Từ thực tiễn hành nghề, chúng tôi nhận thấy rằng, tài sản gắn liền với đất đang là chế định nhiều khách hàng chưa hiểu rõ và đưa ra các câu hỏi liên quan đến loại tài sản này. Vậy tài sản gắn liền với đất là gì? Loại tài sản này có được cấp Giấy chứng nhận không? Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề nêu trên.
Nội dung chính
- 1 Tài sản gắn liền với đất là gì?
- 2 Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất?
- 2.1 Thứ nhất: Thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất
- 2.2 Thứ hai: Tài sản không có tranh chấp
- 2.3 Thứ ba: Tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận
- 2.4 Thứ tư: Chủ sở hữu chuẩn bị bộ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định
Tài sản gắn liền với đất là gì?
Hiện pháp luật không đưa ra định nghĩa thế nào là tài sản gắn liền với đất mà chỉ liệt kê các loại tài sản gắn liền với đất.
Xem thêm: Tài sản gắn liền với đất là gì
Theo Điều 104 Luật Đất đai 2013, tài sản gắn liền với đất bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm. Căn cứ khoản 1 Điều 107 Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu tài sản gắn liền với đất là bất động sản, bao gồm nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất và tài sản khác gắn liền với đất đai. Khoản 4 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì liệt kê các loại tài sản gắn liền với đất sau: nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất?
Tài sản gắn liền với đất có đủ điều kiện thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận). Cụ thể bao gồm các điều kiện sau:
Thứ nhất: Thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Điều 104 Luật Đất đai 2013).
Đọc thêm: Xe công là gì? Cán bộ sử dụng xe công vào việc riêng sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo đó, chỉ các tài sản gắn liền với đất như nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm thuộc diện tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận. Những tài sản này phải tồn tại tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Điều này có nghĩa là những tài sản có tồn tại tại thời điểm chủ thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận nhưng đã bị hủy hoại dẫn đến không còn tồn tại trên thực tế thì cũng không được cấp.
Thứ hai: Tài sản không có tranh chấp
Khác với đất đai (thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu), tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của chủ thể tạo lập nên tài sản đó. Và bên cạnh các tranh chấp về quyền sử dụng đất, trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp tranh chấp tài sản gắn liền với đất, ví dụ: tranh chấp quyền sở hữu nhà ở. Tài sản đang có tranh chấp chưa thể xác định được ai là chủ sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất, do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho chủ thể có yêu cầu. Trong trường hợp này, chủ thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất phải giải quyết tranh chấp, xác định tài sản thuộc sở hữu của mình, làm cơ sở để được cấp Giấy chứng nhận.
Thứ ba: Tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của chủ thể nào thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho chủ thể đó.
Thứ tư: Chủ sở hữu chuẩn bị bộ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định
Do tài sản gắn liền với đất bao gồm nhiều loại tài sản như chúng tôi nêu trên, nên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở. Chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu.
Lưu ý:
Đối với cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân: Hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong các loại giấy tờ sau: Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật (gồm một trong các loại giấy tờ sau (được quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP; Nghị định 148/2020/NĐ-CP):
Tham khảo thêm: Thế nào là quyền định đoạt? Quyền định đoạt tài sản có bị hạn chế không?
Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994; Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật…
Đối với cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải có các giấy tờ sau: i/Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật về nhà ở; ii/ Một trong các giấy tờ của bên chuyển quyền sở hữu nhà ở.
Đối với cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài phải có giấy tờ sau:
– Một trong những giấy tờ về dự án phát triển nhà ở để kinh doanh (quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư) trong trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh
– Giấy tờ về giao dịch mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật về nhà ở.
– Trường hợp nhà ở đã xây dựng không phù hợp với các giấy tờ nêu trên thì phải có văn bản ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
Với những thông tin trên đây, chúng tôi tin rằng Quý khách hàng đã phần nào hiểu được về những quy định về tài sản gắn liền với đất. Trong trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc gì về bài viết cũng như vấn đề có liên quan, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện. Chúng tôi trân trọng được đồng hành và hỗ trợ Quý khách hàng một cách nhanh chóng và tận tâm nhất.
Đọc thêm: Bảo lãnh là gì? Khái niệm và đặc điểm của hoạt động bảo lãnh