logo-dich-vu-luattq

Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

1. Hồ sơ vụ án, vụ việc là gì?

Hồ sơ vụ án, vụ việc là tập hợp những tài liệu, vật chứng được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đầy đủ để phục vụ cho việc giải quyết vụ án, vụ việc đúng pháp luật.

Hồ sơ vụ án, vụ việc bao gồm hồ sơ vụ án hình sự; hồ sơ vụ án dân sự, hồ sơ việc dân sự; hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại, hồ sơ việc kinh doanh, thương mại; hồ sơ vụ án lao động, hồ sơ việc lao động; hồ sơ vụ án hành chính.

Xem thêm: Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

2. Khái niệm về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc

Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc là hành vi của người trực tiếp thụ lý, quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc hoặc người khác được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc, thực hiện hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.

So sánh Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với Điều 300 BLHS trước đây, thấy điều luật mới có 03 sửa đổi cơ bản: Thứ nhất, bổ sung hồ sơ vụ việc cũng là đối tượng của tội này; thứ hai, tuy tên tội danh không sửa đổi (Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án), nhưng cấu thành điều luật sửa đổi cơ bản “nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc” (luật cũ là làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án); thứ ba, bổ sung người có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp cũng là chủ thể của tội phạm này. Về hình phạt, điều luật mới giữ nguyên mức hình phạt tại khoản 1 và khoản 4; tăng mức hình phạt tối thiểu tại khoản 2 và khoản 3; quy định cụ thể các tình tiết định khung tăng nặng.

3. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc trong Bộ luật Hình sự hiện hành

Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc được quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 375. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a, Có tổ chức;

b, Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

c, Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a, Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;

b, Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;

Tham khảo thêm: Mẫu Hồ Sơ Xin Việc Gồm Những Gì? Hướng Dẫn Cách Viết Sao Cho Chuẩn

c, Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Các yếu tố cấu thành tội phạm

4.1. Khách thể của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc

Khách thể của tội phạm, xâm phạm trực tiếp đến nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, vụ việc. Do hồ sơ vụ án, vụ việc bị làm sai lệch nên việc xác định của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng không đúng với sự thật của vụ án, có thể dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, làm cho việc áp dụng pháp luật không đúng (tăng nặng, giảm nhẹ) hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Đối tượng tác động chính của tội phạm này là hồ sơ vụ án, vụ việc; ngoài ra còn có vật chứng của vụ án và những chứng cứ, tài liệu khác của vụ án, vụ việc nhưng chưa có trong hồ sơ. Hồ sơ vụ án, vụ việc gồm: hồ sơ vụ án hình sự; hồ sơ vụ án, vụ việc dân sự, hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế, lao động, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý phải là hồ sơ chính (hồ sơ gốc) của vụ án, làm cho các tài liệu có trong hồ sơ vụ án không còn đúng với những giá trị thật của nó. Trong trường hợp vụ án, vụ việc được tách ra, hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền sao y để điều tra, truy tố, xét xử cũng có thể được coi là hồ sơ chính, vì các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ hồ sơ này để xem xét, quyết định đối với vụ án, vụ việc.

4.2. Chủ thể của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc

– Chủ thể của tội phạm, là chủ thể đặc biệt, gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại hoặc người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, như: Người được giao một số nhiệm vụ điều tra (Bộ Đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm…); người tham gia tố tụng (phiên dịch, giám định…) hoặc người khác được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc cũng có thể là chủ thể của tội phạm này. Đây là một dấu hiệu để phân biệt với tội Giả mạo trong công tác (Điều 284 BLHS) có chủ thể là bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý nhà nước.

4.3. Mặt khách quan của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc

– Mặt khách quan của tội phạm, là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc. Đây là điểm mới rất quan trọng, nếu như Điều 300 BLHS trước đây quy định nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án (sai lệch về mặt hình thức), còn Điều 375 BLHS 2015 quy định là nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc (sai lệch về nội dung), có nghĩa là làm thay đổi bản chất vụ án, vụ việc, như:

Từ không có tội thành có tội và ngược lại; hoặc từ nặng thành nhẹ và ngược lại.

Tổng kết thực tiễn cho thấy, hành vi làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc chủ yếu nhằm làm không đủ chứng cứ để buộc tội, làm giảm nhẹ cho bị can, bị cáo hoặc làm cho việc xử lý tranh chấp, phân chia tài sản không đúng với thực tế. Các dạng hành vi này thường có biểu hiện như sau:

+ Thêm tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc là đưa vào hồ sơ vụ án, vụ việc những tài liệu, vật chứng không hợp pháp. Ví dụ: Đưa tài liệu không được thu giữ theo trình tự tố tụng vào hồ sơ vụ án, làm cho nội dung vụ án bị sai lệch.

+ Bớt tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc là lấy ra khỏi hồ sơ vụ án, vụ việc những tài liệu, vật chứng đã được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Rút khỏi hồ sơ vụ án các bản tường trình nhận tội của bị can, để không đủ chứng cứ chứng minh bị can phạm tội.

+ Sửa đổi tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc là làm cho tài liệu, vật chứng không còn nguyên giá trị ban đầu. Ví dụ: sửa kết luận giám định thương tích để làm giảm nhẹ tội cho bị can từ 39% (phạm tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS trước đây) thành 30% (phạm tội theo khoản 1 Điều 104 BLHS trước đây.

+ Đánh tráo tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc là thay vào hồ sơ vụ án, vụ việc các tài liệu, vật chứng khác làm cho tài liệu, vật chứng được đưa vào hồ sơ không phản ảnh đúng sự thật khách quan. Ví dụ: Thay con dao nhọn là hung khí gây án bằng con dao đầu bằng.

+ Huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc là làm cho tài liệu vật chứng mất hoàn toàn hoặc một phần giá trị. Ví dụ: Xóa nội dung ghi âm trong điện thoại đã được thu giữ.

Đọc thêm: Mẫu tờ trình nội bộ và trình lên cấp trên mới nhất

+ Thủ đoạn khác là người phạm tội còn có những thủ đoạn khác ngoài những hành vi đã phân tích trên với mục đích nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc. Ví dụ: Đưa vào hồ sơ vụ án tài liệu giả mạo việc khen thưởng để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị can.

Các hành vi trên, ngoài làm sai lệch nội dung vụ án, nếu làm sai lệch giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể phạm các tội khác, như: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

4.4. Mặt chủ quan của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc

Mặt chủ quan của tội phạm, thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ phạm tội cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Đây là tội có cấu thành hình thức, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên với mục đích nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc là phạm tội này. Ví dụ: Thực hiện hành vi sai lệch để làm thay đổi nội dung vụ án, vụ việc nhưng thực tế nội dung vụ án, vụ việc đó không bị sai lệch thì vẫn cấu thành tội phạm này.

Nếu do thiếu trách nhiệm, cẩu thả, trình độ non kém, không nhận thức đầy đủ mà làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thì không phạm tội này, tùy trường hợp sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý về tội phạm khác. Ví dụ: Điều tra viên thu thập tài liệu của vụ án nhưng do nhận thức không đúng nên không đưa vào hồ sơ vụ án. Nếu người phạm tội làm sai lệch vụ án nhưng với mục đích để không truy cứu trách nhiệm hình sự, thì không xử lý về tội Làm sai lệch vụ án, vụ việc mà phải bị xử lý về Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội mới đúng bản chất của hành vi phạm tội, còn việc làm sai lệch vụ án chỉ là thủ đoạn của tội phạm này.

5. Hình phạt đối với tội phạm

5.1 Hình phạt chính

– Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Áp dụng hình phạt này với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.

– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

Áp dụng hình phạt này với những người phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc trong các trường hợp dưới đây:

  • Có tổ chức
  • Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch
  • Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

– Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

Áp dụng hình phạt này với những người phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc trong các trường hợp dưới đây:

  • Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội
  • Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát
  • Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài các trường hợp được liệt kê tại các khung hình phạt trên, việc quyết định hình phạt của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

5.2. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tham khảo thêm: Xác nhận hộ khẩu thường trú

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !