Nội dung chính
- 1 Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những hình thức bảo hiểm được đông đảo người dân tham gia nhất hiện nay. Vậy BHXH tự nguyện là gì? Đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng, thủ tục và cách đóng như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
- 1.1 1Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
- 1.2 2Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 1.3 3Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 1.4 4Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 1.5 5Phương thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 1.6 6Cách mua bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 1.7 7Một số thắc mắc liên quan đến BHXH tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những hình thức bảo hiểm được đông đảo người dân tham gia nhất hiện nay. Vậy BHXH tự nguyện là gì? Đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng, thủ tục và cách đóng như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
1Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Xem thêm: Bảo hiểm tự nguyện 2020
Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm các chế độ nào?
Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất (khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.
Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
2Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người dân tham gia BHXH tự nguyện khi đáp ứng đủ các điều kiện nhất định thì được hưởng các quyền lợi nhất định sau đây:
Thứ nhất, được hưởng lương hưu hàng tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
- Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hàng tháng.
Thứ hai, ngoài lương hưu, người tham gia còn có thể được hưởng trợ cấp một lần nếu có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% khi nghỉ hưu.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Theo đó, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Thứ ba, trường hợp người tham gia có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Thứ tư, trường hợp người đang đóng BHXH tự nguyện, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức trợ cấp tuật một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 81 Luật BHXH 2014.
Thứ năm, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi đang hưởng lương hưu, với mức hưởng bảo hiểm y tế tương ứng là 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ sáu, được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
- Sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
3Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo quy định của Nghị định 38/2019 do đó 20 lần mức lương cơ sở là 29.800.000 đồng.
4Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tìm hiểu thêm: Tính tiền BHXH 1 lần miễn phí trên tuvanbhxh.net
Cụ thể, mức hưởng như sau:
Chế độ hưu trí
– Lương hưu hàng tháng (Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
Mức lương = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
– Trợ cấp một lần (Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
Mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
– BHXH một lần (Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
Chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định, mức hưởng tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được:
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
+ Đóng chưa đủ 01 năm thì hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Chế độ tử tuất
– Trợ cấp mai táng (Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
– Trợ cấp tuất (Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
+ Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
- Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;
- Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.
+ Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
- 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
- Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.
5Phương thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hiện nay có tất cả 6 phương thức tham gia người dân có thể lựa chọn:
1. Đóng hàng tháng.
2. Đóng 03 tháng một lần.
3. Đóng 06 tháng một lần.
4. Đóng 12 tháng một lần.
5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần.
6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (theo phương thức 6).
Tham khảo thêm: Mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện
6Cách mua bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trình tự thực hiện
Bước 1: Lập, nộp hồ sơ
1. Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH
Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); nộp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.
2. Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu
- Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS), nộp cho Đại lý thu.
- Đại lý thu lập Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện, Tờ khai Mẫu TK1-TS của người tham gia nộp cho cơ quan BHXH.
Bước 2: Đóng tiền.
Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết gồm: Sổ BHXH; Quyết định hoàn trả và tiền hoàn trả theo hình thức đã đăng ký.
Nơi nộp hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện
- Cơ quan BHXH các cấp (nơi tạm trú hoặc thường trú);
- Đại lý thu (UBND xã nơi cư trú, Bưu điện…).
7Một số thắc mắc liên quan đến BHXH tự nguyện
Dưới đây là tổng hợp một số thắc mắc kèm giải đáp từ Trang Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bưu điện Việt Nam – đơn vị được ủy quyền thu BHXH để bạn cùng tham khảo.
Trường hợp muốn biết nhiều thông tin chi tiết hơn, bạn có thể gọi đến hotline BHXH Việt Nam 1900 90 68 để được hỗ trợ nhé!
Nếu quá thời điểm đóng mà người tham gia không đóng thì giải quyết thế nào?
Khi đang tham gia BHXH tự nguyện mà không thể tiếp tục đóng, thời gian đóng BHXH của anh/chị sẽ được bảo lưu. Khi anh chị có điều kiện tham gia lại, anh/chị phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian đóng sẽ được cộng nối tiếp thời gian đóng trước đó.
Trường hợp anh/chị có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng. Đóng BHXH tự nguyện rất linh động về thời gian đóng và mức tiền đóng.
Đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ của Nhà nước thế nào?
Từ 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng), cụ thể:
STT Đối tượng % Hỗ trợ Chuẩn nghèo Số tiền hỗ trợ 1 Hộ nghèo 30% 700.000 2 Hộ cận nghèo 25% 700.000 3 Khác 10% 700.000
Người tạm dừng đóng BHXH tự nguyện nếu muốn tham gia tiếp thì làm sao?
Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định thời điểm đóng như sau:
Quá thời điểm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 1 điều này mà người tham gia BHXH tự nguyện không đóng BHXH thì được coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng BHXH tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH với cơ quan BHXH.
Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Có được thay đổi phương thức đóng BHXH ban đầu không?
Điều 11 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định, người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Trên đây là bài viết giải đáp đến bạn đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng, thủ tục và cách đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mong rằng những thông tin được cung cấp sẽ hữu ích cho bạn.
Tìm hiểu thêm: Chuyển bảo hiểm y tế sang bệnh viện khác