logo-dich-vu-luattq

Quy trình khởi tố vụ án hình sự

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo những hệ lụy là tội phạm ngày càng gia tăng.

Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 đã được ban hành phù hợp với các giai đoạn hiện tại, là căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý các vụ án hình sự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Xem thêm: Quy trình khởi tố vụ án hình sự

Quy trình giải quyết một vụ án hình sự rất phức tạp, đòi hỏi cần sự tập trung trí lực, nhận thức về xã hội một cách sâu sắc của cơ quan xét xử.

Để đáp ứng được mong mỏi của các bạn khi đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Quang Huy, chúng tôi xin tư vấn cho bạn cụ thể hơn về quy trình giải quyết một vụ án hình sự.

1. Quy trình giải quyết vụ án hình sự

Quy trình giải quyết vụ án hình sự có 7 bước

  • Bước 1: Khởi tố vụ án hình sự
  • Bước 2: Điều tra vụ án hình sự
  • Bước 3: Truy tố vụ án hình sự
  • Bước 4: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
  • Bước 5: Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
  • Bước 6: Thi hành bản án và quyết định của Tòa án
  • Bước 7: Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tùy vào tính chất của từng vụ án hình sự mà có những vụ án hình sự sẽ không trải qua đầy đủ các giai đoạn nêu trên, một vụ án hình sự thường sẽ qua 5 giai đoạn cơ bản là Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

2. Khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, ở giai đoạn này cơ quan thẩm quyền sẽ xác định có hay không dấu hiệu phạm tội để ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không.

Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định rõ việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên 6 căn cứ:

Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.

Cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự đối với các tội phạm quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Căn cứ vào Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại đối với các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều sau đây:

  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác ( Điều 134)
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ( Điều 135)
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136)
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 138)
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
  • Tội hiếp dâm ( Điều 141)
  • Tội cưỡng dâm (Điều 143)
  • Tội làm nhục người khác (Điều 155)
  • Tội vu khống ( Điều 156)
  • Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226)

3. Điều tra vụ án hình sự

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng mọi biện pháp để xác định tội phạm. Khi đủ chứng cứ, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố.

Trường hợp đặc biệt đối với thủ tục rút gọn thì chỉ cần ra quyết định đề nghị truy tố.

Điều 163. Thẩm quyền điều tra

1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Để đảm bảo cho quá trình điều tra được xử lí một cách nhanh chóng, kịp thời, pháp luật hình sự đã quy định rõ thời hạn điều tra tại Khoản 1 Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Đọc thêm: Trình tự giải quyết một vụ án hình sự

Điều 172. Thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Tuy nhiên, do nhiều vụ án có tính chất phức tạp, được thực hiện trên quy mô lớn, nhiều đối tượng tham gia thì vụ án đó được gia hạn thời hạn điều tra. Thời hạn gia hạn được quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

3. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

4. Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, nhập vụ án thì tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

4. Truy tố vụ án hình sự

Truy tố vụ án hình sự là giai đoạn thứ ba trong quy trình giải quyết vụ án hình sự. Đây là giai đoạn sau khi nhận đươc hồ sơ vụ án hình sự và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ và ra một trong ba quyết định sau:

  • Truy tố bị can trước Tòa án
  • Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can

Nếu xét thấy đủ điều kiện để tiến hành truy tố bị can, Viện kiểm sát sẽ quyết định truy tố bị can trước Tòa bằng bản cáo trạng theo Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015:

Điều 243. Quyết định truy tố bị can

Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

5. Xét xử sơ thẩm trong quy trình giải quyết vụ án hình sự

Xét xử sơ thẩm là giai đoạn quan trọng, đòi hỏi cần tập trung trí lực của Thẩm phán cũng như cách nhìn nhận vấn đề một cách nhân đạo, hợp lí hợp tình của Hội thẩm.

Căn cứ vào Điều 6 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định về chế độ xét xử sơ thẩm:

Điều 6. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do luật định thì có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Nếu bản án sơ thẩm mà không bị kháng cáo, kháng nghị thì đương nhiên bản án sẽ có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành.

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm được quy định rõ ràng tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

Điều 268. Thẩm quyền xét xử của Tòa án

1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:

Tham khảo thêm: Cảnh sát hình sự có quyền gì

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;

d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:

a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;

b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;

c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

6. Xét xử phúc thẩm trong quy trình giải quyết vụ án hình sự

Để đảm bảo cho sự công bằng, nhân đạo, đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo… cũng như để tránh các sai lầm có thể xảy ra khi Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên bản án sơ thẩm nên pháp luật Việt Nam có quy định việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị.

Thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho cấp cao hơn xét xử lại bản án bị kháng cáo, kháng nghị của cấp dưới và được quy định rõ ràng tại Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

Điều 344. Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.

2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

4. Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.

7. Thi hành bản án và quyết định của Tòa án

Giai đoạn thi hành bản án và quyết định của Tòa án được thực hiện sau giai đoạn xét xử, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Công việc này do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định. Việc thực hiện sẽ giao cho cơ quan thi hành án hình sự thực hiện.

Căn cứ Điều 364 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:

Điều 364. Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án

1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

3. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.

Việc thi hành bản án còn được hướng dẫn cụ thể tại Luật thi hành án hình sự 2010.

8. Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm

Giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự là Xét lại các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Giám đốc thẩm: xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.

Tái thẩm: xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực khi phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

9. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về thắc mắc của bạn.

Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc bạn có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật hình sự của Luật Quang Huy theo số HOTLINE 19006588 để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu nội dung Điều 170 BLTTHS năm 2015 về Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !