Nội dung chính
- 1 1. Khái niệm cải tạo không giam giữ
- 2 2. Đặc điểm của cải tạo không giam giữ
- 3 3. Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ
- 4 4. Người bị cải tạo không giam giữ có được miễn, giảm hình phạt?
- 5 5. Phân biệt án treo và cải tạo không giam giữ
- 6 5.1 Điểm giống nhau giữa án treo và cải tạo không giam giữ
- 7 5.2 Sự khác nhau giữa án treo và cải tạo không giam giữ
1. Khái niệm cải tạo không giam giữ
Cải tạo không giam giữ là buộc người phạm tội phải tự cải tạo dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi họ làm việc hoặc cư trú qua việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định.
Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực. Đây là loại hình phạt không tước tự do, không buộc người phạm tội phải cách li khỏi gia đình, nơi làm việc cũng như xã hội nói chung. Nội dung chính của hình phạt này là sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc thường trú đối với người bị kết án. Nghĩa vụ mà người bị phạt cải tạo không giam giữ phải thực hiện có thể là nghĩa vụ báo cáo, tự kiểm điểm theo định kì… và còn phải nộp từ 5% đến 20% thu nhập để sung quỹ nhà nước (trừ trường hợp được miễn do điều kiện thực tế không cho phép). Thời gian cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm.
Xem thêm: Cải tạo không giam giữ là gì
Hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ có thế được áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng và khi các điều kiện khác cho thấy họ có thể tự cải tạo, giáo dục mà không cần thiết phải bị cách li khỏi xã hội. Trong Bộ luật hình sự năm 1985, hình phạt này được quy định chỉ có thể áp dụng cho người phạm tội không phải là quân nhân vì đối với người phạm tội là quân nhân có hình phạt cải tạo ở đơn vị kỉ luật của quân đội. Đó là hình phạt buộc người bị kết án phải cải tạo, giáo dục trong một đơn vị đặc biệt được thành lập cho việc thi hành hình phạt này. Hiện nay, hình phạt cải tạo ở đơn vị kỉ luật của quân đội đã bị loại bỏ trước hết do cách thức chấp hành hình phạt này không phù hợp với tính chất của hình phạt… Do vậy, hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng cho cả đối tượng là quân nhân.
Trong Bộ luật hình sự năm 1999, hình phạt cải lạo không giam giữ được quy định có sự hoàn thiện hơn và được quy định ở nhiều điều luật hơn (150 điều) so với Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn chưa quy định các ràng buộc pháp lí đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh hình phạt này. Đó là hậu quả pháp lí nặng hơn mà người bị án phải gánh chịu nếu họ không chấp hành nghiêm chỉnh hình phạt cải tạo không giam giữ.
Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 được quy định cụ thể tại Điều 36.
2. Đặc điểm của cải tạo không giam giữ
Theo quy định thì cải tạo không giam giữ là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Trong các hình phạt, thì hình thức hình phạt này nhẹ hơn hình phạt tù, nhưng nặng hơn hình phạt tiền và cảnh cáo.
Khác với hình phạt tù, hình phạt cải tạo không giam giữ không buộc người bị kết án phải cách ly với xã hội. Do vậy, trong thực tiễn xét xử chỉ áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong những trường hợp tội phạm đã thực hiện thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc là nghiêm trọng và bị cáo là người có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng. Khi áp dụng các hình phạt này, Toà án giao người bị kết án cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục.
Khoản 3 Điểu 36 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục không được tự đặt thêm những hạn chế về quyền và nghĩa vụ công dân của người bị kết án.
3. Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ
Cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó:
Cải tạo không giam giữ áp dụng với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
Bị khấu trừ thu nhập trong thời gian cải tạo không giam giữ
– Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
– Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng.
Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Người bị cải tạo không giam giữ không có việc làm phải lao động phục vụ cộng đồng
Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
– Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
– Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
4. Người bị cải tạo không giam giữ có được miễn, giảm hình phạt?
Trường hợp được miễn chấp hành hình phạt
Theo Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người bị kết án cải tạo không giam giữ được miễn chấp hành hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sau khi bị kết án đã lập công;
+ Mắc bệnh hiểm nghèo;
Tham khảo thêm: Bưu phẩm bảo đảm
+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Trường hợp được giảm hình phạt
Căn cứ Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người bị kết án cải tạo không giam giữ nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ.
Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên.
5. Phân biệt án treo và cải tạo không giam giữ
5.1 Điểm giống nhau giữa án treo và cải tạo không giam giữ
Án treo và cải tạo không giam giữ là hai trong những biện pháp được áp dụng với người đã bị kết án được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Đây là hai biện pháp thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội, để họ không bị cách ly khỏi xã hội, vẫn được làm việc, sinh sống như bình thường.
Theo đó, hai biện pháp này đều có điểm giống nhau bao gồm:
– Đều không để người bị kết án phải ngồi tù mà được tự do hoạt động ở ngoài xã hội. Người được áp dụng hai biện pháp này phải có nơi cư trú rõ ràng, nơi làm việc ổn định.
– Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục các đối tượng được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ là:
+ Cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc
+ Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, giáo dục người đó.
– Thực hiện một số nghĩa vụ giống nhau như:
+ Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc;
+ Tích cực tham gia lao động, học tập
+ Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục.
+ Phải khai báo tạm vắng nếu đi khỏi nơi cư trú 01 ngày
+ Nộp bản tự nhận xét 03 tháng một lần cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.
5.2 Sự khác nhau giữa án treo và cải tạo không giam giữ
Bên cạnh điểm tương đồng trên, cải tạo không giam giữ và án treo có khá nhiều điểm khác nhau. Cụ thể:
– Định nghĩa
+ Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
+ Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt nhằm tạo điều kiện cho người bị phạt cải tạo không giam giữ được lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình.
– Bản chất
+ Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
+ Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính
– Điều kiện áp dụng
Tham khảo thêm: Quan hệ thẩm mỹ là gì? Nguồn gốc, bản chất, tính chất
+ Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có nhiều tình tiết giảm nhẹ; Xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù
+ Cải tạo không giam giữ: Phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
– Các trường hợp không được hưởng
+ Án treo
Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
Phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội
Người phạm tội nhiều lần
Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm
+ Cải tạo không giam giữ: Vi phạm các điều kiện áp dụng nêu trên
– Thời hạn phạt, thử thách
+ Án treo
Bị phạt tù không quá 03 năm
Thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, trong khoảng từ 01 năm – 05 năm
Có thể được rút ngắn thời gian thử thách
+ Cải tạo không giam giữ
Thời gian áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm
Được xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt:
Đã chấp hành được một phần ba thời hạn
Có nhiều tiến bộ
Lập công
Mắc bệnh hiểm nghèo
Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến 1900.6162 để được giải đáp thêm.
Trân trọng./
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật Minh Khuê