Nội dung chính
1. Mở đầu vấn đề
Trật tự công công là trạng thái ổn định, có tổ chức, có kỉ luật ở nơi công cộng. Những nơi phục vụ lợi ích công cộng như đường phố, quảng trường, công viên, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, bãi biển, khu nghỉ mát… được tổ chức, sắp xếp ngăn nắp, các quy ước chung được mọi người tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh.
Quy tắc bắt buộc phải tuân theo để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, thể hiện toàn bộ những yêu cầu cơ bản của xã hội về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…
Xem thêm: Trật tự công cộng là gì
2. Hành vi gây rối trật tự công cộng
Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể là sự cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; gây cản trở, ách tắc giao thông trong nhiều giờ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự an toàn xã hội… Hoặc để người xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân; gây khó khăn trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Như vậy, nội hàm của hành vi gây rối trật tự công công được hiểu theo khái niệm rất rộng về không gian, thời gian và địa điểm phạm tội.
Hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên họp không được coi là gây rối trật tự công cộng. Người có hành vi gây rối tại phiên tòa, phiên họp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối phiên tòa, phiên họp” theo Điều 391 BLHS.
3. Chủ thể của tội phạm gây rối trật tự công cộng
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình).
4. Các trường hợp gây rối trật tự cộng cộng
Trong thực tiễn, hành vi gây rối trật tự cộng cộng xảy ra muôn hình, vạn trạng, có khi kèm theo các công cụ, vũ khí, gây thiệt hại tài sản, tính mạng của người khác. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, cần nghiên cứu, đánh giá đúng hành vi phạm tội theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt hoặc định tội riêng biệt, để có thể áp dụng chính xác pháp luật, có thể gồm các trường hợp sau:
– Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà dùng vũ khí theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS được hiểu là dùng vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự gây rối trật tự công cộng.
– Trường hợp người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng và dùng vũ khí đó gây rối trật tự công cộng, nếu hành vi đó thỏa mãn điều kiện của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 304 BLHS, thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 304 BLHS.
– Trường hợp một người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng tác dụng như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và dùng vũ khí đó gây rối trật tự công cộng, nếu hành vi đó thỏa mãn điều kiện của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, súng thể thao hoặc công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 306 BLHS, thì cùng với việc phải chịu TNHS về tội “Gây rối trật tự cộng cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS, người phạm tội còn phải chịu TNHS về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển… chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 306 BLHS.
– Trường hợp phạm tội “Gây rối trật tự công cộng có dùng hung khí” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS là trường hợp người phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” có dùng công cụ, dụng cụ, vật có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người khác như dùng búa đinh, dao phay, các loại dao sắc nhọn… hoặc vật do người phạm tội chế tạo ra như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ, vật có sẵn trong tự nhiên như gách, đá, đoạn cây cứng, thanh sắt… gây rối trật tự công cộng.
– Trường hợp người gây rối trật tự công cộng có hành vi phá phách theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS được hiểu là trong quá trình phạm tội gây rối trật tự công cộng, người phạm tội có hành vi đập phá, làm đảo lộn trật tự bình thường của đồ vật, tài sản của người khác. Nếu hành vi phá phách gây thiệt hại về tài sản của người khác thỏa mãn dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì cùng với việc phải chịu TNHS về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS, người đó còn phải chịu TNHS về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo Điều 178 BLHS.
– Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà có hành vi hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 318 BLHS, là người phạm tội có hành vi dùng vũ lực tấn công người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng. Nếu hành vi hành hung đó thỏa mãn dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 330 BLHS, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự cộng cộng” theo điểm đ khoản 2 Điều 318 BLHS, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 BLHS.
– Trường hợp phạm tội hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng mà gây chết người hoặc gây thương tích cho người can thiệp, bảo vệ trật tự công cộng, nếu hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu của tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS, hoặc cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 BLHS, thì cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” hoặc cố ý gây thương tích, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS.
5. Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm gây rối trật tự công cộng
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Đọc thêm: Công đoàn là gì? Vai trò của tổ chức này đối với người lao động?
Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có hành vi gây rối trật tự công cộng đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm
Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến an toàn công cộng, đến các quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi…ở nơi công cộng.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các, quán ăn, quán giải khái có đông người. v.v…
Khi xác định hành vi gây rối trật tự cần phải phân biệt với hành vi tuy có gây rối trật tự công cộng nhưng đã cấu thành một tội khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà họ đã thực hiện, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Ví dụ: Hai tốp thanh niên đuổi đánh nhau trong đó có Trần Văn H; trong khi đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động đường phố thì Trần Văn H đã dùng dao nhọn mang theo đâm chết Bùi Văn T là một trong số thanh niên tham gia đánh nhau. Mặc dù Trần Văn H có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng từ việc gây rối mà H đã thực hiện hành vi giết người và tội giết người là tội phạm nặng hơn tội gây rối trật tự công cộng nên H chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Nói chung, để có thể gây rối trật tự công cộng thì phải có nhiều người, nhưng không phải bao giờ trong vụ án gây rối trật tự công cộng cũng có người tham gia mà có thể chỉ do một người thực hiện. Ví dụ: Vũ Văn T là đối tượng đã có người tiền án, tiền sự. Ngày 7-11-2005, T cùng bạn gái vào rạp xem phim; trong lúc đang chiếu phim thì T lấy thuốc lá ra hút, mọi người xung quanh yêu cầu T tắt thuốc lá nhưng T không những không nghe mà còn dở thói côn đồ, chửi bới, lăng mạ mọi người xung quanh, gây mất trật tự trong rạp, buổi chiếu phim phải dừng lại để ổn định trật tự, đèn trong rạp bật sáng, mọi người nhận ra T là tên lưu manh đã có nhiều tiền án, tiền sự; anh Phạm Văn H là người cùng phố với T đã đến khuyên T không nên có thái độ càn quấy ở trong rạp, nhưng T không nghe mà còn chửi anh H rất thậm tệ, rồi túm cổ áo anh H định đánh thì những người làm nhiệm vụ bảo vệ trong rạp kịp thời tới can ngăn và đưa T ra khỏi rạp. Do hành vi gây mất trật tự của T nên buổi chiếu phim bị giãn đoạn hơn 30 phút.
Thực tiễn xét xử cho thấy, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng thường là hành vi khởi đầu cho những hành vi phạm tội khác kế tiếp như: giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản… Tuy nhiên, cũng có trường hợp từ hành vi phạm tội khác mà dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng như: tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép, đánh bạc, vi phạm các quy định về điều khiển phương giao thông đường bộ… Những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rỗi trong các trường hợp này là người có liên quan đến hành vi phạm tội khác nhưng vì không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm đó.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Tham khảo thêm: Thương hiệu và nhãn hiệu khác nhau như thế nào
Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao thì coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây rối trật tự công cộng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ ;
– Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
– Làm chết người hoặc gây thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.
– Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
– Gây cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
– Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
– Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…
Khi xác định hậu quả của hành vi phạm tội cần chú ý: có thể trong vụ án gây rối trật tự công cộng thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản đã là hậu quả của hành vi phạm tội khác và người phạm tội khác đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác nhưng vẫn được tính là hậu quả nghiêm trọng của hành vi gây rối để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây rối. Ví dụ: A, B, C và D vào quán của chị H uống bia hơi, trong khi uống bia A,B,C,D đã gây rối làm náo loạn quan bia, trong lúc gây rối, A đã lấy cốc và vỏ chai bia ném người khác làm hư hỏng tài sản của chị H trị giá 12 triệu đồng, còn C đã dùng dao đâm anh Q làm anh Q bị thương có tỷ lệ thương tật là 45%. Mặc dù trong vụ án này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác và C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích nhưng thiệt hại về sức khoẻ của anh Q và thiệt hại về tài sản của chị H đều được tính để xác định hậu quả nghiêm trọng về hành vi gây rối của B và D.
c. Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định hành vi phạm tội gây rối cần nghiên cứu các quy định của Nhà nước về các quy tắc về trật tự ở nơi công cộng.
Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là do cố ý.
Trân trọng!
Tìm hiểu thêm: Danh mục hung khí nguy hiểm mới nhất 2022