Khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Vấn đề thời hạn khởi tố vụ án hình sự cũng rất quan trọng. Sau đây hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết sau.
Xem thêm: Thời hạn khởi tố vụ án hình sự 2015
Thời hạn khởi tố vụ án hình sự (Cập nhật 2022)
Nội dung chính
1. Khởi tố vụ án hình sự là gì?
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
2. Ý nghĩa khởi tố vụ án hình sự là gì ?
– Khởi tố vụ án góp phần bảo đảm cho việc phát hiện nhanh chóng mọi hành vi phạm tội. Bởi vì, chỉ có thông qua những hoạt động kiểm tra, xác minh kịp thời các nguồn tin về tội phạm mới có điều kiện làm rõ sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không. Nếu hoạt động tố tụng trong giai đoạn khởi tố vụ án không được tiến hành khẩn trương, đầy đủ sẽ có thể không phạt hiện ra dấu hiệu tội phạm, dẫn đến việc ra quyết định không khởi tố vụ án, bỏ lọt tội phạm.
– Khởi tố vụ án xác lập cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra. Chưa khởi tố vụ án thì không được tiến hành các hoạt động điều tra, trừ một số hoạt động được tiến hành trọng quá trình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Do đó, không thể xem khởi tố vụ án hình sự như một hoạt động trong giai đoạn điều tra. Khởi tố vụ án có nhiệm vụ riêng, chủ thể và các hoạt động tố tụng độc lập với các giai đoạn tố tụng khác nên được coi là giai đoạn tố tụng độc lập. Hoạt động điều tra chỉ được tiến hành sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố vụ án tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. Sau khi đã xác định dấu hiệu tội phạm và khởi tố vụ án, hoạt động tố tụng ở giai đoạn điều tra sẽ tập trung làm rõ các hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm.
– Khởi tố vụ án góp phần bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu không thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm mà tiến hành ngay các hoạt động điều tra, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng sẽ dẫn đến nhiều trường hợp sau một thời gian điều tra không xác định được dấu hiệu của tội phạm, không chứng minh được người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi nguy hiểm cho xã hội nên phải quyết định đình chỉ điều tra thì người này đã bị xâm phạm quyền tự do thân thể.
3. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Tìm hiểu thêm: Các loại tội phạm hình sự
Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự như sau:
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú
Trong đó:
– Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
– Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
– Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
– Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
4. Thời hạn khởi tố vụ án hình sự
Khoản Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
Đọc thêm: Hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
+ Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
+ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
+ Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Như vậy thông thường, thời hạn khởi tố vụ án hình sự là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
5. Thời hạn khởi tố vụ án hình sự trong một số trường hợp
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Bài viết trên đã phân tích và làm sáng tỏ quy định của pháp luật hình sự về khởi tố vụ án hình sự, ý nghĩa của việc khởi tố vụ án hình sự và đặc biệt là thời hạn khởi tố vụ án hình sự. Nếu còn gì thắc mắc, hãy liên hệ với ACC để được giải đáp!
Tham khảo thêm: Khái niệm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự