Nội dung chính
1. Nghĩa vụ là gì?
Nghĩa vụ là cách xử sự mà chủ thể buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận ràng buộc bởi chính các bên nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.
Ví dụ:
Xem thêm: Nghĩa vụ pháp lý là gì
Doanh nghiệp A và doanh nghiệp B ký một hợp đồng mua bán thiết bị văn phòng phẩm. Trong đó, doanh nghiệp A là người bán hàng, doanh nghiệp B là người mua hàng. Trong quan hệ pháp luật dân sự này, doanh nghiệp A có nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng; nghĩa vụ của doanh nghiệp B là phải trả tiền đủ và đúng thời hạn đối với số lượng hàng đã nhận.
Giữa quyền và nghĩa vụ luôn có mỗi quan hệ chặt chẽ và đối lưu cho nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Quyền được hiểu là khả năng của chủ thể được xử sự theo những cách nhất định mà pháp luật cho phép. Nhìn chung, không có quyền nằm ngoài mối liên hệ với nghĩa vụ, ngược lại cũng không có nghĩa vụ nằm ngoài mối liên hệ với quyền.
Qua những phân tích nêu trên ta thấy được rằng quyền và nghĩa vụ luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
– Nghĩa vụ pháp lý nói chung bao gồm những xử sự nào?
Nghĩa vụ pháp lý bao gồm những xử sự sau:
+ Phải tiến hành một số hoạt động nhất định;
+ Phải kiềm chế không thực hiện một số hoạt động nhất định;
+ Phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xử sự không đúng với những quy định của pháp luật.
2. Về nghĩa vụ pháp lý của con người trong pháp luật
Tham khảo thêm: Người cao tuổi là bao nhiêu tuổi?
Nghĩa vụ pháp lý của con người là cách xử sự (việc, công việc, hành vi) do pháp luật quy định mà con người buộc phải thực hiện (phải làm hoặc không được làm), nhằm đem lại trật tự cho xã hội và nguồn lực cho quốc gia.
Nghĩa vụ pháp lý của con người có các điểm đặc thù cơ bản: (i) Được pháp luật (pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia) ghi nhận một cách cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ cả về nội dung lẫn hình thức. (ii) Có phạm vi tác động rộng lớn trong quốc gia, thậm chí vượt khỏi biên giới quốc gia (công dân đi ra nước ngoài vẫn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia mà họ mang quốc tịch). Đối tượng tác động (chủ thể phải thực thi nghĩa vụ) của nghĩa vụ pháp lý thường là mọi người (cũng là công dân). Nghĩa vụ pháp lý do Nhà nước quy định trong pháp luật nên thường được phổ biến bằng hệ thống cơ quan nhà nước. (iii) Có tính ràng buộc cao vì được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế, là các biện pháp nghiêm khắc hơn so với các biện pháp xã hội khác. Nếu chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ pháp lý của con người thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý (giam giữ, phạt tiền, lao động công ích…).
Nghĩa vụ con người trong pháp luật có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau, theo Hiến pháp và các bộ luật bao gồm các lĩnh vực của đời sống xã hội như nghĩa vụ kinh tế, nghĩa vụ chính trị, nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ văn hóa, nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ môi trường…, hoặc chia thành nghĩa vụ cơ bản (bảo vệ Tổ quốc, đóng thuế, bảo vệ môi trường…) và nghĩa vụ chi tiết (xe đi đúng làn đường, đúng tốc độ…), hoặc theo phạm vi thì chia thành nghĩa vụ trong pháp luật quốc tế và trong pháp luật quốc gia…
3. Mục đích, ý nghĩa của việc quy định nghĩa vụ con người trong pháp luật
Thứ nhất, khẳng định tầm quan trọng và tính phổ quát của nghĩa vụ con người
Pháp luật luôn được công khai với mọi đối tượng, có khả năng tác động đến mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, có khả năng tác động đến mọi vùng miền lãnh thổ trong phạm vi quản lý của chính quyền. Không những thế, khi nghĩa vụ con người được quy định trong các văn kiện quốc tế thì phạm vi tác động của nó còn mở rộng ra khỏi biên giới của một quốc gia, thậm chí là ảnh hưởng toàn cầu nếu có nhiều quốc gia tham gia ký kết. Vì vậy, việc quy định nghĩa vụ con người trong pháp luật là sự xác lập vị thế quan trọng và tính phổ quát của nghĩa vụ con người trong đời sống xã hội, khác với những nghĩa vụ con người chỉ tồn tại trong phong tục tập quán địa phương hay ý thức đạo đức cá nhân.
Thứ hai, tăng tính ràng buộc trong việc thực thi nghĩa vụ con người
Pháp luật mang tính bắt buộc đối với mọi cá nhân, được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế… trong đó, quan trọng nhất là biện pháp cưỡng chế nhà nước. Ở bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại một bộ phận không nhỏ các cá nhân thiếu ý thức tự giác, không chịu chấp hành pháp luật. Đối với những đối tượng đó, các biện pháp như tuyên truyền, giáo dục không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Nhà nước cần phải dùng biện pháp cưỡng chế của pháp luật mới có thể thiết lập được trật tự ổn định xã hội. Pháp luật có được sức mạnh này chính là nhờ sức mạnh của Nhà nước, sức mạnh của bộ máy chuyên nghiệp, chuyên môn làm nhiệm vụ cưỡng chế. Khi nghĩa vụ con người được quy định trong pháp luật, các cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh, không phụ thuộc vào ý chí của họ có muốn hay không. Điều này cũng góp phần tạo ra sự công bằng và bình đẳng trong việc thực thi nghĩa vụ của các cá nhân.
Thứ ba, nâng cao ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của cá nhân đối với cộng đồng
Khi pháp luật được ban hành một cách công khai và rộng rãi, bắt buộc các cá nhân trong xã hội phải “nắm bắt” được chúng. Với vai trò định hướng tư tưởng và hành vi của con người, pháp luật buộc các cá nhân phải hình thành thói quen suy nghĩ và hành động hợp pháp, tuân thủ, tôn trọng pháp luật. Việc quy định nghĩa vụ con người trong pháp luật sẽ góp phần nâng cao ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của cá nhân đối với cộng đồng. Thông qua các quy định của pháp luật, các cá nhân sẽ biết chính xác và cụ thể những hành vi nào buộc phải thực hiện, hành vi nào bị cấm thực hiện để hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình. Từ đó, các cá nhân có cơ sở để lựa chọn và thực hiện hành vi một cách phù hợp.
Thứ tư, tạo điều kiện cho mỗi người phát huy năng lực cá nhân, từ đó khẳng định giá trị bản thân thông qua nghĩa vụ con người.
Việc nghĩa vụ con người được quy định trong pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể sẽ tạo nên cơ chế thúc đẩy các cá nhân phát huy năng lực của mình trong lao động, sản xuất. Nhà nước và cộng đồng sẽ có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân thực hiện tốt nhất nghĩa vụ của mình. Chính việc thực thi nghĩa vụ làm cho con người có giá trị giữa cuộc đời. Xã hội phát triển là nhờ có nhiều cá nhân cống hiến nhiều hơn thụ hưởng. Trong cộng đồng, rất nhiều cá nhân sẵn sàng cống hiến thực thi nghĩa vụ vượt hơn yêu cầu của pháp luật. Đơn cử trong lĩnh vực môi trường, không chỉ thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nhiều cá nhân còn tự nguyện tham gia vào các hoạt động cải tạo môi trường như thu gom, tái chế rác thải, trồng cây gây rừng… Chính sự cống hiến này đã làm cho phẩm giá của bản thân họ được nâng cao.
Đọc thêm: Khế ước xã hội là gì
Thứ năm, tạo nên sự cân bằng trong nhận thức giữa quyền con người và nghĩa vụ con người
Việc quy định nghĩa vụ con người trong pháp luật còn có ý nghĩa to lớn nhằm tạo nên sự cân bằng giữa quyền con người và nghĩa vụ con người trong nhận thức của mỗi cá nhân và nhận thức chung của cộng đồng. Pháp luật bảo vệ quyền con người, tạo điều kiện để các cá nhân thụ hưởng quyền con người. Đồng thời, pháp luật cũng phải quy định việc thực thi các nghĩa vụ con người một cách cụ thể nhằm tránh tạo ra nhận thức thiên lệch về quyền con người trong mối tương quan với nghĩa vụ con người. Nhận thức thiên lệch đó có thể gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội khi con người chú tâm đòi hỏi quyền nhiều mà lãng quên nghĩa vụ của chính mình. Nhà nước chỉ đóng vai trò là chủ thể điều phối giữa quyền con người và nghĩa vụ con người. Nhà nước không tự mình cung cấp các quyền con người hay tự đặt ra các nghĩa vụ cho con người. Các cá nhân muốn được hưởng nhiều quyền thì buộc phải thực thi nhiều nghĩa vụ để tạo nên nguồn lực dồi dào cho xã hội. Nhà nước chỉ đóng vai trò trung gian điều phối nguồn lực này, chuyển hóa nguồn lực này thành quyền lợi cho các cá nhân, cho cộng đồng.
Cơ chế bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật thường được chia thành hai nhóm là cơ chế pháp lý (cơ chế nhà nước) và cơ chế xã hội. Hai cơ chế này có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau để việc thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật được chính xác và hiệu quả.
4. Cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật
Cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật được hiểu là cách sắp xếp, tổ chức hoạt động của các thiết chế do Nhà nước thiết lập nhằm xác lập và bảo đảm cho các cá nhân thực thi nghĩa vụ con người một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật. Cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người có cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật về nghĩa vụ con người, kể cả những điều ước quốc tế liên quan tới nghĩa vụ con người mà Nhà nước ký kết, tham gia (nội luật hóa).
Trong các cơ chế bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người thì cơ chế pháp lý được xem là hiệu quả hơn cả. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực thi nghĩa vụ con người đều phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định pháp luật về nghĩa vụ con người. Theo tinh thần của pháp luật, từng nghĩa vụ dù nhỏ hay lớn đều cần phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, tránh nói chung chung trừu tượng, để giúp cho việc thực thi được dễ dàng, hiệu quả. Vì thế, khi quy định nghĩa vụ con người, các nhà làm luật phải nghiên cứu, bảo đảm toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luật đó là nhất quán, không mâu thuẫn, bổ sung lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, để khi thực thi một nghĩa vụ này có thể có thêm cơ sở để thực thi nghĩa vụ khác.
Mỗi quốc gia tùy theo các giai đoạn phát triển khác nhau của mình, phù hợp với điều kiện phát triển sẽ xây dựng các cơ chế pháp lý đặc thù trong việc bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người. Cơ chế pháp lý đó sẽ liên quan đến các cơ quan xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về nghĩa vụ con người.
5. Cơ chế xã hội bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật
Bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật bằng cơ chế pháp lý (cơ chế nhà nước) là chủ yếu. Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế pháp lý, một số cơ chế xã hội khác cũng có vai trò quan trọng để hỗ trợ việc thực thi nghĩa vụ con người như cơ chế đạo đức, cơ chế tín điều tôn giáo, cơ chế quy định của tổ chức không phải nhà nước, cơ chế giáo dục gia đình… Cơ chế xã hội chỉ có tính chất hỗ trợ cho cơ chế pháp lý trong việc bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người chứ không đủ mạnh như cơ chế pháp lý.
– Cơ chế đạo đức: Để nghĩa vụ con người được thực thi đầy đủ, ai cũng cần phải được hiểu rất rõ về mối tương quan giữa quyền và nghĩa vụ. Thực tế đã chứng minh, dù có quy định chặt chẽ đến đâu, pháp luật vẫn có thể tồn tại những “kẽ hở”. Nếu chưa đủ đạo đức và nhận thức, con người sẽ có khuynh hướng lợi dụng các kẽ hở này để trốn tránh việc thực thi nghĩa vụ. Ngược lại, nếu có nhận thức đúng đắn và phẩm chất đạo đức tốt đẹp, mỗi cá nhân sẽ hình thành ý thức tự giác, tự nguyện để hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình, thậm chí thực thi vượt hơn yêu cầu của pháp luật và xã hội.
– Cơ chế tôn giáo: Trong suốt lịch sử phát triển của xã hội loài người, vai trò của tôn giáo tác động đến đời sống của xã hội loài người luôn được khẳng định. Tín điều tôn giáo luôn là một yếu tố quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của con người song song với pháp luật (ở các nước Hồi giáo, pháp luật lệ thuộc vào tín điều tôn giáo). Trách nhiệm của tín đồ trong các tôn giáo (cả tu sĩ và tín đồ tại gia) cũng có sự tương thích với nghĩa vụ của con người trong pháp luật. Điều lệ tôn giáo nên quy định một số nghĩa vụ của tín đồ tương tự như nghĩa vụ con người trong pháp luật bao gồm: Nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ yêu nước, nghĩa vụ bảo vệ hòa bình thế giới, nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác đạo, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghĩa vụ đóng góp cho cộng đồng, những hoạt động thiện nguyện, trách nhiệm tu dưỡng đạo đức… Khi tham gia một tôn giáo, tín đồ sẽ được hướng dẫn các nội quy đặc thù của tôn giáo đó, sẽ được giảng dạy về trách nhiệm (nghĩa vụ) đối với tôn giáo và đối với cộng đồng của mình. Những nội quy đó sẽ giúp cho các thành viên mới tìm thấy sự hòa nhập trong môi trường sinh hoạt tôn giáo của mình và cũng không trở thành xa cách với cộng đồng bên ngoài. Những sự thực thi nghĩa vụ chính đáng như thế sẽ giúp cho uy tín của tôn giáo được tăng lên và đóng góp cho sự thịnh vượng của cộng đồng.
– Cơ chế quy định của tổ chức không phải nhà nước: Quy định của các tổ chức không phải nhà nước là tổng thể các nội quy, điều lệ, quy tắc xử sự… do các tổ chức đặt ra để điều chỉnh những quan hệ xã hội trong nội bộ của những tổ chức đó. Nghĩa vụ của các thành viên được quy định rõ ràng và mang tính chất bắt buộc thực hiện. Một số nghĩa vụ là sự cụ thể hóa nghĩa vụ con người trong pháp luật vào trong môi trường của từng tổ chức khác nhau. Các tổ chức cũng thiết lập các cơ chế giám sát việc thực thi nghĩa vụ, thiết lập nguyên tắc phân cấp, phân quyền, các thành viên giám sát chéo và trình báo sai phạm của nhau lên cấp trên. Những tổ chức có quy mô lớn thường sẽ có bộ phận chuyên trách việc này. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật như hệ thống camera giám sát, phần mềm trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ; áp dụng các hình thức khen thưởng – kỷ luật, trách nhiệm bồi thường luôn là một phần không thể thiếu trong cơ chế quy định của tổ chức. Quy định của các tổ chức là cầu nối đưa nghĩa vụ con người trong pháp luật vào cuộc sống, tạo điều kiện cho việc thực thi nghĩa vụ con người được tốt hơn, nhất là những lĩnh vực, phạm vi mà pháp luật không điều chỉnh. Các biện pháp kỷ luật mà quy định của các tổ chức đặt ra đối với việc vi phạm nghĩa vụ của các thành viên cũng chính là sự bổ sung quan trọng cho các chế tài của pháp luật về nghĩa vụ con người.
Xã hội ngày càng phát triển, quyền con người càng được coi trọng và đề cao thì nghĩa vụ con người, nghĩa vụ công dân càng cần được quan tâm đúng mức và đảm bảo cân bằng với nhận thức về quyền. Ở góc độ pháp lý, việc quy định của Nhà nước về quyền và cơ chế thực thi nghĩa vụ để đảm bảo con người nhận thức và thực hiện đúng và ở cấp độ cao hơn là có tinh thần cống hiến, phụng sự cho xã hội. Điều đó sẽ làm gia tăng các giá trị nhân văn của con người trong một xã hội phát triển ngày càng văn minh, giảm thiểu gánh nặng xã hội, tránh cạn kiệt nguồn lực chung của vũ trụ và xã hội. Để đạt được mục đích trên, cần vận dụng hiệu quả các cơ chế thực thi nghĩa vụ, phát huy vai trò của các cơ chế ngoài nhà nước.
Tìm hiểu thêm: Phương án kinh doanh là gì