Bảo hiểm xã hội, sau một năm kể từ khi nghỉ việc, người lao động mới được làm thủ tục đề nghị lĩnh bảo hiểm xã hội một lần. Trong thời gian này, nếu anh đi làm, có đóng bảo hiểm, bên mua sổ sẽ không thể nhận tiền.
Tham khảo thêm: Xin cấp lại bìa sổ bhxh
Cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chị Vũ Thị Hương, 33 tuổi, công nhân một công ty may ở quận 7 chấp nhận “bán” 3 năm tham gia bảo hiểm xã hội với giá 18 triệu đồng trong khi giá trị thực cuốn sổ hơn 30 triệu. Mất việc vào tháng 8 năm ngoái, người mẹ đơn thân xoay xở đủ cách vẫn không đủ chi phí nuôi hai con nhỏ. “Tôi cần tiền để đưa con về Đăk Lăk mở tiệm nước kiếm sống”, chị Hương nói về lý do bán sổ bảo hiểm theo hình thức ủy quyền vào cuối tháng 4 vừa qua.
Cũng như anh Hiền, trước khi nhận tiền chị Hương phải cam kết không được đi làm trong một năm kể từ khi nghỉ việc, không rút lại sổ, vi phạm phải bồi thường 36 triệu đồng. “Nhìn bản cam kết thấy hơi lo nhưng khi đó tôi không còn cách lựa chọn nào khác”, nữ công nhân nói và tự an ủi biết đâu từ số tiền bán sổ khiến cuộc sống của ba mẹ con đỡ vất vả hơn.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM Phan Văn Mến cho biết trong năm 2020, trên địa bàn có gần 350 người chuyên được ủy quyền để nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó có một số người được uỷ quyền hơn 300 đến 400 lần. Khi làm thủ tục lĩnh tiền, cơ quan bảo hiểm thành phố nghi ngờ các cá nhân này mua bán, trục lợi từ sổ bảo hiểm xã hội của công nhân nhưng không đủ cơ sở để xử lý.
“Bởi tất cả các trường hợp đều thực hiện ủy quyền qua văn phòng công chứng theo quy định, chặt chẽ về thủ tục, lại không có khiếu nại, kiện cáo”, ông Mến nói và cho biết để tránh việc mua bán sổ, thời gian qua Bảo hiểm xã hội thành phố đề nghị cơ quan bảo hiểm quận, huyện thống kê các trường hợp được ủy quyền nhận thay từ 2 hồ sơ trở lên, yêu cầu hai bên tới đối chứng. Trường hợp nghi ngờ sẽ chuyển hồ sơ cho công an.
Tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội từng xảy ra ở TP HCM. Công an huyện Củ Chi giữa năm 2020 đã xử phạt hành chính một số chủ cửa hiệu cầm đồ trên địa bàn do có hành vi cầm cố, “mua non” sổ bảo hiểm của gần 240 công nhân. Nhiều người kẹt tiền đem sổ bảo hiểm đi cầm, sau đó không thể trả nợ nên bán. Các chủ tiệm cầm đồ được người lao động lập uỷ quyền đi nhận thay, hưởng tiền chênh lệch.
Cũng trong năm 2020, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) phối hợp Công an Bình Dương và TP HCM điều tra, xử phạt một số người có hành vi trục lợi từ sổ bảo hiểm. Theo đó, lợi dụng dịch bệnh, nhiều công nhân thất nghiệp, những người này lập trang Facebook như “Thu mua bảo hiểm xã hội giá cao”, “Thanh lý sổ bảo hiểm trước hạn”… để gom sổ. Sau đó, bằng hợp đồng ủy quyền, bên mua trực tiếp làm thủ tục nhận.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, để hạn chế tình trạng mua bán sổ bảo hiểm một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM lập danh sách những cá nhân nhận ủy quyền nhiều lần gửi cơ quan công an. Việc này phần nào hạn chế tình trạng thu gom nhưng không triệt để vì thực tế pháp luật không cấm. “Sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần quy định cụ thể trường hợp nào được phép ủy quyền hưởng chế độ, không nên đại trà như hiện nay”, ông Thọ nói.
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông- IPS cho rằng, quy định hiện hành không thừa nhận sổ bảo hiểm xã hội như một tài sản, nhưng trên thực tế việc mua bán, cầm cố sổ vẫn diễn ra. Do đó, pháp luật nên xem xét sổ bảo hiểm như một tài sản giống như sổ đỏ nhà đất để công nhân có thể thế chấp khi cấp bách.
Theo ông Đồng, Ngân hàng Nhà nước có thể chủ trì để ngân hàng chính sách xã hội thí điểm một vài sản phẩm vay giải quyết khó khăn, tự tạo việc làm… bằng cách thế chấp bằng sổ bảo hiểm để công nhân lựa chọn. Việc này giúp họ có tiền nhưng vẫn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm, đặc biệt không phải “bán lúa non” hay nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Lê Tuyết
Tìm hiểu thêm: Giờ làm việc của bảo hiểm xã hội
- Mua sổ bảo hiểm xã hội: Có được phép?