Trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, thì việc xác định tuổi của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại… có ý nghĩa quan trọng để xác định tội danh, định khung hình phạt, quyết định hình phạt và áp dụng các biện pháp xử lý hình sự khác đối với người phạm tội. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, xác định tuổi của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi có ý nghĩa để xem xét áp dụng các thủ tục tố tụng thân thiện mà Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định đối với họ.
Xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội
Xem thêm: độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về mọi tội phạm (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác. Những tội phạm mà BLHS có quy định khác là những tội phạm có tuổi bắt đầu phải chịu TNHS cao hơn so với tuổi chịu TNHS tại Điều 12 BLHS năm 2015. Ví dụ, một số tội phạm sau đây đã được BLHS năm 2015 quy định tuổi bắt đầu chịu TNHS là đủ 18 tuổi trở lên: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325); Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329)…
Theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 BLHS năm 2015.
Theo khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 BLHS năm 2015 cũng phải chịu TNHS.
Trong quá trình xem xét, giải quyết nguồn tin về tội phạm, và quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, nếu có sự nghi ngờ về việc một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đủ tuổi chịu TNHS theo các quy định của BLHS thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết để xác định tuổi của người đó.
Thông thường, việc xác tuổi chịu TNHS của người bị nghi thực hiện tội phạm để giải quyết vấn đề TNHS của người đó căn cứ vào những tài liệu có ý nghĩa xác định tuổi như: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu…
Tuy nhiên, nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp cần thiết mà vẫn không xác định được chính xác tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị nghi ngờ là người chưa đủ tuổi chịu TNHS, thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để xem xét, giải quyết. Theo đó, nếu chỉ xác định được tháng, thì phải lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của người thực hiện hành vi; nếu chỉ xác định được quý, thì phải lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh của người thực hiện hành vi; nếu chỉ xác định được nửa của năm sinh thì phải lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh của người thực hiện hành vi; nếu chỉ xác định được năm sinh, thì phải lấy ngày 31/12 trong năm đó làm ngày, tháng sinh của người thực hiện hành vi.
Ví dụ: Ngày 15/8/2020, Trần Văn A thực hiện hành vi cướp xe máy trị giá 30.000.000 đồng. Quá trình điều tra, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết nhưng Cơ quan điều tra chỉ xác định được A sinh vào tháng 8/2006. Trong trường hợp này phải coi A sinh ngày 31/8/2006 để kết luận A chưa đủ 14 tuổi, nghĩa là chưa đủ tuổi chịu TNHS. Do vậy, không thể truy cứu TNHS đối với A về Tội cướp tài sản.
Trường hợp có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu xác định tuổi chịu TNHS của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc không xác định được năm sinh của người bị nghi ngờ là chưa đủ tuổi chịu TNHS thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành giám định để xác định tuổi. Trên cơ sở kết quả giám định tuổi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi tại kết luận giám định để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Hoàng Văn B thực hiện hành vi cướp tài sản, Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng không xác định được ngày, tháng, năm sinh của B nên đã đưa B đi giám định tuổi. Kết quả giám định xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, B có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 9 tháng đến 14 tuổi 5 tháng. Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra phải xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, B mới 13 tuổi 9 tháng (chưa đến tuổi chịu TNHS). Do vậy, không được truy cứu TNHS đối với Hoàng Văn B.
Xác định tuổi của người phạm tội khi xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số quy định về độ tuổi nhất định của người phạm tội được coi là một trong những tình tiết để xem xét áp dụng các quy định của BLHS về miễn TNHS, giảm nhẹ TNHS, giảm nhẹ hình phạt hoặc không áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất. Cụ thể: Người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn TNHS và áp dụng một trong những biện pháp giám sát, giáo dục ngoài những trường hợp miễn TNHS được áp dụng chung (khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015); người dưới 18 tuổi phạm tội có thể không phải chịu hình phạt (được miễn hình phạt) và bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 96 BLHS năm 2015; người dưới 18 tuổi phạm tội không bị áp dụng hình phạt tù chung thân và hình phạt tử hình (các điều 39, 40, khoản 5 Điều 91 BLHS năm 2015); mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định (Điều 99 BLHS năm 2015); ngoài những điều kiện chung, hình phạt cải tạo không giam giữ có thể được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; hình phạt cải tạo không giam giữ có thể được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và vô ý. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó (Điều 100 BLHS năm 2015); đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định (Điều 101 BLHS năm 2015); việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội sẽ được tổng hợp ở mức thấp hơn so với việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp người đủ 18 tuổi trở lên phạm nhiều tội (Điều 103 BLHS năm 2015); điều kiện giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có lợi hơn so với điều kiện giảm mức hình phạt đã tuyên áp dụng đối với người phạm tội đủ 18 tuổi trở lên (Điều 105 BLHS năm 2015); điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù và điều kiện không bị coi là có án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án có lợi hơn so với người đủ 18 tuổi (Điều 107 BLHS năm 2015); người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên là một tình tiết giảm nhẹ TNHS (điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015); người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử thì không bị áp dụng hình phạt tử hình (Điều 40 BLHS năm 2015)…
Cùng với việc xác định tuổi chịu TNHS, trong những trường hợp mà BLHS năm 2015 có quy định về độ tuổi nhất định của người phạm tội là tình tiết để xem xét áp dụng các quy định về miễn TNHS, giảm nhẹ TNHS, giảm nhẹ hình phạt hoặc không áp dụng những hình phạt nghiêm khắc (chung thân, tử hình…), thì việc xác định tuổi của người phạm tội phù hợp với quy định về tuổi được ghi nhận trong luật là điều kiện cần thiết để áp dụng những quy định có lợi cho họ.
Đối với các trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không xác định được chính xác tuổi của người phạm tội bị nghi ngờ là người dưới 18 tuổi thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào nguyên tắc suy đoán vô tội (và cũng phù hợp với quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015) để xác định tuổi. Cụ thể, nếu chỉ xác định được tháng sinh thì phải lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của người phạm tội; nếu chỉ xác định được quý thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh của người phạm tội; nếu chỉ xác định được nửa của năm sinh thì phải lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của nửa năm đó làm ngày, tháng sinh của người phạm tội; nếu chỉ xác định được năm sinh thì phải lấy ngày 31/12 trong năm đó làm ngày, tháng sinh của người phạm tội.
Trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu xác định tuổi của người phạm tội hoặc không xác định được năm sinh của người phạm tội nhưng nghi ngờ người phạm tội có thể là người dưới 18 tuổi thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành giám định tuổi. Trên cơ sở kết quả giám định tuổi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được trong kết luận giám định để xác định tuổi của họ.
Đối với các trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người phạm tội bị nghi ngờ là người đủ 70 tuổi trở lên (là điều kiện áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS) hoặc đủ 75 tuổi trở lên (là điều kiện để không áp dụng hình phạt tử hình), thì việc xác định tuổi của người phạm tội phải theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội. Theo đó, nếu chỉ xác định được tháng sinh thì phải lấy ngày 01 của tháng đó làm ngày sinh của người phạm tội; nếu chỉ xác định được quý, thì phải lấy ngày 01 của tháng đầu tiên trong quý đó làm ngày, tháng sinh của người phạm tội; nếu chỉ xác định được nửa của năm thì phải lấy ngày 01 của tháng đầu tiên trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh của người phạm tội; nếu chỉ xác định được năm sinh thì phải lấy ngày 01/01 trong năm đó làm ngày, tháng sinh của người phạm tội.
Ví dụ: Ngày 13/6/2020, Nguyễn Văn B thực hiện hành vi hủy hoại tài sản của người khác theo khoản 3 Điều 178 BLHS năm 2015. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết nhưng chỉ xác định được B sinh vào năm 1950 mà không xác định được B sinh ngày, tháng nào của năm 1950. Trong trường hợp này, phải coi B sinh ngày 01/01/1950 để kết luận B đã trên 70 tuổi. Do vậy, cần phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Tìm hiểu thêm: Người có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự
Trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu để xác định tuổi của người phạm tội hoặc không xác định được năm sinh của người phạm tội bị nghi ngờ là người đủ 70 tuổi trở lên hoặc đủ 75 tuổi trở lên, thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành giám định để xác định tuổi. Trên cơ sở kết quả giám định tuổi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải lấy tuổi cao nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được trong kết luận giám định để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Lê Ngọc C phạm tội giết người thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, tập trung nhiều tình tiết định khung hình phạt tăng nặng tại khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015, có mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng là tử hình. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được ngày, tháng, năm sinh của C nhưng nghi ngờ C có thể trên 75 tuổi nên đã đưa C đi giám định tuổi. Kết quả giám định xác định C có độ tuổi trong khoảng từ 74 tuổi 9 tháng đến 75 tuổi 5 tháng. Trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định tuổi của C là 75 tuổi 5 tháng (trên 75 tuổi) để không áp dụng hình phạt tử hình đối với C.
Xác định tuổi của người bị hại khi xem xét giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự
Với một số tội phạm được quy định trong BLHS thì dấu hiệu tuổi của người bị hại là dấu hiệu định tội. Ví dụ: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153); Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329)…
Một số tội phạm được quy định trong BLHS năm 2015 có dấu hiệu tuổi của người bị hại là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Ví dụ: Điểm c khoản 3 Điều 142; khoản 4 Điều 143; điểm đ khoản 2 các điều 249, 250, 252; điểm e khoản 2 Điều 251; điểm g khoản 2 các điều 253, 254; điểm c khoản 2 các điều 255, 256; điểm d khoản 2 các điều 257, 258…
Trong số các tình tiết tăng nặng TNHS tại Điều 52 BLHS năm 2015, tình tiết dưới 16 tuổi và đủ 70 tuổi trở lên của đối tượng tác động của tội phạm (người bị hại) được coi là một tình tiết tăng nặng TNHS (điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015).
Đối với các trường hợp trên, việc xác định tuổi của người bị hại có ý nghĩa trong việc xem xét giải quyết vấn đề TNHS (định tội, định khung hình phạt, áp dụng các biện pháp xử lý hình sự khác đối với người phạm tội).
Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội của một người có dấu hiệu của tội phạm mà tuổi của người bị hại là dấu hiệu định tội, định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng TNHS thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định rõ tuổi của người bị hại. Trường hợp đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết nhưng không thể xác định được chính xác tuổi của người bị hại làm căn cứ để định tội, định khung hình phạt hoặc để áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS, thì phải kết luận trên cơ sở nguyên tắc suy đoán vô tội mà nội dung cốt lõi của nó là mọi nghi ngờ đối với người bị nghi là có tội (nghi là thực hiện tội phạm), nếu không thể được làm sáng tỏ bằng các biện pháp hợp pháp theo trình tự, thủ tục do luật định thì phải được kết luận, giải quyết theo hướng có lợi cho người bị nghi thực hiện tội phạm. Theo đó, khi xem xét giải quyết vấn đề TNHS của người bị nghi là thực hiện tội phạm liên quan đến việc xác định tuổi của người bị hại, thì phải được giải quyết như sau: Nếu chỉ xác định được tháng sinh thì lấy ngày 01 của tháng đó làm ngày sinh của người bị hại; trường hợp chỉ xác định được quý thì lấy ngày 01 của tháng đầu tiên trong quý đó làm ngày, tháng sinh của người bị hại; trường hợp chỉ xác định được nửa của năm thì lấy ngày 01 của tháng đầu tiên trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh của người bị hại; trường hợp chỉ xác định được năm thì lấy ngày 01/01 trong năm đó làm ngày, tháng sinh của người bị hại.
Ví dụ: Lê Văn Đ (16 tuổi) có quan hệ tình cảm với Nguyễn Thị L là bạn học cùng trường. Ngày 23/9/2020, Đ rủ L vào nhà nghỉ. Tại đây, hai người đã có hành vi quan hệ tình dục. Vụ việc sau đó bị phát hiện. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp cần thiết nhưng chỉ xác định được Nguyễn Thị L sinh vào tháng 9/2007 mà không thể xác định được ngày sinh cụ thể. Trong trường hợp này, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, Cơ quan điều tra phải xác định Nguyễn Thị L sinh vào ngày 01/9/2007 để kết luận vào thời điểm Lê Văn Đ và Nguyễn Thị L thực hiện hành vi quan hệ tình dục thì Nguyễn Thị L đã trên 13 tuổi (13 tuổi 15 ngày). Do vậy, không thể truy cứu TNHS đối với Lê Văn Đ về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015.
Trường hợp có sự nghi ngờ về những tài liệu xác định tuổi của người bị hại hoặc đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp cần thiết nhưng không xác định được năm sinh của người bị hại liên quan đến việc giải quyết vấn đề TNHS của người bị nghi là thực hiện tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành giám định để xác định tuổi của người bị hại. Trên cơ sở kết quả giám định tuổi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải lấy tuổi cao nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được trong kết luận giám định để xác định tuổi của người bị hại nhằm xem xét TNHS của người bị buộc tội.
Ví dụ: Trong vụ việc trên, Đ (16 tuổi) có hành vi quan hệ tình dục (thuận tình) với L bị nghi ngờ là người dưới 13 tuổi, Cơ quan điều tra đã đưa L đi giám định tuổi. Kết luận giám định xác định L có độ tuổi trong khoảng từ 12 tuổi 9 tháng đến 13 tuổi 5 tháng thì Cơ quan điều tra phải xác định tuổi của L là 13 tuổi 5 tháng. Do vậy, không thể truy cứu TNHS đối với Đ về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015.
Xác định tuổi của người bị buộc tội, tuổi của người bị hại khi xem xét áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi
Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dưới 18 tuổi, một đối tượng yếu thế trong xã hội cần được quan tâm bảo vệ đặc biệt, BLTTHS năm 2015 đã quy định về thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại và người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại Chương XXVIII (từ Điều 413 đến Điều 430). Việc quy định thủ tục tố tụng riêng áp dụng đối với một số người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng là nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của họ khi tham gia các hoạt động tố tụng hình sự.
Để bảo đảm mọi trường hợp người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi đều được áp dụng các thủ tục tố tụng thân thiện, Điều 417 BLTTHS năm 2015 đã quy định về nguyên tắc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi trong trường hợp áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của họ.
Căn cứ quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015, Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018) đã hướng dẫn: Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu.
Tìm hiểu thêm: Người có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự
Trường hợp các giấy tờ, tài liệu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Tham khảo thêm: Chế tài là gì ? Cho ví dụ về chế tài ? Nguồn gốc, ý nghĩa của chế tài ?
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 để xác định tuổi của họ. Theo đó, trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh. Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh. Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh. Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 đều thể hiện rõ việc xác định tuổi trong trường hợp có nghi ngờ về tuổi mà không thể xác định được chính xác tuổi thì phải được kết luận theo hướng có lợi nhất cho người bị buộc tội và người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, cần lưu ý là, Điều 417 BLTTHS năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 nêu trên chủ yếu được áp dụng trong trường hợp xác định tuổi của người bị buộc tội và người bị hại bị nghi ngờ là người dưới 18 tuổi khi xem xét áp dụng thủ tục tố tụng tại Chương XXVIII BLTTHS năm 2015. Các quy định này không được áp dụng khi xác định tuổi của người bị buộc tội bị nghi ngờ là người đủ 70 tuổi trở lên (khi xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS) hoặc đủ 75 tuổi trở lên (khi xem xét hình phạt tử hình) và cũng không được áp dụng khi xác định tuổi của người bị hại liên quan đến việc giải quyết vấn đề TNHS của người bị nghi là thực hiện tội phạm.
Như đã phân tích, trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết mà không xác định được chính xác tuổi của người phạm tội bị nghi ngờ là người đủ 70 tuổi trở lên để có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS hoặc bị nghi ngờ là đủ 75 tuổi trở lên để không áp dụng hình phạt tử hình thì việc xác định tuổi của họ phải theo hướng họ là người có tuổi cao nhất trong khoảng tuổi đã được xác định bằng các tài liệu đã xác định được về tháng, quý, năm, nửa năm hoặc năm sinh của người phạm tội hoặc bằng kết quả giám định tuổi.
Khi giải quyết vấn đề TNHS có liên quan đến việc xác định tuổi của người bị hại mà không biết được chính xác tuổi của họ mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết, thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định tuổi của người bị hại theo nguyên tắc suy đoán vô tội mà tư tưởng chủ đạo của nó là mọi nghi ngờ đối với người bị nghi thực hiện tội phạm (bao gồm người bị buộc tội, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố…) nếu không thể được làm sáng tỏ bằng các biện pháp hợp pháp theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì phải được kết luận, giải quyết theo hướng có lợi cho người bị nghi thực hiện tội phạm.
Ví dụ 1: Ngày 15/10/2020, Trần Hiếu T (19 tuổi) có hành vi mua dâm Nguyễn Thanh M. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được Nguyễn Thanh M sinh vào tháng 10/2002 mà không xác định được ngày sinh của M. Trong trường hợp này, căn cứ nguyên tắc suy đoán vô tội, phải lấy ngày 01/10/2002 là ngày sinh của M để quy kết khi Trần Hiếu T thực hiện hành vi mua dâm M thì Nguyễn Thanh M đã trên 18 tuổi. Do vậy, không thể truy cứu TNHS đối với Trần Hiếu T về Tội mua dâm người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 329 BLHS năm 2015.
Ví dụ 2: Ngày 05/11/2020, Nguyễn Hữu V (17 tuổi) có hành vi hiếp dâm đối với Lê Thị H. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không thu thập được các tài liệu xác định tuổi của H nên đưa H đi giám định tuổi. Kết quả giám định xác định Lê Thị H có độ tuổi trong khoảng từ 15 tuổi 10 tháng đến 16 tuổi 06 tháng. Trong trường hợp này, phải xác định tuổi của H là 16 tuổi 06 tháng để truy cứu TNHS đối với V về Tội hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 (mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù) mà không được truy cứu TNHS đối với V về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 BLHS năm 2015 (mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù).
Như vậy, Điều 417 BLTTHS năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 về việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ có thể được viện dẫn áp dụng để xem xét áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nếu việc áp dụng đó không trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Nếu việc áp dụng Điều 417 BLTTHS năm 2015 và Điều 6/2018 Thông tư liên tịch số 06 trái với nguyên tắc suy đoán vô tội thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để giải quyết.
Một số đề xuất, kiến nghị
Qua nghiên cứu vấn đề xác định tuổi khi giải quyết vấn đề TNHS và áp dụng thủ tục tố tụng đối với dưới 18 tuổi, chúng tôi có một số đề xuất sau đây:
Một là, Điều 431 Chương XXVIII BLTTHS năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định phạm vi áp dụng của Chương này là đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Điều 417 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Việc không quy định việc xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 là thiếu thống nhất với Điều 413 BLTTHS năm 2015.
Mặt khác, ngoài người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, thì những người tham gia tố tụng khác là người dưới 18 tuổi bị nghi thực hiện tội phạm như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng cần được áp dụng các thủ tục tố tụng thân thiện để bảo đảm tốt nhất các quyền, lợi ích của người dưới 18 tuổi. Ví dụ: Khi lấy lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người dưới 18 tuổi cũng cần có sự tham gia của người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do vậy, theo chúng tôi, Điều 413 BLTTHS năm 2015 nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng cả đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi. Cùng với đó, Điều 417 BLTTHS năm 2015 cũng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định những người cần xác định tuổi không chỉ là người bị buộc tội, người bị hại mà còn có người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi. Các điều luật khác có liên quan (Điều 420, Điều 421 BLTTHS năm 2015) cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Điều 413 và Điều 417 BLTTHS năm 2015 sửa đổi.
Hai là, Điều 417 BLTTHS năm 2015 quy định về “Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi” thuộc Chương XXVIII “Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi”. Như vậy, cần phải hiểu việc xác định tuổi người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 chủ yếu để xem xét áp dụng các quy định về thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích của họ chứ không phải nhằm giải quyết vấn đề TNHS (định tội, định khung hình phạt, xem xét quyết định miễn TNHS, miễn hình phạt, quyết định hình phạt… đối với người phạm tội). Khi xem xét giải quyết vấn đề TNHS đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp tuổi của người bị hại được quy định là dấu hiệu định tội, định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng TNHS mà trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại không thể xác định được chính xác tuổi của người đó, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết, thì không được áp dụng Điều 417 BLTTHS năm 2015 để xác định tuổi của người bị hại, vì áp dụng như vậy sẽ trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Để giải quyết vấn đề TNHS trong các trường hợp trên, nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp cần thiết theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định mà không thể xác định được chính xác tuổi của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lấy tuổi cao nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được qua các tài liệu xác định tháng, quý, năm sinh hoặc qua kết quả giám định tuổi, trừ trường hợp xác định tuổi của người là đối tượng tác động của tội phạm mà nghi họ là người đủ 70 tuổi trở lên, được coi là tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, nhưng không thể xác định được chính xác tuổi mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết thì lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Để tránh những nhận thức và áp dụng khác nhau theo Điều 417 BLTTHS năm 2015 thì nên bổ sung một khoản theo hướng Điều 417 không được áp dụng để giải quyết vấn đề TNHS đối với người bị nghi thực hiện tội phạm hoặc người phạm tội nếu việc áp dụng đó trái với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Ba là, trên cơ sở Điều 31 Hiến pháp năm 2013, Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Theo đó, đối tượng được suy đoán vô tội là người bị buộc tội. Điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định “người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.
Theo chúng tôi, nguyên tắc suy đoán vô tội cần phải được áp dụng cho bất cứ ai bị nghi thực hiện tội phạm, không chỉ là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người tự thú, đầu thú mà đối với họ chưa có quyết định tạm giữ hoặc chưa có quyết định khởi tố bị can. Việc xác định tuổi của những người này khi xem xét giải quyết vấn đề TNHS cũng phải được dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
Bởi vậy, có thể thay thuật ngữ “người bị buộc tội” bằng thuật ngữ “người bị nghi thực hiện tội phạm” trong nguyên tắc suy đoán vô tội. Đồng thời, có sự giải thích về khái niệm người bị nghi thực hiện tội phạm rộng hơn so với khái niệm người bị buộc tội. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự theo hướng bổ sung quy định: Mọi nghi ngờ đối với người bị nghi thực hiện tội phạm nếu không được làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì phải được kết luận, giải quyết theo hướng có lợi cho người bị nghi thực hiện tội phạm./.
Phạm Mạnh Hùng