logo-dich-vu-luattq

Thời hạn hợp đồng bảo hiểm là gì

1. Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm

Thời hạn có hiệu lực của một hợp đồng bảo hiểm cũng tuân theo nguyên lý chung đó nên là một khoảng thời gian được xác định theo hai thời điểm sau:

.Về thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm và thời hạn bảo hiểm

Xem thêm: Thời hạn hợp đồng bảo hiểm là gì

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

1.2 Thời điểm bắt đầu (là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm).

Thời điểm có hiệu lực của một hợp đồng có ý nghĩa quan trọng đối với những người có quyền, nghĩa vụ từ hợp đồng đó. Càng quan trọng hơn đối với các hợp đồng bảo hiểm vì các rủi ro đối với người được bảo hiểm chỉ được coi là sự kiện bảo hiểm nếu rủi ro đó phát sinh sau thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự nói chung được Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tại Điều 401 như sau: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.Theo quy định này thì thời điểm có hiệu lực của một hợp đồng dân sự được xác định theo một trong ba căn cứ: Theo thời điểm giao kết của hợp đồng, theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, theo quy định khác của pháp luật. Nguyên tắc để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phải theo thứ tự: Căn cứ vào thỏa thuận, trong trường hợp không có thoả thuận nhưng có quy định riêng của pháp luật thì căn cứ vào quy định riêng của pháp luật sau cùng, nếu không có thỏa thuận và cũng không có quy định riêng thì căn cứ vào thời điểm giao kết để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Hiện chưa có quy định riêng của pháp luật về việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nên đối với các hợp đồng bảo hiểm mà các bên không có thoả thuận khác về thời điểm có hiệu lực của nó thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đó được xác định theo thời điểm giao kết của hợp đồng. Đối với hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản theo trình tự thông thường (không phải tuân theo trình tự mà pháp luật đã quy định) thì thời điểm giao kết của hợp đồng đó là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản(1).

Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng bảo hiểm, bắt buộc phải được giao kết bằng hình thức văn bản nên về nguyên tắc, ta nói rằng thời điểm có hiệu của một hợp đồng bảo hiểm là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản được coi là bằng chứng của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, do tính đa dạng của các loại hợp đồng bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm cũng như tính đa dạng, phong phú của các sản phẩm bảo hiểm nên không thể áp dụng nguyên tắc trên một cách cứng nhắc mà tuỳ theo từng trường hợp, thời điểm có hiệu lực của mỗi một hợp đồng bảo hiểm cụ thể được xác định một cách khác nhau. Chẳng hạn, đối với hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì thủ tục giao kết hợp đồng rất đơn giản (vì nội dung của hợp đồng này đã được pháp luật quy định trước) là bên bảo hiểm cấp cho người mua bảo hiểm Giấy chứng nhận bảo hiểm (đã có sẵn chữ ký của người đại diện và đóng dấu của doanh nghiệp bảo hiểm) ngay sau khi người mua bảo hiểm nộp phí bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm mặc dù là bằng chứng của hợp đồng nhưng lại chỉ là sự xác nhận của bên bảo hiểm nên không cần phải có chữ ký của người mua bảo hiểm. Trong trường hợp này mặc dù không có chữ ký của bên tham gia bảo hiểm trong cái gọi là bằng chứng của hợp đồng nhưng hợp đồng bảo hiểm đó vẫn được coi là đã giao kết và có hiệu lực từ thời điểm bên tham gia bảo hiểm nộp phí bảo hiểm và nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm. Đối với các hợp đồng bảo hiểm tự nguyện thì thời điểm có hiệu lực được xác định kể từ khi các bên đã ký vào đơn bảo hiểm mặc dù có thể theo thỏa thuận, người tham gia bảo hiểm được quyền nộp phí bảo hiểm sau một thời gian nhất định kể từ khi ký hợp đồng. (Trong trường hợp này nếu sau khi ký hợp đồng và hết thời gian đã thỏa thuận về việc nộp phí bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm vẫn không nộp phí bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền gia hạn một thời gian nhất định và hết thời gian đó, người tham gia bảo hiểm vẫn không nộp phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm đó đương nhiên chấm dứt hiệu lực). Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm nhân thọ đều xác định cụ thể về ngày hiệu lực của hợp đồng. Ví dụ: trong “Điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ’ của Công ty bảo hiểm PRUDENTIAL đã xác định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng như sau: “Nếu người được bảo hiểm được Prudential chấp nhận bảo hiểm, ngày hiệu lực của hợp đồng là ngày người tham gia bảo hiểm điền đầy đủ vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và nộp đủ phí bảo hiểm đầu tiên theo yêu cầu của Prudential.”

Tóm lại, thời điểm bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm thông thường được xác định tại thời điểm người tham gia bảo hiểm đã nộp đủ phí bảo hiểm đầu tiên và nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm.

1.2 Thời điểm kết thúc (là thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm).

Hợp đồng bảo hiểm được chấm theo các trường hợp được quy định tại Điều 422Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 23 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm:

+ Hợp đồng được hoàn thành:

Các hợp đồng dân sự nói chung được coi là hoàn thành khi các bên tham gia hợp đồng đã thực hiện toàn bộ nội dung của nghĩa vụ và do vậy, mỗi bên đều đã đáp ứng được quyền dân sự của mình, thì hợp đồng được coi là hoàn thành. Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm, sau khi đã nhận phí bảo hiểm, bên bảo hiểm phải chịu rủi ro cho đến khi hết hạn của hợp đồng nên việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo căn cứ này được xác định như sau: Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản có mức bảo hiểm là 100% giá trị của tài sản bảo hiểm thì dù sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và bên bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại nhưng số tiền bồi thường chưa bằng 80% giá trị của tài sản được bảo hiểm thì vẫn phải bảo hiểm cho đến khi hết hạn hợp đồng, nếu số tiền bồi thường đã bằng 80% trở lên so với giá trị của tài sản được bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm đó được coi là chấm dứt kể từ khi bên bảo hiểm đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì hợp đồng được coi là chấm dứt khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm.

+ Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng:

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là ý chí của một trong hai bên về việc không tiếp tục duy trì hợp đồng theo các điều kiện đã cam kết vì bên kia có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì hợp đồng bảo hiểm đó được coi là chấm dứt tại thời điểm bên kia nhận được thông báo đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của bên này. Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thì các bên trong hợp đồng bảo hiểm được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong nhưng trường hợp sau đây:

Đọc thêm: Bảo hiểm thân vỏ ô tô

Bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong các hành vi:

  • Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc để được bồi thường;
  • Không thông báo cho bên bảo hiểm những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của bên bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm dù bên bảo hiểm đã yêu cầu;
  • Không chấp nhận việc tăng phí bảo hiểm khi bên bảo hiểm tính lại phí bảo hiểm trên do có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm. Chẳng hạn, bên mua bảo hiểm bảo hiểm cho chiếc xe ô tô của mình với mức phí là 1,3% cho 100% giá trị của xe trong thời hạn là năm năm và đóng phí định kỳ theo từng năm bảo hiểm. Do bị tai nạn nên chất lượng xe đã giảm đáng kể dù đã được sửa chữa. Vì vậy, đến năm bảo hiểm thứ ba, bên bảo hiểm tăng phí bảo hiểm từ 1,3% lên 1,7% nhưng bên mua bảo hiểm không chấp nhận mức phí đó và không đóng phí bảo hiểm. Trong trường hợp này hợp đồng bảo hiểm vật chất đối với xe cơ giới được coi là chấm dứt kể từ thời điểm bên mua bảo hiểm nhận được thông báo bằng văn bản của bên bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
  • Bên tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không tiếp tục đóng phí bảo hiểm sau 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí thì hợp đồng bảo hiểm này đương nhiên bị coi là chấm dứt kể từ thời điểm hết thời hạn của gia hạn đóng phí. (Trong trường hợp thời gian đã đóng phí bảo hiểm chưa đủ hai năm).
  • Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp an toàn cho đối tượng bảo hiểm và bên bảo hiểm đã ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó nhưng hết thời hạn mà các biện pháp đó vẫn không được thực hiện thì hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm bên tham gia bảo hiểm đã nhận được thông báo bằng văn bản của bên bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng.

+ Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi hợp đồng bị huỷ bỏ.

  • Bên tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã đóng phí bảo hiểm được từ hai năm trở lên và không tiếp tục đóng phí bảo hiểm sau 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí thì hợp đồng bảo hiểm này chấm dứt kể từ khi bên bảo hiểm thực hiện việc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, bên bảo hiểm phải trả cho bên mua giá trị hoàn lại của hợp đồng (giá trị giải ước). Ta nói rằng trường hợp này chính là huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.
  • Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi đối tượng được bảo hiểm không còn.

Đối tượng được bảo hiểm bao gồm con người, tài sản và trách nhiệm dân sự, trong đó một hợp đồng bảo hiểm chỉ rơi vào trường hợp “đối tượng được bảo hiểm không còn” khi hợp đồng đó có đối tượng bảo hiểm là con người hoặc tài sản. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm chỉ chấm dứt theo căn cứ trên trong các trường hợp:

  • Khi tài sản được bảo hiểm bị mất hoặc bị huỷ hoại toàn bộ. Tài sản bị mất hoặc bị huỷ hoại có thể chính là sự kiện bảo hiểm, có thể không thuộc sự kiện bảo hiểm trong một hợp đồng. Chẳng hạn, trong các hợp đồng bảo hiểm trộm cắp, nếu tài sản bị mất do trộm cắp là sự kiện bảo hiểm, nhưng nếu tài sản bị huỷ hoại thì không thuộc sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung thì hợp đồng được coi là chấm dứt tại thời điểm tài sản được bảo hiểm không còn. Trong đó, nếu sự “không còn” của tài sản thuộc sự kiện bảo hiểm thì bên bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường;
  • Khi người được bảo hiểm bị chết thì hợp đồng đó được coi là chấm dứt tại thời điểm người đó chết và đương nhiên nếu sự kiện chết của người đó thuộc sự kiện bảo hiểm thì bên bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng;
  • Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Trong các hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là con người mà người được bảo hiểm không đồng thời là người tham gia bảo hiểm thì người tham gia bảo hiểm chỉ được mua bảo hiểm cho những người mà mình có quyền lợi có thể được bảo hiểm do giữa người đó với người được bảo hiểm có các quan hệ về hôn nhân, gia đình, huyết thống .v.v. Vì vậy, khi các quan hệ đó chấm dứt thì người tham gia bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Chẳng hạn, vợ mua bảo hiểm cho chồng với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn là 15 năm nhưng sáu năm sau kể từ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm đó, hai vợ chồng đã ly hôn. Trong trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm được coi là chấm dứt kể từ thời điểm quyết định hoặc bản án cho ly hôn của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, thời hạn của hợp đồng bảo hiểm là một khoảng thời gian nhất định được xác định từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, trong đó tồn tại mối liên hệ pháp lý về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng.

2. Thời hạn bảo hiểm.

Thời hạn bảo hiểm là khoảng thời gian được xác định theo hợp đồng bảo hiểm mà trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Thời hạn bảo hiểm có thể được tính theo ngày hoặc có thể được tính theo sự kiện. Nếu tính theo ngày thì thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm được tính từ 0 giờ của ngày bảo hiểm đầu tiên theo dương lịch (ngày tiếp theo ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực). Nếu được tính theo sự kiện thì thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm chính là thời điểm bắt đầu của sự kiện. Chẳng hạn, bảo hiểm công trình xây dựng tính theo thời hạn thi công thì thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm là thời điểm khởi công công trình đó, hoặc bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển tính riêng cho từng chuyến thì thời hạn bảo hiểm được tính kể từ khi tầu được nhổ neo từ cảng đầu tiên.

Thông thường, thời hạn bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản là một năm. Thời hạn bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc suốt đời. Thời hạn bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm thiệt hại khác như bảo hiểm công trình xây dựng, bảo hiểm hàng hoá vận chuyển, bảo hiểm hành khách thường được xác định theo lộ trình công việc đó. Chẳng hạn, đối với hợp đồng bảo hiểm vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tính theo từng chuyến thì thời hạn bảo hiểm là từ thời điểm tàu nhổ neo ở cảng đầu tiên cho đến thời điểm tàu cập cảng cuối cùng của đường vận chuyển được xác định trong vận đơn.

Thông thường, thời hạn bảo hiểm trùng với thời hạn của hợp đồng bảo hiểm nên việc xác định thời điểm bắt đầu cũng như thời điểm kết thúc của thời hạn bảo hiểm cũng theo nguyên tắc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tuy cũng trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng nhưng chỉ những thiệt hại nào được coi là sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm mới phải chi trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm. Ví dụ: Thời hạn có hiệu lực của một hợp đồng bảo hiểm công trình xây dựng được tính theo thời hạn thi công thì mặc dù hợp đồng bảo hiểm đó có hiệu lực kể từ khi hợp đồng được giao kết và bên tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm nhưng thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm chỉ tính kể từ khi công trình đó được khởi công xây dựng.

Như vậy, cần phải xác định rằng có nhiều hợp đồng bảo hiểm mà trong đó, thời hạn bảo hiểm chỉ là một (hoặc những) khoảng thời gian nằm trong khoảng thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Do vậy, trong những trường hợp thời hạn bảo hiểm khác với thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm thì trong hợp đồng bảo hiểm đó phải ghi rõ thời hạn bảo hiểm (thường được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm về các khoảng thời gian không được bảo hiểm) hoặc thời hạn bảo hiểm phải được xác định theo các quy định khác của pháp luật.

Từ các vấn đề nêu trên, chúng ta càng thấy rõ rằng, nếu thời hạn của hợp đồng bảo hiểm là căn cứ để xác định mối liên hệ pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thì thời hạn bảo hiểm là căn cứ để xác định một rủi ro, thiệt hại được coi là một sự kiện được bảo hiểm. Thông thường, một rủi ro xảy ra trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm sẽ là sự kiện được bảo hiểm nhưng cũng có rất nhiều trường hợp không phải là sự kiện bảo hiểm nếu xem xét trong mối liên hệ nói trên. Vì thế, việc xác định chính xác thời hạn bảo hiểm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền được hưởng bảo hiểm hay không của người được bảo hiểm đồng thời cũng là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong thực tế có thể sẽ có nhiều trường hợp vênh nhau giữa thời điểm giao kết của hợp đồng bảo hiểm (cũng chính là thời điểm bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng) với thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm. Trong những trường hợp đó, hậu quả sẽ được giải quyết như thế nào? Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ để bình luận về vấn đề này như sau:

Một chủ hàng tôm đông lạnh xuất khẩu sang Cộng hoà Liên bang Đức mua bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển theo chuyến cho số tôm đông lạnh đó tại Công ty bảo hiểm PJICO. Chuyến tàu chở tôm (tàu Hanjin) rời cảng Sài Gòn (cảng đầu tiên) vào ngày 01/11/2002 đi Hamburg nhưng mãi đến ngày 11/11/2002 đại diện cho chủ hàng mới đến PJICO để mua bảo hiểm cho lô hàng. Sau đó, chủ hàng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm này bồi thường thiệt hại số hàng đó do tàu Hanjin bị hoả hoạn ở Srilanka. PJICO đã bồi thường cho chủ hàng 3,8 tỷ đồng.

Đọc thêm: Làm giả bảo hiểm xe máy

Chúng ta thấy rằng thông thường thì các Hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển phải được giao kết trước khi con tàu chở hàng đó rời cảng xuất phát. Tuy vậy, hợp đồng trong ví dụ nêu trên có thể được giao kết theo một trong ba trường hợp khác nhau sau đây:

Thứ nhất: Được ký kết khi chủ hàng đã biết thiệt hại xảy ra.

Thứ hai: Được ký kết sau khi thiệt hại xảy ra nhưng chủ hàng chưa biết.

Thứ ba: Được ký kết sau khi tàu đã xuất phát từ cảng đầu tiên nhưng chưa xảy ra thiệt hại .

Qua xác minh và điều tra của cơ quan chức năng, vụ việc trên được kết luận là có sự thông đồng tiếp tay của một số người có chức vụ trong Công ty PJICO để chủ hàng mua bảo hiểm sau khi biết tàu bị cháy và số hàng đã bị thiệt hại. Như vậy, thực tế là hợp đồng bảo hiểm nói trên được ký kết ở trường hợp thứ nhất nên hợp đồng đương nhiên vô hiệu vì Luật Kinh doanh bảo hiểm đã qui định rằng: hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra2. Trong trường hợp này, ngoài việc xác định tính vô hiệu của hợp đồng bảo hiểm còn phải xác định hành vi ký kết hợp đồng của bên mua bảo hiểm là một hành vi lừa dối nên PJICO không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đồng thời không phải trả lại số tiền bảo hiểm cho bên chủ hàng.

Tuy nhiên, nếu hợp đồng bảo hiểm nói trên được giao kết trong trường hợp thứ hai hoặc trường hợp thứ ba thì hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau vì quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng như của Bộ luật dân sự còn chưa được cụ thể. Nếu hợp đồng nói trên được ký kết trong trường hợp thứ hai hoặc thứ ba thì có hiệu lực không? Trách nhiệm của các bên như thế nào đối với hợp đồng đó?

Căn cứ vào tinh thần và nguyên tắc chung của pháp luật bảo hiểm, chúng ta có thể giải thích các trường hợp trên như sau:

Nếu hợp đồng được ký kết theo trường hợp thứ hai (hợp đồng bảo hiểm được ký kết vào thời điểm thiệt hại đã xảy ra nhưng chủ hàng không biết) sẽ bị vô hiệu vì theo nguyên tắc chung thì thiệt hại được bảo hiểm phải là những thiệt hại xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải xác định là chủ hàng không có mục đích tham gia bảo hiểm để được bồi thường một thiệt hại đã xảy ra nên bên bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại nhưng phải hoàn trả phí bảo hiểm cho bên tham gia bảo hiểm.

Nếu hợp đồng được ký kết theo trường hợp thứ ba (tàu đã rời cảng xuất phát nhưng chưa xảy ra thiệt hại) thì hợp đồng bảo hiểm đó là hợp đồng có hiệu lực, đồng thời, thời hạn của nó được xác định từ thời điểm giao kết hợp đồng cho đến thời điểm tàu về tới cảng đích. Theo đó, bên bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại vì thời hạn bảo hiểm đối với lô hàng đó được xác định trong toàn bộ lộ trình vận chuyển và trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.

3. Chú thích.

1. Xem Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Xem điểm c), khoản 1, Điều 22. Luật Kinh doanh bảo hiểm.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT SỐ 5 NĂM 2007 – TS. PHẠM VĂN TUYẾT

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Tìm hiểu thêm: Tính tiền BHXH cho người lao động khi yêu cầu rút BHXH 1 lần

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !