Các quy định về ngân hàng của Việt Nam không đưa ra định nghĩa rõ ràng về cho thuê tài chính. Việc thiếu một định nghĩa rõ ràng có thể dẫn đến các rủi ro pháp lý không đáng có cho các bên tham gia giao dịch cho thuê xuyên biên giới (ví dụ: cho thuê máy bay). Ví dụ, nếu một hợp đồng thuê xuyên biên giới được xem là cho thuê tài chính, thì hợp đồng thuê đó có thể cần phải được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như một khoản vay nước ngoài.
Theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010, hoạt động cho thuê tài chính được định nghĩa là (1) cấp tín dụng trung và dài hạn; (2) trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính; và (3) thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Xem thêm: Hợp đồng cho thuê tài chính là gì
· khi kết thúc thời hạn hợp đồng thuê theo hợp đồng, bên thuê có thể nhận quyền sở hữu tài sản thuê hoặc có thể tiếp tục thuê theo thỏa thuận của các bên; hoặc
· khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê có quyền ưu tiên mua tài sản thuê với giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản thuê tại thời điểm mua; hoặc
· thời hạn tối thiểu của việc cho thuê bất kỳ tài sản đơn lẻ nào phải bằng ít nhất 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản thuê đó; hoặc
· tổng số tiền thuê cho bất kỳ tài sản nào được quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính ít nhất phải bằng giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Nghị Định 39/2014 định nghĩa cho thuê tài chính là “một hoạt động cấp tín dụng trung hoặc dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính giữa bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính. Bên cho thuê tài chính cam kết mua một tài sản cho thuê tài chính theo yêu cầu của bên thuê tài chính và nắm giữ quyền sở hữu tài sản theo hợp đồng cho thuê tài chính trong suốt thời hạn cho thuê. Bên thuê tài chính sử dụng tài sản theo hợp đồng cho thuê tài chính trong suốt thời gian thuê được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính”.
Đọc thêm: Biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà
Nghị Định 39/2014 cũng định nghĩa hợp đồng cho thuê tài chính là một “hợp đồng không hủy ngang ký kết giữa bên cho thuê và bên thuê về việc cho thuê tài chính một hoặc nhiều tài sản cho thuê”.
Các định nghĩa về cho thuê tài chính theo các quy định này chỉ xoay quanh việc sử dụng thuật ngữ “hợp đồng cho thuê tài chính” để định nghĩa “thuê tài chính” và ngược lại. Điều này dẫn đến một số vướng mắc nhất định như:
· Nếu một hợp đồng thỏa mãn điều kiện (i) và (iii) ở trên nhưng không được gọi là “hợp đồng cho thuê tài chính”, thì không rõ liệu hợp đồng đó có phải là hợp đồng thuê tài chính hay không. Do về mặt câu chữ, hợp đồng đó không được gọi là hợp đồng cho thuê tài chính; có thể lập luận rằng hợp đồng đó không phải là hợp đồng cho thuê tài chính. Tuy nhiên, thông thường các bên sẽ không lách một định nghĩa pháp lý chỉ bằng cách thay đổi tên của hợp đồng có liên quan; hoặc
· Nếu một hợp đồng thỏa mãn điều kiện (i) và (iii) ở trên nhưng “có thể hủy ngang” (ví dụ: bằng việc đưa ra thông báo trước và thanh toán khoản trả trước nhất định cho việc chấm dứt) thì không rõ liệu hợp đồng đó có phải là hợp đồng thuê tài chính hay không. Một lần nữa lập luận này được hỗ trợ về mặt câu chữ từ định nghĩa về hợp đồng cho thuê tài chính theo Nghị Định 39/2014 nhưng không lô ghích.
Có lẽ, cách giải thích hợp lý là một hợp đồng thuê sẽ là hợp đồng thuê tài chính theo quy định về ngân hàng nếu (A) hợp đồng thuê thỏa mãn điều kiện (i) và (iii) ở trên và (B) hợp đồng thuê được phân loại là hợp đồng thuê tài chính theo Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam (CMKT). Điều này có nghĩa là (B) được sử dụng thay cho điều kiện (ii) ở trên. Điều này là do CMKT có cách tiếp cận chặt chẽ hơn để xác định thuê tài chính (hoặc hợp đồng cho thuê tài chính). Theo CMKT số 6, thuê tài chính được định nghĩa là thuê tài sản, trong đó bên cho thuê chuyển giao phần lớn các rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu của tài sản có thể được chuyển giao vào cuối thời hạn thuê. Mục 9 của CMKT số 6 đưa ra các trường hợp thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính, bao gồm:
· Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê;
· Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền mua tài sản thuê với giá dự kiến sẽ thấp hơn giá hợp lý vào cuối thời hạn thuê;
Tham khảo thêm: Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại mới nhất năm 2022
· Thời hạn thuê chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản ngay cả khi quyền sở hữu không được chuyển giao;
· Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của các khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn giá trị hợp lý của tài sản thuê; và
· Tài sản thuê là loại chuyên dùng mà chỉ có thể được sử dụng bởi bên thuê mà không cần có sự thay đổi, sửa đổi lớn nào.
Mục 10 của CMKT số 6 liệt kê các trường hợp hợp đồng thuê sẽ được coi là hợp đồng thuê tài chính:
· Nếu bên thuê hủy hợp đồng và đền bù thiệt hại liên phát sinh liên quan đến việc hủy hợp đồng cho bên cho thuê;
· Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê; hoặc
· Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê tài sản sau khi hợp đồng thuê hết hạn với giá thuê thấp hơn giá thuê thị trường.
Bài viết được đóng góp bởi Lê Thanh Nhật, luật sư tập sự tại Venture North Law.
Tham khảo thêm: Mẫu hợp đồng giao khoán nhân công