Nhãn hiệu đóng vai trò lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp định vị sản phẩm, dịch vụ trong tâm trí khách hàng cũng như tạo sự khác biệt trên thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nhãn hiệu rất dễ bị xâm phạm bởi các hành vi trái pháp luật, dễ tác động đến kết quả kinh doanh. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì nhãn hiệu là một tài sản trí tuệ cần được bảo vệ và căn cứ pháp lý để bảo hộ nhãn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, làm thế nào các doanh nghiệp biết được nhãn hiệu của mình có được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay không? Bước đầu tiên cần thực hiện đó là tiến hành tra cứu nhãn hiệu, nếu chưa có nhãn hiệu nào trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu mà mình dự định đi đăng ký thì doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; từ đó giúp quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của mình tránh bị xâm phạm.
Xem thêm: Quy trình đăng ký nhãn hiệu
LUẬT SƯ TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ – 0967 370 488
Nội dung chính
- 1 Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam
- 2 Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ
- 3 Quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
- 4 Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- 5 Một số trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt không đủ điều kiện cấp văn bằng bảo hộ
- 6 Một số câu hỏi về thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- 7 Dịch vụ của Luật Việt An về thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Như vậy, ta thấy mục tiêu chính của nhãn hiệu là phân biệt, là căn cứ để người tiêu dùng biết đây là sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình, chứ không phải của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, rất dễ xảy ra trường hợp nhãn hiệu đi đăng ký của các doanh nghiệp trông khá tương tự và dễ gây nhầm lẫn với nhau nên pháp luật quy định khi nộp đơn đăng ký, doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ngay lập tức mà phải trải qua bước thẩm định.
Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ
Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần thực hiện thủ tục tra cứu nhãn hiệu sơ bộ và tra cứu nhãn hiệu chuyên sâu.
Bước tra cứu chuyên sâu trước khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu là cần thiết vì đây là hệ cơ sở dữ liệu chính thức giúp người dự định nộp đơn đăng ký biết được nhãn hiệu của mình có khả năng đăng ký thành công hay không. Khi tiến hành tra cứu nhãn hiệu, các doanh nghiệp nên chú ý so sánh nhãn hiệu mình dự định đăng ký với các nhãn hiệu đang hoặc đã đăng ký khác để đánh giá khả năng thành công. Trường hợp phổ biến nhất khiến doanh nghiệp không đăng ký thành công nhãn hiệu là nhãn hiệu mình dự định đăng ký trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của doanh nghiệp khác.
Sau khi tiến hành tra cứu và nhận thấy triển vọng đăng ký thành công, doanh nghiệp sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và nộp lệ phí đăng ký
Cá nhân, tổ chức có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua các hình thức sau:
- Nộp đơn trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Thành phố Đà Nẵng.
- Cá nhân, tổ chức có thể nộp đơn thông qua hệ thống bưu điện đến trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ.
- Cá nhân, tổ chức có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
Tham khảo thêm: Thủ tục đổi tên cho người lớn
Ngay khi nộp đơn đăng ký, người nộp đơn phải nộp lệ phí đăng ký cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời gian thẩm định hình thức: 01-02 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
Thời hạn công bố Đơn trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ: 02 tháng
Bước 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời gian thẩm định nội dung của nhãn hiệu: 09-12 tháng
Bước 4: Thông báo dự định cấp/ từ chối cấp văn bằng
Kết thúc thời gian thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và ghi rõ lý do.
Bước 5: Nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng nhãn hiệu.
Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu trong thời gian 01-02 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu;
- 05 mẫu nhãn hiệu kềm theo Tờ khai đơn;
- Chứng từ đã nộp lệ phí;
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ);
- Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu về quy chế sử dụng nhãn hiệu, thuyết minh và các tài liệu chứng minh liên quan.
Một số trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt không đủ điều kiện cấp văn bằng bảo hộ
- Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận
- Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng liên tục 5 năm;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá.
Một số câu hỏi về thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Cá nhân có được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không?
Tham khảo thêm: Quên đăng ký xe phạt bao nhiêu
Theo quy định tại điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức,cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Do đó cá nhân hoàn toàn có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Một nhãn hiệu đăng ký cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ được không?
Phân nhóm nhãn hiệu đăng ký được dựa theo Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu (Bảng phân loại Ni-xơ) được cả thế giới áp dụng. Tất cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường có rất nhiều loại nhưng theo Bảng phân loại nhãn hiệu cũng chỉ có tất cả 45 nhóm. Một nhãn hiệu có thể đăng ký bảo hộ cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Tra cứu nhãn hiệu có phải thủ tục bắt buộc không?
Tra cứu nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên tra cứu nhãn hiệu để xác định nhãn hiệu dự định đăng ký có tương tự với các nhãn hiệu của các chủ thể khác đã đăng ký trước đó hay không? Đồng thời đánh giá khả năng nhãn hiệu nộp đơn có được cấp bằng bảo hộ hay không?
Đơn đăng ký Nhãn hiệu đã nộp có được sửa đổi không?
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi đơn. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không được mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn.
Dịch vụ của Luật Việt An về thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- Tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng;
- Thực hiện tra cứu nhãn hiệu và đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ thành công cho nhãn hiệu;
- Tư vấn phương hướng sửa đổi lại nhãn hiệu dự định đăng ký để tăng khả năng đăng ký được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu;
- Đại diện theo ủy quyền cho khách hàng tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ.
Quý Khách hàng có quan tâm và cần được tư vấn hoặc hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, xin vui lòng liên hệ công ty luật Việt An để được hướng dẫn cụ thể!
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn thủ tục đổi tên trong Giấy khai sinh