“Tối nay đi bay nha” – mấy đứa rủ rê. “Đang có chiến dịch trấn áp, muốn rũ cánh à?”.
Trần Văn Sáu – biệt danh Sáu “đại” – cười khẩy: “Để tui dẫn đi. Sân bay này an toàn tuyệt đối, sang chảnh vô song mà đào và “đồ” cũng vô đối. Từ lúc mở tới giờ rất ít khi bị tó. Dân bay gọi nó là pháo đài bay mà”.
Xem thêm: Bay lắc là gì
Đi “nghe nhạc” lúc nửa đêm
11 giờ đêm, ánh đèn từ cửa sổ những căn nhà ven đường dần tắt thì cũng là lúc cả bốn đứa đã ngà ngà say. Sáu “đại” tính tiền, ngoắc tôi leo lên xe, thẳng hướng khu vực tiếng là vùng ven nhưng lại gần trung tâm thành phố.
– Sao đi trễ vậy huynh? – tôi ra vẻ ngạc nhiên.
– Ừ, giờ này các em cũng bắt đầu phê “đồ” (thuốc lắc – PV), chịu chơi hơn. Vào sớm, bướm đêm còn tỉnh, hút cứ như máy hút bụi, “đồ” đâu cho đủ.
– Có phải đặt phòng, dặn đào không?
– Không cần, mình tới đây nhẵn cả mặt thớt rồi. Mà giờ sớm nên còn nhiều phòng, tới ba bốn chục phòng, đào “bay” thì hơn trăm em. Có em giờ mới xách túi vô làm, chọn thoải mái. Còn chủ ở đây hả, mạnh như… đại bác. Bao “bay” cả tuần cũng không ai kiểm tra.
– Khách lạ cũng được à? – tôi hỏi gặng.
– Ông cứ yên tâm mà ngậm tăm phê pha đi. Tôi “bay” hoài. Dạo này, dân “bay” khắp nơi dập dìu đổ về mà.
Chỉ đạp vài hơi ga chiếc ôtô đã đến khu Nam Sài Gòn, quán karaoke B hiện ra rực rỡ. Mấy dòng chữ KTV B hoành tráng trên tấm bảng to vật vã, sang trọng gắn dài tới 20-30m ngang mặt tiền.
Đúng như lời người này nói, bốn người lên phòng một cách dễ dàng chỉ sau một câu đon đả của cậu tiếp tân:
– Anh đã có phòng chưa? Phòng nhậu hay nghe nhạc ạ?
– Lấy cho anh phòng nghe nhạc – Sáu “đại” sành sỏi trả lời, chân xăm xăm bước về thang máy với vẻ rất quen thuộc.
Chúng tôi được đưa lên tầng ba. Hai cậu phục vụ lăng xăng, tôi hỏi nhỏ Sáu “đại”:
Đọc thêm: Lao động phổ thông là gì
– Phòng nhỏ giá bao nhiêu?
– Phòng nhỏ trước 0 giờ thì 300.000 đồng/tiếng, sau 0 giờ thì 450.000 đồng/tiếng. Phòng vừa sau 0 giờ 600.000 đồng/tiếng. Còn phòng lớn chứa được hai, ba chục người thì giá có khi cả triệu. Tiền đó để làm gì chắc ông hiểu – Sáu “đại” nháy mắt với tôi đầy ngụ ý.
Tôi thấy trên bàn để đủ loại nước như nước uống, bánh trái, đặc biệt có cả sữa hộp năng lượng cao và mấy lọ nước yến. Dân “bay lắc” chẳng mấy ai uống bia, trái cây cũng chỉ cho có lệ. Còn sữa và nước yến để dành cho dân “bay” lấy sức sau khi “cất cánh” kiệt sức.
Ít phút sau “ba mì” ưỡn ẹo đi vào, gã trạc tuổi tứ tuần, dẫn 7 cô tiếp viên, vận đầm xanh đỏ, ưỡn ẹo khoe “hàng cam bưởi nhà trồng”. Những bộ cánh các cô khoác trên người gọi là cánh ve sầu hay chuồn chuồn quả là chính xác, bởi nó không thể mỏng hơn.
Đặc điểm chung rất dễ nhận ra ở các cô là hầu như cô nào cũng có sự can thiệp dao kéo, nhất là mũi và ngực. Cậu phục vụ lại hỏi khách có nhu cầu ăn uống, nghe nhạc gì, rồi chùng chình đợi… tiền boa.
“Khay, kẹo” và tiền
Rất điệu nghệ, Sáu “đại” lấy ra hai bịch nilông nhỏ đựng “khay” (ketamine), đổ một bịch vào tờ tiền giấy hai ngàn còn mới để “cà” và “nấu khay” (hơ qua lửa, cà nhuyễn để hít).
– Em, hôm nay tụi nó có “kẹo” gì. Đô-mi-nô còn không? Hôm bữa đưa cái “kẹo bánh in” quỷ quái cắn hoài đếch lên – Sáu “đại” quay sang hỏi một cô đào ngồi kế bên.
Cô ta nũng nịu, chỉ cậu phục vụ:
– Anh hỏi ảnh kìa. Mà anh kêu gì cho tụi em ăn đi, ăn mới có sức chiều các đại ca chứ.
Sáu “đại” rút ra một tờ 500.000 đưa phục vụ. Chẳng cần hỏi lần thứ hai, cậu ta nhanh nhảu:
– Hôm nay có “kẹo” AB trắng ngon lắm anh. Cắn nửa con là lên tới nóc. Giá cũng chỉ có hai trăm rưỡi à.
Chưa đầy vài phút, tay phục vụ đã mang vào 4 con “kẹo” tròn, màu trắng và thu luôn 1 triệu đồng với lý do “mua giùm”. Giá “kẹo” 250.000 – 300.000 một “con”, còn “khay” là 1,2 triệu. Việc mua bán đều thông qua cánh phục vụ và họ cũng rất khôn, chỉ “giúp mua giùm”.
– Em “bay” với anh nguyên đêm, vui vẻ, không chạy bàn, anh nhớ boa cho em sộp sộp nha – Lúc nhạc sàn đã nổi lên, đào bắt đầu vòi vĩnh
– Ok em, nhưng chơi ở đây có “êm” không? – tôi tỏ vẻ lo lắng.
Đọc thêm: Trường dự bị đại học là gì? Quy định về trường dự bị đại học?
– Anh cứ yên tâm, ngậm tăm mà chơi đi. Phía đằng sau có chỗ thoát hiểm rất an toàn – cô ta trấn an tôi…
Quay sang Sáu “đại” lúc này đã phê pha, tôi hỏi:
– Chắc ở đây phải có gốc mạnh lắm mới được tồn tại kiểu như vậy
Sáu “đại” cười khẩy:
– Chuyện, không mạnh sao dám hoành tá tráng vậy. Bà chủ quán này tên L. và ông P. cũng là chủ của hai nhà hàng lớn hàng đầu ở trung tâm. Họ đã không làm thì thôi, làm thì ra làm. Riêng cái karaoke này họ đã phải chi ra tới gần 40 tỉ. Ông không thấy giàn đèn cảm ứng theo nhạc à. Riêng khoản đèn như thế mỗi phòng đã tốn cả trăm triệu. Chịu chi như vậy nên giờ đêm nào bả cũng thu bộn tiền.
Lúc tính tiền, liếc qua cái hóa đơn gần 20 “củ” (triệu) trên tay Sáu “đại”… mắt tôi đứng hình, món nào cũng khét lẹt, phỏng tay. Đơn giản như cái hộp quẹt gaz người ta bán đầy đường với giá 3.000 đồng thì trong này có giá 30.000. Một hộp khăn giấy vuông tròm trèm 100.000… Đừng ngạc nhiên khi vào đây chơi phải lãnh một hóa đơn có thể lên đến vài chục “củ”.
Chỉ riêng khoản tiền giờ, trong hóa đơn ghi là tiền hát (mà không bao giờ hát) đã có thể nhảy lên đến con số chục triệu. “Đắt xắt ra miếng mà. Phòng chất, gái đẹp, an toàn. Dân chơi đổ về nườm nượp là lẽ đương nhiên” – Sáu “đại” cười nói.
Cũng theo lời anh ta, khách thường xuyên đến chơi nhà hàng dạng này tất nhiên không thể là người có thu nhập bình thường, hay hiểu cách khác hiếm người là dân kiếm tiền bằng những công việc chân chính…
Chỉ có giới làm banh, làm đề, cho vay nặng lãi hoặc những nhân vật có điều kiện kiếm tiền dưới bàn, búng tay kiếm bạc tỉ mới có thể bước vào đây mỗi ngày. Vậy nhưng khách vẫn được chia ra làm hai loại, khách thường và khách VIP.
– Khách thường sẽ được đối xử theo dạng thường, khách VIP sẽ được đối xử theo dạng vip, đời là thế mà. Có nhóm khách được xem là super vip từng nhiều lần vào ăn chơi ròng rã suốt ba ngày trời. Tổng hóa đơn và tiền boa cho đào hết hơn 200 triệu. Gặp những đại gia chịu chi như thế, đào cũng tranh thủ “bào” để kiếm tiền – Sáu “đại” kể.
Tôi biết đằng sau cái sự “bào” ấy là vô vàn sự ê chề và hậu quả. Sáu “đại” rất dày dạn chuyện này.
– Làm tiền nhiều thế đấy, thế nhưng sau này không biết đủ để lo thuốc thang chữa bệnh hay không – giữa cơn phê pha của “khay” của “kẹo”, cô đào ngồi bên tôi ngậm ngùi – Chưa cần biết ngày mai ra sao, hiện tại trong đây thiếu gì đứa bị sốc thuốc, bị vật thuốc do bị “gãy”, bị “sảng”. Làm một bữa nghỉ ba bốn ngày. Em còn nghe nói “cắn thuốc” nhiều mai mốt bị mục xương, hư não…
Tôi rất muốn nói gì đó với cô đào này, nhưng chưa kịp thì cô ta đã nhanh chân bước ra sau khi nhét vội mấy tờ tiền boa vào ngực. Bên ngoài mặt trời ngày mới đã lên, nhưng với cô ta là bóng đêm.
****************
“Đào rót, đào ôm giờ xưa như trái đất rồi. Phải là đào bay mới có bạc, có xèng”.
Kỳ tới: Đào bay
Tham khảo thêm: Đất RSX là gì? Quy định về đất rừng sản xuất: xây nhà, chuyển nhượng & thế chấp