Lớp 1 là một trong những thời điểm chuyển giao quan trọng của những đứa trẻ: đây là thời điểm các cháu chuyển từ các hoạt động vui chơi giải trí là chủ yếu ở cấp mẫu giáo sang làm quen với môi trường có các hoạt động học tập.
Do đó, các bậc phụ huynh khi chuẩn bị thủ tục nhập học cho con cần chuẩn bị cho các cháu về mặt tâm lý, đồng thời nắm rõ các thủ tục nhập học vào lớp 1 để giúp các bé thoải mái khi bước vào một môi trường mới. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu quy định pháp lý về vấn đề Thủ tục nhập học lớp 1 năm 2022-2023 qua bài viết dưới đây:
Xem thêm: Hồ sơ vào lớp 1
Nội dung chính
- 1 Điều kiện nhập học cho học sinh lớp 1
- 2 Hồ sơ nhập học lớp 1 năm 2022-2023 gồm những gì?
- 3 Thủ tục nhập học vào lớp 1 năm học 2022 -2023 như thế nào?
- 3.1 Bước 1: Cán bộ tuyển sinh hướng dẫn phụ huynh làm hồ sơ xin nhập học
- 3.2 Bước 2: Phụ huynh hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ cho tại phòng tuyển sinh
- 3.3 Bước 3: Học sinh tiến hành thủ tục nhập học vào lớp 1
- 3.4 Bước 4: Thông báo danh sách các lớp học sau khi nhập học
- 3.5 Bước 5: Tiếp nhận học sinh vào lớp học
Điều kiện nhập học cho học sinh lớp 1
+ Quy định về độ tuổi của học sinh tiểu học
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT thì độ tuổi của học sinh tiểu học sẽ là từ 6 tuổi trở lên. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm.
Bên cạnh quy định về độ tuổi đi học tiểu học thì tại Điều 33 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT còn quy định về các trường hợp đặc biệt đối với các trẻ là trẻ em khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn như sau:
– Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.
– Học sinh tiểu học học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật
+ Quy định về quyền được học tập
– Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được học ở một trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học thuận tiện đi lại đối với bản thân trên địa bàn cư trú.
– Học sinh được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.
– Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.
– Học sinh khuyết tật được học hòa nhập ở một trường tiểu học; được đảm bảo các điều kiện để học tập và rèn luyện; được học và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh.
– Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban.
Tham khảo thêm: Mẫu đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất
– Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:
Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.
Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.
– Học sinh có kết quả học tập còn hạn chế, đã được giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành, tùy theo mức độ chưa hoàn thành của các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, giáo viên báo cáo hiệu trưởng xem xét quyết định lên lớp hoặc ở lại lớp, đồng thời cùng với gia đình quyết định các biện pháp giáo dục phù hợp.
Như vậy, pháp luật quy định việc đăng ký học tại nơi mà học sinh hay phụ huynh học sinh lựa chọn là quyền của học sinh, phụ huynh đó. Việc cấm hay từ chối không nhận học sinh nhập học đối với trường hợp không có sổ hộ khẩu tại nơi mà học sinh muốn đăng ký học phải được thực hiện đúng quy định pháp luật và hợp pháp.
Việc từ chối phải được giải thích rõ ràng và cụ thể, nhà trường sẽ phải đưa ra những quy định hay căn cứ nếu có trường hợp từ chối nhận hồ sơ của học sinh đăng ký vào lớp 1 trong những trường hợp đăng ký học trái tuyến hay những trường hợp không có sổ hộ khẩu tại nơi đăng ký học vào lớp một.
Hồ sơ nhập học lớp 1 năm 2022-2023 gồm những gì?
Khi làm thủ tục nhập học lớp 1 năm 2022-2023, phụ huynh cần chuẩn bị hồ sơ nhập học gồm những giấy tờ sau:
– Đơn xin nhập học cho con (theo mẫu của từng trường);
– Bản sao giấy khai sinh (kèm theo bản chính để đối chiếu);
– Bản sao sổ hộ khẩu ( kèm theo bản chính để đối chiếu, giấy hẹn trả kết quả đăng ký thường trú của Công an có thẩm quyền hoặc giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của Công an cấp phường, xã, thị trấn;
Tùy theo quy định về thủ tục tuyển sinh vào lớp 1 của từng trường, có những trường sẽ yêu cầu thêm Sổ tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giấy khám sức khỏe và ảnh của học sinh. Tuy nhiên, theo quy định thì không cần thiết phải làm KT3 (Sổ tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi đăng ký thường trú) để cho học sinh vào lớp 1. Chỉ cần có các giấy tờ gồm: Đơn xin học; Bản sao giấy khai sinh và một trong các giấy tờ như: Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu của Công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của Công an cấp phường, xã, thị trấn thì đã có thể hoàn thành hồ sơ xin nhập học vào lớp 1 cho con.
Tìm hiểu thêm: Mẫu đơn xin giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ
Tuy nhiên một số trường cấp 1 có quy định riêng về các loại hồ sơ xin nhập học cho học sinh vào lớp 1. Để quá trình chuẩn bị hồ sơ được hoàn thành một cách đầy đủ và chính xác, phụ huynh nên chủ động liên hệ với nhà trường mà học sinh sẽ theo học, thông qua phương thức gặp mặt trực tiếp hoặc tìm hiểu thông tin trên các kênh tuyển sinh trực tuyến của trường học.
Thủ tục nhập học vào lớp 1 năm học 2022 -2023 như thế nào?
Thủ tục nhập học vào lớp 1 được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Cán bộ tuyển sinh hướng dẫn phụ huynh làm hồ sơ xin nhập học
Cán bộ tuyển sinh cần cung cấp thông tin về nhà trường cho phụ huynh biết;
Vào sổ thông tin, thông tin phụ huynh học sinh;
Tiến hành bán hồ sơ tuyển sinh cho phụ huynh.
Bước 2: Phụ huynh hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ cho tại phòng tuyển sinh
Chi tiết hồ sơ nhập học đã được chúng tôi tư vấn ở mục trên
Bước 3: Học sinh tiến hành thủ tục nhập học vào lớp 1
Cán bộ trực tuyển sinh kiểm tra, nhận hồ sơ và làm thủ tục nhập học;
Cán bộ tuyển sinh tiến hành thủ tục ghi giấy hẹn nhập học.
Bước 4: Thông báo danh sách các lớp học sau khi nhập học
Trước ngày nhập học Ban giám hiệu xếp học sinh vào các lớp và chuyển danh sách lớp cho phòng tuyển sinh;
Cán bộ tuyển sinh dán danh sách học sinh lên bảng tin ở trường để hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh đến nhận lớp.
Bước 5: Tiếp nhận học sinh vào lớp học
Đến ngày nhập học phụ huynh đưa học sinh đến nhận lớp học;
Giáo viên được phân công đón tiếp, điểm danh và nhận học sinh vào lớp.
Trên đây là những thông tin tư vấn của chúng tôi về vấn đề Thủ tục nhập học lớp 1 năm 2022-2023. Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp ích quý độc giả trong quá trình học tập, nghiên cứu cũng như giải quyết vấn đề. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề pháp lý, hy vọng quý độc giả đặt câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.
Tham khảo thêm: Sơ yếu lý lịch xác nhận địa phương