logo-dich-vu-luattq

Bài tập tình huống giải quyết tranh chấp thương mại

Bài số 3 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Luật: Chủ đề “Bài tập giải quyết tranh chấp thương mại”

Trong quá trình ôn thi CPA môn luật mình thấy có 3 dạng bài kinh điển là: Góp vốn thành lập doanh nghiệp, Phá sản và Giải quyết tranh chấp. Mình sẽ lần lượt giải thích chi tiết cho từng dạng bài này. Bắt đầu với dạng bài tập Giải quyết tranh chấp thương mại.

Xem thêm: Bài tập tình huống giải quyết tranh chấp thương mại

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng bài tập đề thi CPA môn luật

1. Tình huống thường gặp trong Bài tập giải quyết tranh chấp thương mại là gì?

Thông thường đề bài sẽ đưa ra tình huống phát sinh tranh chấp. Và hỏi về:

  • Thẩm quyền giải quyết của Tòa Án hoặc Trọng tài thương mại. Ví dụ: Bên nào được quyền giải quyết vụ án? Trong điều kiện nào?
  • Giá trị pháp lý của điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án/Trọng tài. Ví dụ: Ý nghĩa pháp lý? Khi nào thì thỏa thuận bị coi là vô hiệu?

Các bạn lưu ý. Chúng ta cần tuân theo 3 bước sau khi giải quyết các tình huống trong bài tập giải quyết tranh chấp thương mại:

  • Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài không cho thông tin
  • Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng
  • Đưa ra kết luận

Như vậy: 1 câu trả lời cần có 3 phần: Giả sử (nếu có) + Cơ sở pháp lý + Kết luận.

Theo mình thì khi trích dẫn cơ sở pháp lý chỉ cần ghi Căn cứ điều nào Luật nào là OK. Không cần phải nêu cụ thể toàn bộ nội dung điều luật đó. Có nêu đúng mà dài quá cũng chả ai muốn đọc. Mà nêu sai chẳng may bị soi thấy thì lại mất điểm.

Hãy cùng xem 3 tình huống bài tập giải quyết tranh chấp thương mại:

Tình huống giải quyết tranh chấp thương mại | Bài tập 1

Công ty TNHH M có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm Hà Nội. M gồm 4 thành viên: A – B – C – D. Theo điều lệ công ty A là chủ tịch hội đồng thành viên. C làm gíam đốc công ty và người đại diện pháp luật. Ngày 10.2.2018, A đã đại diện cho công ty M mua 100 tấn cát của công ty TNHH N có trụ sở tại huyện Hoài Đức mà không có sự uỷ quyền của C.

Yêu cầu: Toà án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng trên?

Đáp án

Cơ sở pháp lý:

Theo quy định tại Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ – Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc, trụ sở của nguyên đơn giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…

Kết luận:

  • Nếu 2 bên không có thoả thuận, Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Vì Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án kinh doanh thương mại là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc của bị đơn hoặc nơi bị đơn có trụ sở.
  • Nếu 2 bên tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu chọn Toà án nhân dân huyện Hoài Đức giải quyết tranh chấp: Toà án nhân dân huyện Hoài Đức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Vì các bên có tranh chấp có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn hoặc nguyên đơn có trụ sở giải quyết vụ án.

Tình huống giải quyết tranh chấp thương mại | Bài tập 2

Công ty cổ phần M trụ sở tại quận Nam Từ Liêm Hà nội ký hợp đồng mua cà phê xay của công ty cổ phần N trụ sở tại Thành phố Buôn Ma Thuột Tỉnh Đak Lak. Tổng trị giá hợp đồng là 2 tỷ. 2 bên thoả thuận bằng lời nói: “Nếu có tranh chấp phát sinh sẽ đưa ra giải quyết tại Trung tâm trọng tài Thương mại Thành phố Hồ chí Minh”. Tuy nhiên, N giao hàng cho M không đúng chất lượng làm thiệt hại cho M 1 tỷ. Do đó phát sinh tranh chấp.

Đọc thêm: Tên thương mại là gì ? Quyền sử dụng, đăng ký tên thương mại ?

Yêu cầu:

  • Trung tâm trọng tài thành phố Hồ Chí Minh có giải quyết vụ tranh chấp trên không?
  • Giả sử vụ tranh chấp trên được gỉai quyết bằng toà án. Toà án nào có thẩm quyền giải quyết?

Đáp án:

Đọc thêm: Pháp nhân thương mại phạm tội

[Yêu cầu 1]

Căn cứ pháp lý: Theo quy định tại Điều 16. Hình thức thoả thuận trọng tài – Luật trọng tài 2010: “Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản”

Kết luận: Trung tâm trọng tài TP Hồ Chí Minh không giải quyết vụ tranh chấp này. Bởi vì thoả thuận trọng tài bằng lời nói không có giá trị pháp lý.

[Yêu cầu 2]

Căn cứ pháp lý:

Theo quy định tại Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ – Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc, trụ sở của nguyên đơn giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…

Kết luận:

Toà án nhân dân TP Buôn Ma Thuộc tỉnh Dak Lak có thẩm quyền giải quyết. Toà án nhân dân Quận nam từ liêm Hà nội chỉ giải quyết khi có thoả thuận giữa 2 bên M & N về việc lựa chọn toà án này để giải quyết.

Tình huống giải quyết tranh chấp thương mại | Bài tập 3

Công ty TNHH A chuyên sản xuất đồ gỗ có trụ sở chính tại Bắc Ninh. Ngày 2.11.2018, A đã ký hợp đồng cung cấp gỗ với công ty B có trụ sở chính tại Nghệ An. Theo hợp đồng ký kết, B có trách nhiệm cung cấp gỗ cho A thành 2 đợt với tổng giá trị hợp đồng là 2 tỷ. Đồng thời, 2 bên đã có thoả thuận bằng văn bản về việc giải quyết tranh chấp xảy ra giữa 2 bên (nếu có) tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong đợt giao hàng thứ 2, B đã không thể giao hàng cho A đúng hạn do 1 số lý do khách quan. Thiệt hại kinh tế phát sinh cho A là 500 triệu.

Yêu cầu:

(1) A gửi đơn khởi kiện tới toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh để được giải quyết. Toà án tỉnh bắc ninh có được thụ lý đơn và giải quyết tranh chấp không?

(2) Trường hợp nào thoả thuận tại trọng tài của 2 công ty bị coi là vô hiệu?

Đáp án

Đọc thêm: Pháp nhân thương mại phạm tội

[Yêu cầu 1]

Căn cứ pháp lý:

Theo quy định tại Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài – Luật Trọng Tài 2010:

Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 6. Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài – Luật Trọng Tài 2010:

Nếu vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà 1 bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý. Trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.

Kết luận:

2 công ty đã có thoả thuận riêng bằng văn bản về việc giải quyết tranh chấp xảy ra giữa 2 bên tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam trước khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, Toà án nhân dan tỉnh bắc ninh phải từ chối thụ lý vụ án này.

[Yêu cầu 2]

Căn cứ pháp lý: Theo quy định tại Điều 18. Thoả thuận trọng tài vô hiệu – Luật trọng tài 2010

Kết luận:

Các trường hợp để thoả thuận trọng tài của 2 công ty bị vô hiệu bao gồm:

  • Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài theo quy định
  • Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ Luật dân sự
  • Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định
  • 1 trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình thoả thuận trọng tài. Và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu
  • Thoả thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật

2. Tổng hợp kiến thức giải quyết tình huống Bài tập giải quyết tranh chấp thương mại?

Văn bản áp dụng là Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật trọng tài 2010. Tuy nhiên chúng ta là dân không chuyên và cũng không có thời gian. Nên tốt nhất là các bạn nên lướt qua cái đề cương ôn tập của Hội. Sau đó tóm tắt lại các nội dung quan trọng cần sử dụng.

Không ai thuộc từng câu chữ trong bộ luật để trích dẫn. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhớ các căn cứ luật này để làm cho giám khảo nể luôn. Tất nhiên là trích dẫn đúng chỗ bạn nhé. Không thì người ta không những không nể mà còn…

  • Thẩm quyền giải quyết của Trọng tài (Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Toà án phải từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài (Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Xác định Toà án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài (Điều 7 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Hình thức thoả thuận trọng tài (Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Thoả thuận trọng tài vô hiệu (Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (Điều 43 Luật trọng tài thương mại 2010)
  • Những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà Án (Điều 30 Luật tố tụng dân sự 2015)
  • Thẩm quyền của Toà Án nhân dân cấp huyện/cấp tỉnh/ theo lãnh thổ (Điều 35 – Điều 37 – Điều 39 Luật tố tụng dân sự 2015)

Vậy là mình đã giải thích xong về dạng bài tập giải quyết tranh chấp thương mại. Trong bài tiếp theo, mình sẽ giải thích về dạng bài Hợp đồng trong kinh doanh thương mại. Các bạn theo dõi nhé!

Đọc thêm: Rủi ro trong nhượng quyền thương mại

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !