Theo quy định của pháp luật thì tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ việc làm thì phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và phải có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh cấp.
Đầu tiên về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp:
Xem thêm: Thành lập công ty giới thiệu việc làm
- Soạn thảo và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Phụ thuộc vào số vốn góp thành lập doanh nghiệp, vào nhu cầu thực tế mà chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để thành lập. Do đặc điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp nên khi thành lập yêu cầu những tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung gồm những giấy tờ cơ bản sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần);
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
- Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
- Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
Lưu ý: Bản sao hợp lệ các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính.
- Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức;
- Giấy uỷ quyền cho Luật Việt An (trong trường hợp lựa chọn dịch vụ của công ty).
Đọc thêm: Làm giấy phép kinh doanh gas hết bao nhiêu tiền? (2022)
Trên cơ sở các thông tin Quý khách hàng cung cấp Luật Việt An soạn thảo hồ sơ thành lập công ty để chuyển Quý khách hàng ký. Sau đó, hồ sơ sẽ được nộp đến Phòng đăng ký kinh thuộc Sở kế hoạch đầu tư. Trong thời gian từ 03 – 05 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận, Quý khách hàng sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin về ngành, nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
Doanh nghiệp cần lưu ý thời hạn thông báo và phải nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. Nếu vi phạm quy định doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền đến 2.000.000 đồng.
- Khắc dấu và công bố mẫu dấu doanh nghiệp
Doanh nghiệp có toàn quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin cơ bản đó là tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp. Lưu ý không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu là Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những hình ảnh, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước; từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Trước khi sử dụng, doanh nghiệp cần thực hiện nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Đọc thêm: Thuê địa điểm đăng ký kinh doanh
Sau khi hoàn thành thủ tục thành lập, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm:
Điều kiện cấp giấy phép:
- Có trụ sở theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, cụ thể: Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm (36 tháng) trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm (36 tháng) trở lên;
- Có bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, cụ thể: Bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng;
- Đã thực hiện ký quỹ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, cụ thể: Doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính (sau đây viết tắt là ngân hàng).
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp;
- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, xuất trình bản gốc để đối chiếu;
- Bản sao chứng thực Giấy xác nhận việc đã thực hiện ký quỹ;
- Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh.
Sau khi đáp ứng được điều kiện mà pháp luật quy định, doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm. Cụ thể đó là các hoạt động:
- Tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động về: lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn việc làm (đối với người lao động). Còn đối với người sử dụng lao động thì có thể tư vấn về tuyển dụng, quản lý lao động; quản trị và phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động và phát triển việc làm;
- Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
- Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động;
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Đối với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ việc làm sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế. Theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được áp dụng mức thuế suất là 10%.
Tìm hiểu thêm: Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh hải dương