Công dân hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế.
(Nguồn: laodong.vn).
Xem thêm: Văn bản từ chối tài sản thừa kế
Những nội dung nêu trên được một số bạn đọc từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh … cùng một số địa phương khác gửi đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị giải đáp những quy định liên quan cũng như trình tự, thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế. Về nội dung này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trước hết, cần nắm rõ quy định về điều kiện để người thừa kế được quyền từ chối nhận di sản. Theo Điều 620, Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện người thừa kế được quyền từ chối nhận di sản, cụ thể:
– Việc từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
– Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, người thừa kế khác và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.
– Văn bản từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản
Trong khi đó, về thẩm quyền công chứng, chức thực văn bản từ chối nhận di sản, luật sư Hoàng Dương cho biết, người có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế được lựa chọn việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã bất kỳ, cụ thể như sau:
Thẩm quyền công chứng văn bản từ chối nhận di sản
Theo Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.”
Bên cạnh đó, Điều 42 Luật Công chứng 2014 cũng có quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”
Như vậy, việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản có thể được thực hiện tại bất kỳ phòng công chứng, văn phòng công chứng nào.
Đọc thêm: Giấy xác nhận làm việc tại công ty gồm những nội dung gì?
Thẩm quyền chứng thực văn bản từ chối nhận di sản
Theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, UBND xã/phường/thị trấn có trách nhiệm chứng thực văn bản từ chối nhận di sản.
Đồng thời khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Về trình tự, thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế, người thừa kế có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế thực theo trình tự dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế
Người từ chối nhận di sản thừa kế chuẩn bị các giấy tờ sau đây:
– Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản (dự thảo).
– Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (bản sao có chứng thực).
– Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).
– Di chúc (bản sao có chứng thực) trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
– Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực).
Tham khảo thêm: Mẫu các văn bản hành chính
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).
Bước 2: Người từ chối nhận di sản tiến hành chứng thực văn bản ở UBND cấp xã.
– Công chứng viên kiểm tra hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế.
– Người từ chối nhận di sản thực hiện ký lên văn bản từ chối di sản thừa kế trước mặt công chứng viên, trường hợp văn bản có 02 trang thì phải ký đầy đủ cả 02 trang.
– Trường hợp người từ chối nhận di sản không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng.
– Cán bộ chứng thực thực hiện chứng thực cho văn bản từ chối nhận di sản.
(Trường hợp công chứng viên kiểm tra và nhận thấy hồ sơ bị thiếu thì yêu cầu người từ chối nhận di sản bổ sung hoặc hồ sơ không hợp lệ thì giải thích cho người từ chối nhận di sản về việc không thể chứng thực văn bản từ chối nhận di sản)
Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế
– Người từ chối nhận di sản thừa kế tiến hành đóng phí và thù lao công chứng là 20.000 đồng (theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC).
– Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế.
“Những quy định nêu trên cơ bản đã nêu đầy đủ những nội dung xung quanh thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, còn phục thuộc vào một số yếu tố khác liên quan, trong quá trình làm việc cơ quan chức năng sẽ có những ý kiến đối với tổ chức/cá nhân thực hiện. Trên đây là một số ý kiến mang tính tham khảo, do đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, công dân có thể liên hệ sự hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền như Tư pháp, Lao động – Xã hội, Bộ phận một cửa hành chính, chính quyền địa phương … để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật” – luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.
Đọc thêm: Biên bản thỏa thuận về việc góp vốn mua chung đất mới nhất 2022 ?