logo-dich-vu-luattq

Trục xuất là gì ? Quy định pháp luật về trục xuất

1. Khái niệm trục xuất

Pháp luật Việt Nam quy định về trục xuất vừa mang tính chất là một hình phạt dành cho các tội phạm hình sự được quy định trong Bộ Luật hình sự hiện hành. Vừa mang tính chất là một chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, về cơ bản, khái niệm trục xuất trong pháp luật Việt Nam đều thống nhất rằng trục xuất là một biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, người không quốc tịch được cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý bằng cách loại bỏ những người này ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất còn thể hiện bản chất của Nhà nước khi nó mang tính cưỡng chế thi hành đối với những đối tượng bị áp dụng hình phạt.

Dù rằng có khái niệm chung là có những nét tương đồng như vậy, nhưng trong mỗi lĩnh vực pháp luật cụ thể lại có những quy định, đặc điểm riêng biệt. Cụ thể, trong pháp luật hình sự, trục xuất được quy định là một hình phạt nghiêm khắc trong số các hình phạt được quy định trong Bộ Luật hình sự hiện hành. Còn đối với trong lĩnh vực hành chính, trục xuất là một chế tài, là công cụ hữu ích để cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm của các đối tượng người nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Xem thêm: Trục xuất là gì

Trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam) buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các trường hợp bị trục xuất

Người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

1) Bị toà án có thẩm quyền của Việt Nam xử phạt trục xuất;

2) Bị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất. Việc trục xuất người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự được giải quyết bằng đường ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền ra quyết định trục xuất người nước ngoài trong những trường hợp:

1) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính;

2) Phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;

3) Vì lí do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Cơ quan quản lí xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thi hành bản án và quyết định trục xuất. Trong trường hợp người bị trục xuất không tự nguyện chấp hành bản án hoặc quyết định trục xuất thì cơ quan quản lí xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp cưỡng chế trục xuất.

Căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của việc thi hành quyết định trục xuất của Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan quản lí xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an quyết định:

1) Áp dụng biện pháp quản lí, giảm sát hoặc tạm giữ hành chính người bị trục xuất trong thời gian chờ thi hành quyết định trục xuất theo quy định của pháp luật;

2) Cách thức và địa điểm thực hiện việc trục xuất;

3) Các vấn đề khác có liên quan đến việc thi hành quyết định trục xuất theo quy định của pháp luật.

Người bị trục xuất có trách nhiệm:

1) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định trục xuất, chịu sự quản lí, giám sát của cơ quan quản lí xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an trong thời gian chờ thi hành quyết định trục xuất;

2) Nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi Việt Nam đúng hạn;

3) Tự chịu chi phí cho việc xuất cảnh.

3. Quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất

Đọc thêm: Nghỉ việc và thôi việc khác nhau như thế nào

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất thì quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất được quy định cụ thể như sau:

– Quyền của người bị trục xuất:

+ Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;

+ Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp;

+ Được thực hiện các chế độ quy định tại Điều 31 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;

+ Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

+ Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

– Nghĩa vụ của người bị trục xuất:

+ Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất;

+ Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;

+ Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

+ Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương I, Phần thứ tư của Luật xử lý vi phạm hành chính;

+ Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

4. Trục xuất trong pháp luật hình sự

Theo xu hướng phát triển hiện đại của nhân loại, pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền con người, được thể hiện thống nhất và xuyên suốt trong quá vãn bản pháp luật từ Hiến pháp tới các văn bản cấp dưới. Trong đó, công dân Việt Nam và người nước ngoài, người không quốc tịch được tôn trọng và đối xử bình đẳng theo các quy định pháp luật, không xâm phạm tới quyền con người của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, pháp luật bắt buộc phải nghiêm trị đối với những đối tượng có hành vi phạm tội. Nhất là đối với những người nước ngoài thì công tác tố tụng hình sự lại càng phải thực hiện một cách chặt chẽ và tuân thủ pháp luật hơn vì các vấn đề ngoại giao. Do đó, tại Điều 37 Bộ Luật hình sự hiện hành quy định hình phạt trục xuất là hình phạt riêng biệt dành cho các đối tượng phạm tội là người nước ngoài, người không quốc tịch như sau:

Điều 37. Trục xuất

Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.

Bộ Luật hình sự hiện hành quy định trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Cụ tại Điều 32 Bộ luật hình sự hiện hành quy định rằng:

Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội

Tham khảo thêm: đóng dấu giáp lai là gì

1. Hình phạt chính bao gồm

d) Trục xuất

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính

Như vậy, để áp dụng hình phạt trục xuất với những người nước ngoài, người không quốc tịch có hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xử lý của pháp luật Việt Nam thì phải Tòa án sẽ xem xét và đưa ra hình phạt cụ thể. Những trường hợp tuy Tòa án đã áp dụng hình phạt chính là các hình phạt khác, không phải là trục xuất. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết phải loại bỏ người phạm tội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì Tòa án sẽ áp dụng trục xuất như là một hình phạt bổ sung.

5. Trục xuất trong pháp luật hành chính

Do các cá nhân là người nước ngoài, người không quốc tịch được pháp luật cho phép tham gia vào nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam như lao động, đầu tư kinh doanh, văn hóa nghệ thuật,…. Bởi vậy, khi tham gia vào các quan hệ xã hội như vậy sẽ có lúc những đối tượng này sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Bên cạnh việc có thể bị áp dụng các chế tài xử phạt hành chính đươc quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như phạt cảnh cáo, phạt tiền,… Thì pháp luật cũng quy định trục xuất là một chế tài xử phạt được áp dụng riêng biệt cho những đối tượng vi phạm hành chính là người nước ngoài. Cụ thể tại Điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

Điều 27. Trục xuất

1. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Như đã nói ở trên, dù có những nét tương đồng tuy nhiên khái niệm trục xuất trong pháp luật hành chính tương đối khác so với khái niệm trục xuất được quy định trong pháp luật hình sự.

Thứ nhất, hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính là nhỏ hơn so những hậu quả của các hành vi phạm tội hình sự gây ra.

Thứ hai đó là cơ quan có thẩm quyền quyết định trục xuất một người nước ngoài có hành vi vi phạm trong pháp luật trong hình sự là Tòa án. Còn trong lĩnh vực hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định trục xuất đó là Giám đốc cơ quan công an cấp tỉnh và Cục trưởng cực quản lý xuất nhập cảnh.

Thứ ba, đối với những người bị tòa án tuyên hình phạt trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam thì đó được xem là một án tích. Còn đối với việc bị áp dụng chế tài trục xuất trong lĩnh vực hành chính thì không bị xem là một án tích.

Những trường hợp điển hình bị áp dụng chế tài trục xuất trong lĩnh vực hành chính đó là những đối tượng không đủ điều kiện hoặc có những hành vi vi phạm về nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm của những người lao động không có giấy phép, lao động chui khi hết thời hạn ghi trong giấy phép. Cụ thể tại Điều 171 Bộ Luật lao động 2012 quy định:

Điều 171. Giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam…..

2. Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, dù người vi phạm đã được cơ quan chức năng ban hành quyết định trục xuất nhưng nếu thuộc những trường hợp dưới đây thì có thể được hoãn thi hành quyết định xử phạt:

+ Bị bệnh nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khoẻ khác không thể thực hiện được quyết định xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên hoặc các trường hợp bất khả kháng khác;

+ Phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, trong thời đại thế giới phẳng hiện nay và sự biến tướng và phát triển mạnh của những đối tượng tội phạm xuyên quốc gia và những hành vi vi phạm của người nước ngoài thì việc pháp luật Việt Nam có những quy định về các chế tài xử phạt vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo được luật pháp quốc tế đã góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa và chấn áp những hành vi vi phạm pháp luật.

Đọc thêm: đầu tư ngoại hối là gì

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !