Biến động đất đai là gì?
Đăng ký biến động đất đai là một thủ tục phổ biến đối với người sử dụng đất. Đăng ký biến động đất đai được hiểu là khi có sự thay đổi về thông tin thửa đất như xây nhà hoặc các công trình khác trên đất thì phải tiến hành thủ tục đăng ký biến động nhà đất. Vậy biến động đất đai là gì? Để hiểu rõ hơn về biến động đất đai là gì, Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
Xem thêm: Biến động đất đai là gì
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật đất đai 2013
Nghị định 91/2019/NĐ-CP
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Đăng ký biến động đất đai là gì?
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013, đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 3 thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính thì Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là đăng ký biến động) là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
– Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
– Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
– Chuyển mục đích sử dụng đất;
– Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
– Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013.
– Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
Tìm hiểu thêm: Lệ phí trước bạ là gì? Khi nào phải nộp lệ phí trước bạ?
– Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
– Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
– Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
– Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Đăng ký biến động đất đai là nghĩa vụ của người sử dụng đất. Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai như trên, nếu không đăng ký có thể bị phạt tiền.
2. Thủ tục đăng ký biến động đất đai
Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu giải quyết thủ tục chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo thành phần sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan.
– Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.
– Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
– Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm các giấy tờ sau đây:
+ Bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận;
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc công nhận việc thay đổi thông tin pháp nhân đối với trường hợp thay đổi thông tin về pháp nhân của tổ chức đã ghi trên Giấy chứng nhận.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
Tìm hiểu thêm: Đất TSC là gì? Những điểm cần lưu ý trong quá trình sử dụng
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ thì Văn phòng đăng ký đất đai hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
+ Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì Văn phòng đăng ký sẽ hướng dẫn cụ thể (01 lần, bằng Phiếu hướng dẫn) để người nộp hồ sơ biết cung cấp, bổ sung đúng quy định.
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Tiếp nhận, in Phiếu biên nhận, hẹn ngày trả kết quả.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra từng trường hợp đăng ký biến động đất đai và thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Bước 4: Nhận kết quả.
3. Xử lý về hành vi không đăng ký đất đai
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, các trường hợp vi phạm không đăng ký đất đai sẽ bị xử lý như sau:
– Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 của Luật đất đai 2013 tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
– Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và 1 khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai 2013 tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai 2013 mà không thực hiện đăng ký biến động;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai 2013 mà không thực hiện đăng ký biến động.
– Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP .
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp vi phạm: Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Trên đây là tư vấn của Phamlaw đối với biến động đất đai là gì? Như vậy khi rơi vào các trường hợp cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động như trên thì người sử dụng đất cần thực hiện việc đăng ký biến động để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu quý khách hàng đang cần một đơn vị thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai thì vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 0967 370 488 hoặc 0967 370 488 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.
Tìm hiểu thêm: Số định danh cá nhân là gì