Nội dung chính
1. Khái niệm Quốc huy
Quốc huy là huy hiệu tượng trưng cho quốc gia.
Quốc huy cũng có thể xem như con dấu của các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc Hội, hội đồng nhân dân; của các cơ quan hành chính nhà nước như Chính phủ, Uỷ ban nhân dân; của cơ quan xét xử như Toà án; của cơ quan kiểm sát như Viện kiểm sát đều phải có hình quốc huy thể hiện quyền uy nhà nước.
Xem thêm: Quốc huy là gì
Quốc huy của mỗi quốc gia thường được quy định trong đạo luật cơ bản của Nhà nước.
Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nữa bánh xe răng cưa và dòng chữ: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
2. Quá trình ra đời của Quốc huy
Câu chuyện về Quốc huy Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950, khi một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có Công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc sáng tác Quốc huy.
Năm 1951, cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động và thu hút đông đảo họa sỹ trên cả nước tham gia. Họa sỹ Bùi Trang Chước đã có một hành trình sáng tạo đầy ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chi tiết. Trong đó, 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy của họa sỹ đã được Ban Mỹ thuật chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ.
Bản di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” của họa sỹ viết ngày 26/4/1985 đã kể rất cụ thể về hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy. Ông viết:
“Năm 1953, nhân dịp Nhà in Bộ Tài chính biệt phái tôi một thời gian để vẽ mẫu bằng và huân chương cho Chính phủ, đồng chí Trịnh Xuân Côn, Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng phụ trách bộ phận huân chương, đã đưa cho tôi một số mẫu quốc huy của các nước xã hội chủ nghĩa làm tài liệu tham khảo để tôi phác thảo mẫu quốc huy của ta.
Qua nghiên cứu quốc huy của bạn, đều dùng những bông lúa hoặc liềm, búa hay bánh xe để tượng trưng cho công – nông nghiệp. Về nội dung bên trong dùng hình tượng mang đặc điểm của đất nước, dân tộc mình. Dựa trên những gợi ý đó, tôi phác thảo một số mẫu về hình dáng khác nhau, cũng dùng những bông lúa Việt Nam và các đe hoặc bánh xe, tượng trưng cho công, nông nghiệp.
Về nội dung bên trong, tôi dùng hình tượng cây tre hoặc con trâu. Song thấy cây tre con trâu ở một số nước Á đông khác cũng có, tôi lại dùng địa danh lịch sử như Đền Hùng, Gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng hoặc Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Tháp Rùa… Nhưng tôi thấy các phác thảo đó về hình dáng còn rắc rối, cầu kỳ và nội dung cũng chưa được ổn…
Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp, dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh.
Tham khảo thêm: Trách nhiệm dân sự là gì
Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ. Khi thực hiện sơn mài là sơn son thiếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của ta hay dùng. Các mẫu này sau đó được trình Bác Hồ, Bác chọn góp ý: Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại”…
Sau khi chỉnh sửa theo góp ý của Bác Hồ, trong Di bút của mình, Họa sỹ Bùi Trang Chước viết: “Mẫu Quốc huy lần này tôi cũng vẽ hình tròn, chung quanh hai bên có thêm những bông lúa kéo dài lên trên tiếp giáp với nhau ở đỉnh trục đường vòng tròn, hai bên vẫn giữ những bông lúa rủ xuống vào trong ôm lấy bánh xe thay cho cái đe, ở phía dưới, dải lụa ở giữa có chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, hai đầu dải lụa vẫn quấn lên các bông lúa mỗi bên hai đoạn, gốc các bông lúa bắt chéo nhau tạo thành đế Quốc huy thót hai đầu cho gọn. Phía bên trong nền là ngôi sao, dưới ngôi sao để trống cho thoáng, không có mặt trời và tia chiếu sáng chung quanh. Về màu sắc, riêng nền bên trong Quốc huy và giải lụa là màu đỏ, còn các hoạ tiết khác như các bông lúa, ngôi sao và bánh xe đều là màu vàng”…
Mẫu Quốc huy này của Họa sỹ Bùi Trang Chước được Trung ương duyệt và có ý kiến chỉ đạo chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Khi đó, Họa sỹ Bùi Trang Chước nhận nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ là vẽ và in tiền, do vậy, việc chỉnh sửa một vài chi tiết đã được giao cho Họa sỹ Trần Văn Cẩn thực hiện.
Đến ngày 14/1/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 254-SL về việc ban bố mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kèm theo đó là Phụ lục số 1, 2 in mẫu vẽ Quốc huy có tô màu vàng kim nhũ và Quốc huy không tô màu.
3. Tác giả của mẫu vẽ Quốc huy
Quốc huy Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam và tiền đồ xán lạn của nước Việt Nam. Bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho nông nghiệp, bánh xe tượng trưng cho công nghiệp và chính giữa dải lụa phía dưới là dòng chữ tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Quốc huy Việt Nam hiện nay (nguyên thủy là quốc huy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) được Quốc hội khóa I phê chuẩn năm 1955 từ mẫu quốc huy do Chính phủ đề nghị. Năm 1976, khi đất nước thống nhất, mẫu quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu.
Do những tranh chấp và nhầm lẫn về tác giả quốc huy suốt nhiều năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo bộ Văn hóa – Thông tin thành lập tổ tư vấn để giám định tư liệu. Ngày 23/09/2004 Bộ Văn hóa – Thông tin đã thông báo kết luận khẳng định: “Mẫu quốc huy là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước – người đã vẽ những mẫu quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sỹ Trần Văn Cẩn – người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”.
Mẫu quốc huy gốc với tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ) với hai phụ bản in màu và in nét. Đáng tiếc là từ sau năm 1976 do thiếu những quy chuẩn về việc sử dụng và không được phổ biến rõ nên hiện nay đang có tình trạng hình quốc huy không đồng nhất. Hình quốc huy trên đồng tiền, các bằng cấp, huân – huy chương, sách báo, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước… mỗi hình mỗi vẻ.
Nghiên cứu bản mẫu quốc huy chính thức chúng ta thấy về bố cục, tỉ lệ các hình tượng rất cân đối, hài hòa, vững chắc. Hình dáng, đường nét của các bông lúa, hạt lúa, ngôi sao, bánh xe răng cưa, dải lụa có tên nước Việt Nam được chắt lọc kĩ lưỡng nên rất sinh động, tượng trưng và chuẩn mực. Màu sắc của quốc huy được phối hợp mạch lạc, hài hòa giữa đỏ, vàng và nét nâu. Mẫu quốc huy Việt Nam hoàn chỉnh về hình thức, sâu sắc về nội dung, đã thể hiện cô đọng, súc tích về đất nước và dân tộc Việt Nam, với nền tảng công – nông nghiệp, với lý tưởng cách mạng và tinh thần đại đoàn kết, với khát vọng hòa bình và sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.
Hình quốc huy các bạn đang xem là mẫu quốc huy chính thức theo công văn 1790/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ (ban hành 24/05/2013) gửi các cơ quan hành chính nhà nước về việc sử dụng thống nhất và đồng bộ mẫu quốc huy.
4. Ý nghĩa của Quốc huy
Trước hết là hình ngôi sao vàng 5 cánh đặt ở trung tâm nền đỏ của quốc huy. Màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết chiến đấu, là máu của các anh hùng liệt sĩ đã xả thân cứu nước và màu vàng là màu da của người Việt Nam. 5 cánh của ngôi sao là đại diện cho năm tầng lớp: sĩ, nông, công, thương, binh cùng hợp lại, đoàn kết chống lại kẻ thù, xây dựng đất nước.
Hình ảnh bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho nông nghiệp, bánh xe tượng trưng cho công nghiệp khẳng định: Việt Nam là nước liên minh công – nông và luôn đoàn kết cùng nhau để xây dựng đất nước phát triển hơn.
Mang ý nghĩa là biểu tượng của đất nước, của dân tộc, Quốc Huy là vật phẩm thường được các nhà lãnh đạo, người làm trong cơ quan nhà nước dùng để làm quà biếu tặng. Vì vậy, ý nghĩa quốc huy Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử dân tộc vượt thời gian.
5. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Tham khảo thêm: Bổ sung thông tin cần biết về bằng khoán đất
Căn cứ vào Điều 13 của Hiến pháp năm 2013 quy định thì Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca được định nghĩa như sau:
“Điều 13.
1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca.”
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người nào có hành vi xúc phạm đến Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xúc phạm Quốc kỳ, tội xúc phạm quốc huy, Quốc ca theo quy định tại Điều 351.
6. Cấu thành tội phạm Tội xúc phạm Quốc kỳ, tội xúc phạm quốc huy, Quốc ca
Một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự nếu người đó đáp ứng đầy đủ những cấu thành tội phạm của tội. Với tội xúc phạm Quốc kỳ, tội xúc phạm Quốc huy và tội xúc phạm Quốc ca thì cấu thành tội phạm cụ thể như sau:
– Về mặt khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, xâm phạm biểu tượng Quốc gia.
– Đối tượng tác động là Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca (Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca là được dùng làm biểu trưng cho Nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
– Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hành vi này thể hiện ở chỗ viết, vẽ hoặc sửa chữa những nội dung không lành mạnh liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca. Hành vi có tính chất nhạo báng, sỉ nhục hoặc có những hành động khác làm biến dạng, phá hỏng Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca.
– Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Có nghĩa là chủ thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, mong muốn hậu quả xảy ra. Nếu được thực hiện với lỗi vô ý, do sơ xuất cẩu thả mà có hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca thì không phạm Tội xúc phạm Quốc kỳ, tội xúc phạm quốc kỳ và Quốc ca theo quy định tại Điều 351 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
– Về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội danh này là chủ thể thường, bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.
Luật Minh KHuê (tổng hợp & phân tích)
Tham khảo thêm: Giá trị pháp lý là gì