ANH PHÓ trả lời: Ông Hoàng Kim Thu kính mến,
Vái, lạy là thể hiện sự kính phục, tạ ơn đối với trời, Phật, thánh, thần và những người đáng kính khác (như anh hùng dân tộc, ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, người có chức sắc, danh vọng, người chết…). Qua câu hỏi của ông, tôi có tìm đọc tài liệu nhưng không thấy xưa nay có luật lệ nào quy định cụ thể mà mỗi người chỉ làm theo phong tục tập quán cổ truyền, mỗi địa phương khác nhau chút đỉnh.
Xem thêm: Xá là gì
Tìm hiểu thêm: Thương mại điện tử là gì
Bái lạy hay vái lạy để tỏ vẻ cung kính, khuất phục, nói chung gồm có hai động tác là xá và lạy. Xá là chắp hai bàn tay để trước ngực, cúi nghiêng đầu xuống khoảng 15 độ. Hai bàn tay chắp lại là tỏ lòng chân thành, kính trọng. Theo sách xưa, tay trái dương, tay phải âm. “Âm dương hiệp nhất là đạo” (Nhất âm nhất dương chi vi đạo). Còn lạy thì cũng để tỏ vẻ thành kính, khuất phục nhưng ở mức độ sâu đậm hơn và thực hành có vẻ “vất vả” hơn. Tùy theo thói quen và sức khỏe của mỗi người, đàn ông hay đàn bà mà có cách lạy khác nhau, miễn sao làm đúng nguyên tắc “ngũ thể đạt địa” (nghĩa là hai đầu gối, hai bàn tay và đầu phải chạm tới sát đất). Lạy thì phải khum đầu đụng tới đất.
Còn số xá, lạy thì nói chung cũng không có quy tắc số lượng rõ ràng. Nhờ được dự nhiều cuộc cúng kiếng, tế lễ nên tôi cũng đã có một vài kinh nghiệm. Thường, cúng kiếng đối với người bằng tuổi hay nhỏ tuổi hơn thì chỉ thắp hương (đốt nhang) rồi xá chứ không phải lạy. Mà dù đối với người trưởng thượng, lớn tuổi, hiện nay người ta cũng “chế” bớt thủ tục, chỉ xá chứ khỏi lạy. Thí dụ: đến cúng viếng đám tang, tạ ơn ông bà, cha mẹ khi đám cưới thường chỉ còn xá thôi. Nguyên tắc là có khi xá mà khỏi phải lạy. Nhưng hễ lạy thì phải xá trước rồi mới lạy. Trường hợp đến đình, chùa, miễu (cúng thần, cúng Phật, cúng ông, cúng bà…) hay viếng đám tang người lớn tuổi thì theo phép thường phải lạy, số lạy cũng tùy nơi. Thông thường cúng thần lạy bốn lạy, các thần cao cấp (thượng đẳng thần) như: thần đình Điều Hòa ở TP Mỹ Tho, đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, thần đình Phước Lễ ở Bà Rịa… thì lạy năm lạy. Cúng Phật ở chùa lạy ba lạy. Cúng người chết xá rồi lạy hai lạy hay bốn lạy (nếu không đi đưa tang thì xá rồi lạy hai lạy, rồi xá và lạy tiếp hai lạy nữa).
Viếng đám tang người chết đạo Phật, thường có bàn thờ Phật đặt bên cạnh bàn thờ người chết, thì nhớ đốt nhang và xá lạy Phật trước khi làm lễ đối với người chết.
Tìm hiểu thêm: Khái niệm công ty trách nhiệm hữu hạn
Nói chung, cách thức vái lạy có sự linh động, thay đổi theo từng địa phương. Vì tinh thần là có đến lễ là tốt rồi, không ai chấp nhất, bắt bẻ trúng trật làm chi, cốt là ở lòng thành thôi. Cách tốt nhất theo tôi, trước khi cúng, bạn hỏi nhỏ người nào đó đứng xung quanh, để khỏi làm “khác lạ” hơn người ta là được rồi.
Thân chào bạn.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 5-2010, Mục “Chuyện xưa chuyện nay)
Đọc thêm: Tạm khóa báo có là gì