Nội dung chính
- 1 Căn cứ pháp lý
- 1.1 Doanh nghiệp nước ngoài góp vốn vào Việt Nam như thế nào?
- 1.2 Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- 1.3 Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- 1.4 Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam
- 1.5 Cách xác định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài
- 1.6 Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
- 1.7 Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
- 1.8 Nhà đầu tư không thuộc trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
- Luật Đầu tư năm 2020
- Luật chứng khoán năm 2019
- Nghị định 155/2020/NĐ-CP
Doanh nghiệp nước ngoài góp vốn vào Việt Nam như thế nào?
Theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức sau:
Xem thêm: Tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
– Thực hiện dự án đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Trong đó, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn là hình thức phổ biến được quy định chi tiết tại Điều 25 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
– Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
Tìm hiểu thêm: Tại sao phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài
– Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
– Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020.
Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam
Điểm a khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định:
“3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;”
Như vậy, một trong những điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Tại khoản 7, 8, 9 Điều 17 Nghị định 31/2020/NĐ-CP, điều cận về tiếp cận thị trường (trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn) được thực hiện theo quy định của các điều ước quốc tế về đầu tư.
Khoản 10 Điều 17 Nghị định 31/2020/NĐ-CP quy định về Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:
– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
– Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán:
+ Đối với công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước là 50% (theo Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
+ Đối với công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài lên tới 100% (theo Điều 77 Luật Chứng khoán 2019).
Đọc thêm: Công ty đầu tư nước ngoài
– Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài căn cứ và điều ước quốc tế vào ngành, nghề đầu tư.
Cách xác định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Bước 1: Xác định lĩnh vực kinh doanh:
- Lĩnh vực kinh doanh đó có chịu sự điều chỉnh mà điều ước quốc tế, tại đó Việt Nam là thành viên về vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nếu tồn tại một điều ước quốc tế như vậy thì bắt buộc phải tuân thủ quy định tại đó.
Ví dụ: Theo biểu cam kết WTO thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hành khách, vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa. Tỷ lệ sở hữu vốn tối đa áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài là 49%.
- Nếu lĩnh vực kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư không thuộc biểu cam kết WTO thì bắt buộc phải xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không.
Bước 2: Xác định giới hạn tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật
- Theo quy định của pháp luật chuyên ngành hay ngành nghề kinh doanh có điều kiện:
Quy định của pháp luật chuyên ngành: Nếu ngành nghề đó và pháp luật có quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài thì bắt buộc tuân theo quy định đó.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trường hợp này phải tuân thủ quy định từng ngành nghề về giới hạn tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài.
Ví dụ: Dịch vụ chiếu phim (CPC: 96121)có tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế không được vượt quá 51%.
- Nếu ngành nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa có quy định cụ thể thì tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài là 49%.
- Trường hợp công ty hoạt động đa ngành nghề thì nhà đầu tư nước ngoài cần xác định có những ngành hay nghề nào có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong những ngành, nghề đó thì được chọn ra mức thấp nhất.
Bước 3: Quy định tại Điều lệ công ty
Nếu pháp luật liên quan không có những quy định, cũng như ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục có điều kiện. Thì phải căn cứ dựa vào điều lệ công ty có quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không? Nếu không thì giới hạn của nhà đầu tư ngoại là không hạn chế và có thể lên đến 100%.
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa
Việc cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo các quy định tại nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định 140/2020/NĐ-CP.
Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
- Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính để đăng ký góp vốn;
- Bước 2: Sau khi được chấp thuận việc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, vốn góp, nhà đầu tư thực hiện việc góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và thực hiện thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Nhà đầu tư không thuộc trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Nhà đầu tư không thuộc trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn góp vốn vào một công ty đang hoạt động ở Việt Nam để thực hiện hoạt động kinh doanh thay vì thành lập một pháp nhân 100% vốn nước ngoài, bởi vì phương thức này giúp nhà đầu tư có thể hoạt động kinh doanh ở một số ngành nghề có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam (liên doanh), đồng thời, thủ tục xét duyệt cũng đơn giản hơn cho nhà đầu tư.
Trên đây là một số tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ một cách nhanh nhất.
Tham khảo thêm: Vốn đầu tư nước ngoài là gì? Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài?