logo-dich-vu-luattq

Quan hệ thẩm mỹ là gì? Nguồn gốc, bản chất, tính chất

Khái niệm quan hệ thẩm mỹ là gì?

– Thẩm mỹ trong tiếng Việt, có nghĩa là sự đánh giá về phương diện hẹp (thẩm là đánh giá, thẩm định; mỹ là đẹp), song thường được hiểu một cách nôm na là “thuận mắt”, “thuận tai” … còn trong mỹ học Mác – Lênin, cái thẩm mỹ được coi là một “siêu” phạm trù vì chính nó đã mang lại tên gọi cho khoa học mỹ học và quy định đối tượng nghiên cứu của mỹ học. Đối tượng ấy được thể hiện ra ở các phương diện: cái thẩm mỹ khách quan trong tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong sáng tạo nghệ thuật: cái thẩm mỹ chủ quan hay ý thức thẩm mỹ gắn liền với chủ thể thưởng thức, đánh giá, sáng tạo thẩm mỹ.

– Trong xã hội tồn tại chằng chịt các mối quan hệ xã hội, đó là những quan hệ giữa người và người, các quan hệ xã hội. Đan xen vào những quan hệ xã hội ấy có một quan hệ đặc biệt: quan hệ thẩm mỹ. Đây là quan hệ của con người đối với hiện thực, là sự liên hệ tinh thần của chủ thể với khách thể trên cơ sở sự hứng thú không vụ lợi trực tiếp, được gợi lên bởi khóai cảm tinh thần ở chủ thể khi tiếp xúc với khách thể.

Xem thêm: Thẩm mỹ là gì

– Trong mỹ học nói quan hệ tức là nói sự tương tác giữa các phương diện của nó. Trong quan hệ thẩm mỹ, phương diện thứ nhất là chủ thể thẩm mỹ. Con người xã hội, các cộng đồng người trong hoạt động thưởng thức, đánh giá, sáng tạo giá trị thẩm mỹ. Các sự vật, hiện tượng có giá trị thẩm mỹ trong quan hệ đối với chủ thể được xem là khách thể thẩm mỹ.

– Khi xem xét chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, một khái niệm luôn được sử dụng là khái niệm giá trị thẩm mỹ: đó là loại giá trị đặc biệt. Nó là một loại ý nghĩa của các hiện tượng vật chất cũng như tinh thần thoả mãn nhu cầu, phục vụ lợi ích của con người. Ở đây, các hiện tượng được đánh giá dưới góc độ có ý nghĩa thiết thực hay không, có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực đối với đời sống xã hội. Ngoài những nét chung với các loại giá trị khác, giá trị thẩm mỹ có những đặc tính nổi trội hơn: tính trực tiếp cảm tính của sự tiếp xúc giữa chủ thể và khách thể, tính hứng khởi tinh thần không vụ lợi trực tiếp của chủ thể trước sự đánh giá hình thức có tính nội dung, cấu trúc, quy mô tổ chức … của các thực thể hiện hữu.

– Trong quan hệ thẩm mỹ có một thao tác xuyên suốt, thường trực của chủ thể thẩm mỹ đối với khách thể thẩm mỹ đó là đánh giá thẩm mỹ. Đánh giá thẩm mỹ là khả năng xác lập giá trị thẩm mỹ của một khách thể nào đó, là kết quả nhận thức của tri giác thẩm mỹ, thường được định lại trong phán đoán dạng: “Cái này đẹp!” hay “Thật là cao thượng”.

– Đánh giá thẩm mỹ có tính tất yếu khi có sự tiếp xúc của chủ thể với khách thể thẩm mỹ; nó cho kết quả ngay lập tức trong hoặc sau quá trình tiếp xúc. Sự đánh giá thẩm mỹ giúp chủ thể thẩm mỹ xếp khách thể thẩm mỹ vào một loại hiện tượng thẩm mỹ nào đó (đẹp hay không đẹp, bi hay hài, cao thượng hay thấp hèn).

– Khi đánh giá thẩm mỹ, chủ thể đánh giá đồng thời cả nội dung và hình thức của đối tượng. Ở giai đoạn tiếp xúc đầu tiên của chủ thể với đối tượng thì đánh giá hình thức là chủ yếu. Càng tiếp xúc với đối tượng lâu hơn, chủ thể càng chú trọng đánh giá nội dung hơn nhiều.

– Kết quả của đánh giá thẩm mỹ bao giờ cũng thể hiện sự thống nhất giữa yếu tố khách quan và mối quan hệ tinh thần – tình cảm của chủ thể trước đối tượng, thể hiện dưới dạng những cảm xúc, những rung động, bộc lộ cả nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ …

Nguồn gốc, bản chất của quan hệ thẩm mỹ

Tìm hiểu thêm: Khái niệm về chủ nợ ? Các quy định của pháp luật về chủ nợ ?

– Trong lịch sử, mỹ học có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc, bản chất của quan hệ thẩm mỹ.

– Chủ nghĩa duy tâm khách quan cho rằng, quan hệ thẩm mỹ bắt nguồn từ thế giới tinh thần, siêu nhiên. Platôn khẳng định cái Chân – Thiện – Mỹ nằm ở “thế giới ý niệm”, chúng chỉ tồn tại như những khái niệm, không có nội dung thực tế. Còn với cái đẹp cảm tính được ông xem như là cái thấp kém, không đáng để nhận thức. Platôn coi quan hệ thẩm mỹ là quan hệ của những con người trí tuệ với thế giới siêu nhiên.

Hêghen cũng giải thích nguồn gốc của cái thẩm mỹ và nghệ thuật là “ý niệm tuyệt đối”. Với cách lý giải như vậy, Hêghen đã xem quan hệ thẩm mỹ có tính chất phi hiện thực. Ông tuyệt đối hóa cái đẹp trong nghệ thuật, cho nó bắt nguồn từ ý niệm tuyệt đối. Còn cái đẹp trong tự nhiên và xã hội là tản mạn, thấp kém, không có tinh thần.

– Chủ nghĩa duy tâm chủ quan xuất phát từ thị hiếu thẩm mỹ chủ quan của con người và gạt bỏ các hiện tượng thẩm mỹ khách quan. Chẳng hạn, như Kant, Hium, Bécxông đã tuyệt đối hóa vai trò của chủ thể thẩm mỹ, họ coi nguồn gốc của tình cảm thẩm mỹ là con người tự tìm thấy khóai cảm trong bản thân mình, nguồn gốc của quan hệ thẩm mỹ thuần tuý là những phán đoán thẩm mỹ chủ quan của chủ thể thẩm mỹ …

– Chủ nghĩa duy vật trước Mác với các đại biểu như Đêmôcrít, Điđrô, Trécnưxépxki… đã coi nguồn gốc, bản chất của quan hệ thẩm mỹ là ở trong tự nhiên và trong xã hội. Đó là các thuộc tính tự nhiên của sự vật như cân xứng, hài hoà, tỷ lệ, cơ sở của cái đẹp. Quan hệ giữa cái đẹp và cái có ích, giữa cái đẹp và cái thiện … là nguồn gốc tình cảm thẩm mỹ của con người trong quan hệ thẩm mỹ.

Các nhà duy vật trước Mác đã tuyệt đối hóa thuộc tính tự nhiên ít chú ý đến phương diện xã hội và xem nhẹ tách rời với sự đánh giá chủ quan của chủ thể thẩm mỹ.

Mỹ học Mác – Lênin tiếp thu trên tinh thần phê phán các tư tưởng mỹ học trong lịch sử. Đứng trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đã khẳng định nguồn gốc, bản chất của quan hệ thẩm mỹ: Quan hệ thẩm mỹ là kết quả của quá trình hoạt động sản xuất vật chất và đấu tranh xã hội, nó chính là quá trình phát hiện, cảm thụ các thuộc tính thẩm mỹ của thế giới và sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ trong đời sống văn hóa nghệ thuật của con người.

Mỹ học Mác – Lênin một mặt khẳng định cơ sở khách quan của quan hệ thẩm mỹ là các hiện tượng thẩm mỹ nảy sinh và tồn tại trong đời sống hiện thực, mặt khác nhấn mạnh tính chủ động, tích cực của chủ thể thẩm mỹ trong mối quan hệ với khách thể thẩm mỹ.

Tìm hiểu thêm: Giáo vụ là gì? Tìm hiểu về việc làm nhân viên giáo vụ đầy hấp dẫn

Mỹ học Mác – Lênin còn thừa nhận quan hệ thẩm mỹ mang bản chất xã hội, ở đó những vấn đề giai cấp, dân tộc, thời đại được phản ánh tương đối đậm nét.

Tính chất cơ bản của quan hệ thẩm mỹ

Tính chất thứ nhất của quan hệ thẩm mỹ là tính chất xã hội, nó được thể hiện bởi một số đặc tính:

  • Sự ra đời của quan hệ thẩm mỹ gắn liền với sự hình thành xã hội loài người. Trình độ phát triển của quan hệ thẩm mỹ thể hiện trình độ phát triển cuả xã hội.
  • Quan hệ thẩm mỹ bao giờ cũng do con người trực tiếp tiến hành, do vậy nó mang rõ nét dấu ấn cá nhân, dấu ấn những phẩm chất xã hội của con người thực hiện nó.
  • Quan hệ thẩm mỹ bao giờ cũng mang tính lịch sử, tính giai cấp.

Quan hệ thẩm mỹ ảnh hưởng tích cực đến các quan hệ xã hội khác và bản thân nó lại bị các quan hệ xã hội khác chi phối.

Tính chất thứ hai là tính trực tiếp – cảm tính, tức là đối tượng được đánh giá phải là những sự vật, hiện tượng toàn vẹn, cụ thể – cảm tính hay nói một cách khác, chúng hiện hữu, có thật và chủ thể có thể cảm nhận được một cách trực tiếp thông qua các giác quan của con người.

Các giác quan của chủ thể thẩm mỹ rất quan trọng, đặc biệt trong quan hệ thẩm mỹ thì hai giác quan là tai và mắt được phát triển cao về cả phương diện tự nhiên lẫn phương diện xã hội để có thể cảm nhận khách thể thẩm mỹ.

Quan hệ thẩm mỹ, không thể thực hiện nếu thiếu sự tiếp xúc trực tiếp của chủ thể với đối tượng. Đây là yếu tố mang tính điều kiện của quan hệ thẩm mỹ.

Mặc dù ở các mức độ nhất định, tri thức lý tính luôn luôn chi phối tri thức cảm tính, nhưng thông thường kết quả của đánh giá thẩm mỹ phần lớn do yếu tố cảm tính trực tiếp quyết định.

Tính chất thứ ba là tính tình cảm. Tình cảm giữ vai trò động lực trong quan hệ thẩm mỹ, trong các hoạt động thưởng thức, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ và nó đặc biệt quan trọng đối với sáng tạo nghệ thuật, hoạt động thẩm mỹ ở trình độ cao nhất của chủ thể thẩm mỹ. Tình cảm là sự hệ thống và liên kết những cảm xúc, những rung động trực tiếp cụ thể khi phản ánh cuộc sống. Ngoài ba tính chất cơ bản nói trên người ta còn có thể nói đến một số tính chất khác như tính thời đại, tính dân tộc, tính giai cấp, tính cá nhân … Nhưng xét đến cùng chúng cũng chỉ là hệ quả phát sinh của ba tính chất cơ bản đã nêu.

Tham khảo thêm: Trách nhiệm pháp lý là gì

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !