Công vụ mang tính tổ chức và tuân thủ những quy chế bắt buộc, theo trật tự, có tính thứ bậc chất chẽ, chính quy và liên tục, được bảo đảm bằng quyên lực nhà nước.
Những nguyên tắc của chế độ công vụ: công vụ lấy lợi ích nhân dân làm mục tiêu hoạt động cán bộ, công chức thực hiện công vụ chịu sự giám sát của nhân dân, bị thay thế, bãi miễn khi không đủ năng lực và có hành vi vi phạm pháp luật; mọi công dân đều bình đẳng trong việc đảm nhiệm công vụ; quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức được quy định công khai trong văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Xem thêm: Công vụ là gì
Nội dung chính
- 1 1. Khái niệm hoạt động công vụ và các nguyên tắc trong thi hành công vụ:
- 2 2. Văn hóa công vụ và đạo đức công vụ
- 3 3. Thực trạng việc thực thi văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam
- 4 4. Các chuẩn mực về văn hóa công vụ ở Việt Nam để xây dựng nền công vụ sạch, có hiệu quả
- 5 5. Xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa công vụ phù hợp trong thời gian tới
1. Khái niệm hoạt động công vụ và các nguyên tắc trong thi hành công vụ:
Điều 2 Luật cán bộ, công chức đưa ra khái niệm về hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, theo đó:
“hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”.
Có thể hiểu hoạt động công vụ là hoạt động được tiến hành trên cơ sở pháp luật nhằm thực hiên các chức năng của Nhà nước vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của các tổ chức và cá nhân. Hoạt động công vụ là hoạt động có tính tổ chức cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trật tự do pháp luật quy định trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước. Hoạt động công vụ chủ yếu do đội ngũ công chức chuyên nghiệp thực hiện.
Công vụ khác với nhiệm vụ ở chỗ nếu công vụ là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục thì nhiêm vụ là công việc phải làm vì một mục đích nhất định trong một khoảng thòi gian nhất định. Để thi hành công vụ cán bộ, công chức có thể phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Hoạt động công vụ phải được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Những nguyên tắc đó là Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật,…
Mọi hoạt động do cán bô, công chức tiến hành nhằm thi hành công vụ đều phải được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Đối với cán bộ, công chức đòi hỏi tuân thủ Hiến pháp, pháp luật được đặt ra cao hơn đối với người dân bởi họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động công vụ, họ còn có trách nhiệm giải phạm vi thẩm quyền khác nhau trong thi hành công vụ.
Văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức bộ máy hành chính nhà nước trong tiến trình hướng đến tính chuyên nghiệp phục vụ nhân dân
Văn hóa là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ và đạo đức công vụ là cơ sở để thực thi trách nhiệm công vụ. Việc xây dựng và không ngừng bồi đắp văn hóa, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng và cần thiết trong lộ trình hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ nhân dân ở nước ta.
Phục vụ nhân dân là trách nhiệm, bổn phận, niềm vinh dự của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
2. Văn hóa công vụ và đạo đức công vụ
Công vụ là thực hành nhiệm vụ công phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, là một loại hoạt động mang tính quyền lực được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền, nhân dân ủy thác quyền lực nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Văn hóa và đạo đức là hai phạm trù vừa mang tính thực tế, vừa có tính trừu tượng, là hệ thống các giá trị được quy định trong các văn bản cụ thể hay chỉ nằm trong tiềm thức, ý thức con người, vừa có tính tự định hướng, vừa định hướng người khác; có tính ổn định, đồng thời thường xuyên biến đổi; vừa ẩn chứa trong nhận thức, ý thức, vừa thể hiện bằng lời nói, hành động, cách thức sinh hoạt, ăn, mặc…
Tham khảo thêm: Bộ Công an là gì? Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Công an?
Bản chất của văn hóa trong thực thi công vụ là thể hiện những chuẩn mực của con người trong các mối quan hệ liên quan đến hoạt động công vụ. Mục tiêu của hoạt động công vụ là phục vụ nhân dân. Công chức, viên chức là nguồn lực cơ bản của nền hành chính nhà nước, của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, cũng là lực lượng chủ yếu thực hiện hoạt động công vụ của Nhà nước ta. Do đó, trong quá trình phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa mang tính chuẩn mực.
Chỉ khi thực thi công vụ thì văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức mới bộc lộ rõ nét nhất, cụ thể hơn là đạo đức công vụ của họ mới được biểu hiện đầy đủ nhất. Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ được đánh giá trong lúc thực thi công vụ, mà còn được đánh giá cả lúc họ không thực thi công vụ, cụ thể là qua ứng xử, qua phong cách sống, sinh hoạt ở cả cơ quan và nơi cư trú, qua các mối quan hệ xã hội. Thực chất đạo đức công vụ và văn hóa công vụ có mối quan hệ qua lại, văn hóa công vụ là nền tảng của đạo đức công vụ, ngược lại đạo đức công vụ là cơ sở để hình thành văn hóa công vụ. Xây dựng đạo đức công vụ là góp phần xây dựng văn hóa công vụ. Trong tình hình mới hiện nay, mối quan hệ này càng thể hiện rõ nét.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là một bộ phận của cộng đồng, các yếu tố văn hóa ở họ cũng chính là các yếu tố văn hóa dân tộc, đạo đức của họ chính là đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, họ chịu sự điều chỉnh của các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu công chức, viên chức có ý thức, có trình độ sẽ hiểu việc phục vụ nhân dân là trách nhiệm và nghĩa vụ bởi họ là “công bộc” của nhân dân, được trả lương bởi nhân dân; ngược lại, nếu không nhận thức thấu đáo, tư duy quan cách, sẽ cho rằng người dân được họ ban phát…, từ đó nảy sinh thói cửa quyền, thậm chí là hạch sách, nhũng nhiễu. Chính vì vậy, trình độ văn hóa, ý thức đạo đức công vụ chính là yếu tố quan trọng quyết định tinh thần, thái độ ứng xử, chất lượng phục vụ của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.
Các quốc gia đạt tới sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt đều trên cơ sở xây dựng được một nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, trong sạch, bởi đây chính là nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm việc phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Quá trình xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp là quá trình xây dựng văn hóa công vụ, xây dựng những giá trị cơ bản của công chức trong thực thi công vụ, như cần, kiệm, liêm, chính… Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” chúng ta đang thực hiện là nhằm đưa nền công vụ đạt mục tiêu “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động và hiệu quả”.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, nhiều quy tắc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… đều nhấn mạnh khía cạnh văn hóa nhằm tăng tính chất điều chỉnh hành vi. Điều này càng khẳng định, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, văn hóa luôn là nền tảng để xây dựng đạo đức con người nói chung và đạo đức trong từng lĩnh vực hoạt động nói riêng. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa công vụ nói chung, đạo đức công vụ nói riêng phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa phục vụ của từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
3. Thực trạng việc thực thi văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam
Ở nước ta, từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay, các văn bản liên quan đến nền công vụ, đến cán bộ, công chức, viên chức, như Sắc lệnh số 76/SL, ngày 20-5-1950, ban hành Quy chế công chức Việt Nam(1), các bản hiến pháp(2), các đạo luật(3) đều thừa kế tư tưởng đề cao các giá trị cơ bản của nền công vụ, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mà cơ bản và bao trùm nhất là trung thành với Đảng, vì lợi ích của nhân dân, liêm chính, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, không thiên vị, có tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả… Đây cũng chính là các yếu tố tạo nên văn hóa công vụ mà nền công vụ Việt Nam đang hướng tới.
Trước đây, đội ngũ công chức, viên chức nhà nước Việt Nam thường là những người có trình độ, có học vấn, hết lòng phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân, có ý thức trách nhiệm với thể chế, dĩ công vi thượng, sống giản dị, không tư lợi. Tuy nhiên, những năm gần đây, do mặt trái của kinh tế thị trường, bên cạnh đa số công chức vẫn giữ được những giá trị chuẩn mực truyền thống, thì xuất hiện một bộ phận công chức có tư tưởng, hành động lệch lạc, họ xác định vào làm công chức để làm giàu. Và thực tế, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã giàu lên một cách “bất bình thường”, do lợi dụng công vụ, chức quyền mà mưu lợi riêng.
Xét về nguyên tắc đạo đức, với vai trò đại diện cho Nhà nước thì công chức, viên chức phải vì lợi ích của nhân dân, thực thi công vụ trên nguyên tắc tôn trọng nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tuân thủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, nền công vụ nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 đã nêu: “Đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều điểm thiếu và yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính; phong cách làm việc chậm đổi mới; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân vẫn còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, công chức”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã thẳng thắn đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Rõ ràng, đội ngũ những người thực thi công vụ hiện nay chưa thực sự mạnh và chưa đáp ứng được yêu cầu của nền công vụ trong thời kỳ mới, có thể thấy ở một số biểu hiện:
Thứ nhất, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa tận tâm với công việc, đến công sở còn tranh thủ việc nhà, còn lạm dụng trang thiết bị công làm việc riêng (xe công, điện thoại, văn phòng phẩm, điện, nước,…).
Thứ hai, một bộ phận công chức, viên chức che giấu sự hách dịch, cửa quyền bằng thái độ “hòa nhã”, “đúng mực” trong các mối quan hệ trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, nhưng không giải quyết công việc kịp thời, bản chất là sách nhiễu, vòi vĩnh một cách tinh vi. Do đó, trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức phải lấy hiệu quả công việc thực tế là thước đo, tức là phải căn cứ vào mức độ hài lòng của người dân.
Thứ ba, tỷ lệ bằng cấp chưa phản ánh đúng thực trạng năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc sử dụng cán bộ còn tùy tiện, chưa thực sự căn cứ vào khả năng chuyên môn, năng lực sở trường. Cán bộ được đào tạo một ngành lại làm ngành khác là khá phổ biến, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ có bằng cấp, nhưng chưa thực sự có trình độ, năng lực, lại được sắp xếp vào các vị trí quan trọng.
Đây là những “điểm nghẽn”, cản lực làm giảm hiệu lực nền công vụ nước ta.
4. Các chuẩn mực về văn hóa công vụ ở Việt Nam để xây dựng nền công vụ sạch, có hiệu quả
Ngoài các chuẩn mực chung về văn hóa công vụ mà nhiều quốc gia hướng tới, thì tùy theo đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội, con người, phong tục, tập quán, trình độ phát triển… mà mỗi quốc gia lại có những chuẩn mực riêng. Đối với nước ta hiện nay, để xây dựng một nền công vụ trong sạch, hiệu quả cần đề cao tính chuyên nghiệp với các giá trị cơ bản sau:
Tìm hiểu thêm: Cựu quân nhân khác cựu chiến binh như thế nào
Thứ nhất, sự đầy đủ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch trong các quy định về quy trình công việc, về trách nhiệm tập thể và cá nhân, các nguyên tắc cơ bản về văn hóa ứng xử, tác phong làm việc khi thực thi công vụ…
Thứ hai, từng cá nhân công chức, viên chức phải thực sự là những người có trình độ chuyên môn phù hợp với công việc được giao, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, có ý thức, trách nhiệm, trung thực, khách quan, nắm vững các quy trình, thủ tục, thuần thục các thao tác chuyên môn, nghiệp vụ và có ý thức tuân thủ quy định của cơ quan, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ phải đúng thẩm quyền, không chuyên quyền, không sử dụng quyền lực một cách bừa bãi. Thực tiễn đúc kết chính sự chuyên quyền của cá nhân kết hợp với sự thiếu minh bạch của các quy định, trong đó đặc biệt là các quy định về trách nhiệm giải trình dẫn đến tình trạng tham ô, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, mọi nền hành chính đều phải có cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp, hiệu quả.
Thứ tư, tính chuyên nghiệp của một nền hành chính hiện đại hàm chứa tính phục vụ. Nền công vụ hiện đại là hướng vào phục vụ người dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu chính. Người thực thi công vụ phải trọng dân, kính dân, tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, không hách dịch; cách giải quyết công việc hiệu quả, không cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân.
Thứ năm, tính hiệu quả chính là thước đo cuối cùng của tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp sẽ được khẳng định khi nền hành chính được công nhận là nền hành chính hiệu quả.
5. Xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa công vụ phù hợp trong thời gian tới
Để đạt tới sự chuyên nghiệp, cần phải tập trung xây dựng và phát triển hệ văn hóa công vụ phù hợp, bao gồm:
Một là, tăng cường giáo dục ý thức, điều chỉnh hành vi. Đối với những nền hành chính chưa thực sự phát triển, hệ thống các quy định, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, thống nhất, cụ thể, chưa thực sự minh bạch, rõ ràng, thì tinh thần, thái độ, ý thức tự giác của công chức, viên chức thực thi công vụ trở thành yếu tố quan trọng, ý thức này được hình thành thông qua các biện pháp giáo dục, tuyên truyền.
Hai là, thực hiện cải cách nền công vụ đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc cải cách nền công vụ của nước ta có thể được gọi là một cuộc hiện đại hóa thể chế chính trị – hành chính. Đó không chỉ là hiện đại hóa các trang thiết bị mà quan trọng hơn là “hiện đại hóa tri thức”, “hiện đại hóa con người”. Do vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm cả tri thức chuyên môn, các kỹ năng quản lý, khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ,… tiến tới làm chủ công nghệ, có khả năng đổi mới, sáng tạo công nghệ.
Ba là, hoàn thiện hành lang pháp lý. Việc quy định các chuẩn mực văn hóa, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức cần được thể chế hóa trong các văn bản, quy định cụ thể mang tính pháp lý. Các giá trị đạo đức được Đảng đề ra hiện nay cũng cần được cụ thể hóa thành các quy định về pháp lý, để đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế giám sát việc thực thi công vụ cùng với việc giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên ý thức tự giác thực hiện đạo đức công vụ, cần thiết lập cơ chế thực thi công vụ từ bên trong, bên ngoài, thông qua các quy định của pháp luật, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, báo chí…
Năm là, xây dựng chiếc lược tổng thể và từng ngành về xây dựng các giá trị văn hóa công vụ. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công sở. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai sâu rộng. Từng ngành, từng địa phương vừa căn cứ vào các giá trị chung, vừa căn cứ vào điều kiện, yêu cầu đặc thù của mình để xây dựng bộ giá trị văn hóa công vụ phù hợp. Trong đó, các giá trị chung cần được bảo đảm là: Minh bạch đi đôi với công khai (minh bạch trong quy trình, thủ tục và phải được công khai để nhân dân biết); danh dự đi đôi với trách nhiệm giải trình (trách nhiệm được chỉ ra rõ ràng gắn với từng cá nhân cụ thể và cá nhân phải ý thức việc thực thi trách nhiệm chính là bảo vệ danh dự cho bản thân); tự kiểm soát đi đôi với bị kiểm soát (từng cá nhân tự ý thức, tự kiểm soát hành vi đi đôi với những ràng buộc phải tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý); đạt mục tiêu đi đôi với nhân dân được phục vụ tốt nhất (mục tiêu đề ra của tổ chức phải được đánh giá dựa trên hiệu quả phục vụ nhân dân, mức độ hài lòng của nhân dân).
Sáu là, tăng cường thông tin, giáo dục, tuyên truyền các giá trị văn hóa công vụ truyền thống ưu việt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, khẳng định, phổ biến, pháp điển hóa các giá trị văn hóa tiên tiến của nền công vụ thế giới, nhất là các nước phát triển có những điểm tương đồng mà Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng.
Bảy là, thực hiện chính sách tôn vinh, khen thưởng và xử lý kịp thời. Xây dựng ý thức làm tốt phải được khen, vi phạm phải bị xử lý. Công bằng trong khen thưởng, xử lý sẽ tạo ra động lực cho mỗi cá nhân, làm lành mạnh hóa nền công vụ, là cơ sở để xây dựng nền công vụ hiệu quả mang tính phục vụ nhân dân.
Tám là, cải cách chế độ tiền lương, theo hướng bảo đảm cuộc sống ở mức trung bình khá trong xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Giải pháp này cũng giúp phòng ngừa, ngăn chặn tệ vòi vĩnh, tham nhũng vặt trong quá trình thực thi công vụ, nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức./.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & Biên tập từ các nguồn trên internet)
Đọc thêm: Ủy quyền là gì? Giấy ủy quyền là gì?