logo-dich-vu-luattq

Cán sự là gì ? Định nghĩa và khái niệm về cán sự theo luật ?

1. Khái niệm về cán sự

Cán sự là ngạch công chức hành chính, người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trung cấp, là người giúp lãnh đạo các bộ phận cấu thành của bộ máy (phòng, ban trong hệ thống quản lí nhà nước và sự nghiệp) để triển khai việc hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc việc thi hành chế độ, điều lệ về quản lí nghiệp vụ.

Công chức ngạch cán sự.

Xem thêm: Cán sự là gì

Như vậy, dưới góc độ chung nhất thì khái niệm cán sự được hiểu là người chuyên trách một công việc gì đó được giao ở một cấp, một đơn vị hành chính nhà nước hoặc công cập. Cán sự phải là một cán bộ có trình độ chuyên môn từ bậc trung cấp trở lên.

2. Phân biệt giữa cán sự và chuyên viên

Tra cứu trong các văn bản pháp lý hiện nay thì khái niệm cán sự thường ít được sử dụng, khái niệm này được đề cập đến trong văn bản:

Quyết định 414/TCCP-VC của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính (văn bản này được ban hành từ năm 1994 với nội dung cụ thể:

Về khái niệm chuyên viên được chia thành 3 loại: Chuyên viên cao cấp (Mã số ngạch 01.001); Chuyên viên chính (Mã số ngạch 01.002) và chuyên viên (Mã số ngạch 01.003) với những quy định cụ thể về trình độ văn hóa, tiêu chuẩn chính trị … cho từng loại chuyên viên cụ thể.

Trong đó ở góc độ chung nhất: Chuyên viên được hiểu là công chức chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống quản lý nhà nước và quản lý sự nghiệp giúp lãnh đạo đơn vị cấu thành (Phòng, Ban, Sở, Vụ, Cục) tổ chức quản lý một lĩnh vực hoặc một vấn đề nghiệp vụ.

Ví dụ: Chuyên viên hành chính văn thư; Chuyên viên tài chính kế hoạch; Chuyên viên tin học

Khái niệm cán sự được đề cập tại mục IV với mã số ngạch là 01.004, trong đó định nghĩa cán sự là công chức chuyên môn nghiệp vụ giúp lãnh đạo các bộ phận cấu thành của bộ máy (phòng ban trong hệ thống quản lý Nhà nước và sự nghiệp) để triển khai việc hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc việc thi hành các chế độ, điều lệ và quản lý tài vụ.

Nếu dựa trên tiêu trí này thì có thể nhận định: Chuyên viên là người tổ chức quản lý còn cán sự là người triển khai và thực thi các công việc trong cùng một phạm vi tổ chức bộ máy nhà nước.

3. Tiêu chuẩn chung về phẩm chất để bổ nhiệm cán sự

Theo quy định tại Điều 4 và Điều 8 Thông tư 11/2014/TT-BNV và Khoản 4 Điều 1 Thông tư 05/2017/TT-BNV thì Tiêu chuẩn bổ nhiệm ngạch cán sự được quy định cụ thể như sau:

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân;

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính; gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan;

– Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân;

– Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;

– Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

– Nắm được các nguyên tắc, chế độ, thể lệ, thủ tục và các hướng dẫn nghiệp vụ, mục tiêu quản lý của ngành, lĩnh vực; chủ trương của lãnh đạo trực tiếp;

– Nắm chắc các nguyên tắc, trình tự, thủ tục nghiệp vụ hành chính của hệ thống bộ máy nhà nước;

Đọc thêm: Thẩm phán là gì ? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán

– Hiểu được tính chất, đặc điểm hoạt động của các đối tượng quản lý và nghiệp vụ quản lý;

– Dự thảo được các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ và tham gia triển khai theo đúng chỉ đạo của cấp trên;

– Biết sử dụng các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác;

– Công chức dự thi nâng ngạch cán sự phải có thời gian giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương tối thiểu là 3 năm (36 tháng).

5. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;

– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch cán sự;

– Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

– Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.

Trên đây là nội dung tư vấn về Tiêu chuẩn bổ nhiệm ngạch cán sự. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 11/2014/TT-BNV.

6. Điều kiện chuyển đổi từ ngạch lương cán sự lên chuyên viên:

Luật Minh Khuê đưa ra một tình huống cụ thể đã được chuyên trang chinhphu.vn tư vấn cụ thể như sau:

Bà Thảo hỏi, việc bổ nhiệm, xếp lương ngạch cán sự mới đối với bà theo Thông tư số 05/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, hưởng mức lương hệ số 2,72 kể từ ngày 28/5/2019 là đúng hay sai?

Bà có tham khảo Công văn số 15075/BTC-TCCB ngày 7/11/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xếp lương theo Thông tư số 05/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, thấy nêu trường hợp từ chuyển ngạch cán sự cũ sang ngạch cán sự mới (giống như trường hợp của bà) thì được hưởng lương ngạch cán sự mới từ ngày 1/10/2017 (là ngày Thông tư số 05/2017/TT-BNV có hiệu lực thi hành).

Vậy có thể áp dụng công văn này để quyết định cho bà hưởng lương ngạch cán sự mới từ ngày 1/10/2017 được không?

Trả lời:

Ngày 15/8/2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 9/10/2014 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức liên quan đến quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức. Thông tư số 05/2017/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017.

Khoản 6, Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BNV bổ sung Điều 9a vào Thông tư số 11/2014/TT-BNV quy định về bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức chuyên ngành hành chính như sau:

Công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) đối với các ngạch công chức sau: Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1); ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1); ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1; ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0; ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B.

Tìm hiểu thêm: Nhà nghỉ là gì – So sánh các loại hình nhà nghỉ tại Việt Nam hiện nay

Cách chuyển ngạch và xếp lương

Cách chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức đang giữ các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (cũ) theo quy định tại Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay Bộ Nội vụ) về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính sang các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (mới) quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV như sau:

Đối với ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên chính và ngạch chuyên viên: Công chức đã được bổ nhiệm ở ngạch nào thì tiếp tục xếp lương theo ngạch đó.

Đối với ngạch cán sự: Công chức tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm thì được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới), nếu đang xếp lương theo công chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo công chức loại A0 đó; nếu đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1, Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, như sau:

Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

Cụ thể, trường hợp bà Đặng Thị Thảo là công chức Tài chính – Kế toán, công tác tại UBND phường 11, quận Tân Bình đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, hưởng lương ngạch cán sự chuyên ngành hành chính (cũ) mã số 01.004, bậc 5; hệ số 2,66 từ ngày 1/5/2017.

Căn cứ Khoản 6, Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BNV (bổ sung Điều 9a vào Thông tư số 11/2014/TT-BNV), trường hợp bà Thảo tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm, được xếp lại lương theo ngạch cán sự (mới) mã số 01.004. Áp dụng thang lương Công chức A0, Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Việc xếp lại lương thực theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV như sau:

Bà Thảo đang hưởng hệ số lương ở ngạch cũ là 2,66, được xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở ngạch mới là 2,72.

Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (2,72 – 2,66 = 0,06) nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ (2,66 – 2,46 = 0,2), nên thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày xếp hệ số lương 2,66 đang hưởng ở ngạch cũ.

Như vậy, Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 28/5/2019 của UBND quận Tân Bình về việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức, bổ nhiệm bà Đặng Thị Thảo vào ngạch cán sự (mới), mã số 01.004; hưởng lương A0 bậc 3, hệ số 2,72 kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm là ngày 28/5/2019 và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới tính từ ngàỳ 1/5/2017, là có căn cứ và đúng pháp luật.

Về việc bà Đặng Thị Thảo tham khảo Công văn số 15075/BTC-TCCB ngày 7/11/2017 của Bộ Tài chính và muốn được biết có được áp dụng Công văn này để quyết định cho bà được hưởng lương ngạch cán sự mới từ ngày 1/10/2017 hay không? Về vấn đề áp dụng pháp luật, theo luật sư, Công văn số 15075/BTC-TCCB của Bộ Tài chính, do Phó Vụ trưởng thay mặt Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, ký thừa lệnh Bộ trưởng, gửi các tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành nội bộ.

Đối chiếu quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì, Công văn số 15075/BTC-TCCB của Bộ Tài chính không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do đó không có hiệu lực bắt buộc chung, không áp dụng thực hiện đối với cơ quan, tổ chức hành chính khác.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến tiền lương, cách hiểu và các chính sách đối với ngạch cán sự, chuyên viên … Quý khách hàng có thể trao đổi trực tiếp với luật sư qua số tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900.6162 để được hỗ trợ trực tiếp.

Trân trọng./.

Luật sư: Lê Minh Trường – Bộ phận tư vấn luật lao động

Tìm hiểu thêm: Các khoản thu nhập khác tính là thu nhập chịu thuế

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !