Thực hiện pháp luật là những hoạt động, những phương cách, những quá trình làm cho những quy tắc xử sự chung chứa đựng trong các quy phạm pháp luật trở thành hành vi, cách xử sự thực tế của các chủ thể pháp luật. Căn cứ vào tính chất của việc thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý đã phân chia thực hiện pháp luật thành những hình thức cụ thể như: Tuân thủ pháp luật; thi hành pháp luật; sử dụng pháp luật; áp dụng pháp luật. Trong đó, khi nhắc đến sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật, nhiều người còn có sự nhầm lẫn, vậy sử dụng pháp luật là gì, áp dụng pháp luật là gì và sự khác nhau giữa chúng ra sao?
1. Sử dụng pháp luật là gì?
Sử dụng pháp luật là hình thức các chủ thể thực hiện pháp luật sử dụng các quyền mà pháp luật cho phép. Đây cũng là hình thức thực hiện pháp luật chủ động và tích cực bằng các hành vi cụ thể của các chủ thể quan hệ pháp luật. Do hình thức thực hiện pháp luật này là việc sử dụng các quyền năng pháp lý được pháp luật trao quyền, nên các chủ thể quan hệ pháp luật có quyền thực hiện hoặc không thực hiện các quyền của mình, pháp luật không bắt buộc các chủ thể phải thực hiện như hai hình thức tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật.
Xem thêm: Hình thức sử dụng pháp luật
Ví dụ: việc thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không khởi kiện vụ án dân sự của các cá nhân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; quyền chứng minh mình vô tội hay quyền không chứng minh mình vô tội trong tố tụng hình sự v.v… Chủ thể thực hiện hình thức sử dụng pháp luật là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các cá nhân, tổ chức và mọi công dân trong xã hội.
Nếu như trong hình thức tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật thể hiện nghĩa vụ phải thực hiện các quy phạm một cách “thụ động” hay “tích cực” thì trong hình thức thứ ba này chỉ thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép. Hình thức này khác các hình thức trên ở chỗ chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện các quyền chủ thể của mình được pháp luật quy định theo ý chí của mình, mà không buộc phải thực hiện.
2. Áp dụng pháp luật là gì?
Áp dụng pháp luật là một trong những hình thức thực hiện pháp luật có những đặc điểm riêng so với các hình thức thực hiện pháp luật đã nêu trên và bao giờ cũng có sự tham gia của cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước có thẩm quyền.
Nếu quy phạm pháp luật là những “khuôn mẫu” chung, những tiêu chuẩn chung cho xử sự giữa người với người trong các mối quan hệ xã hội thì hoạt động áp dụng pháp luật luôn luôn mang tính cụ thể.
Tính cụ thể của hoạt động áp dụng pháp luật thể hiện ở chỗ các địa chỉ để áp dụng pháp luật là xác định, gồm cả sự việc, con người, tập thể, thời gian, không gian; quy phạm pháp luật cần áp dụng và quyết định áp dụng pháp luật được ban hành luôn luôn mang tính cá biệt.
Do đặc trưng này nên quyết định áp dụng pháp luật phải thỏa mãn các yêu cầu cụ thể, áp dụng một lần cho một đối tượng nhất định. Ví dụ quyết định phải nêu rõ tình tiết sự việc; các điều khoản văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn để làm căn cứ pháp lý; tên đối tượng phải thi hành; quyền được thực hiện và nghĩa vụ phải hoàn thành của các chủ thể đã được xác định.
Việc ban hành một quyết định áp dụng quy phạm pháp luật phải được thực hiện thông qua các thủ tục nhất định. Các thủ tục để ban hành quyết định áp dụng quy phạm pháp luật được pháp luật quy định rất chặt chẽ và đòi hỏi phải được các chủ thể tuân thủ nghiêm chỉnh. Các thủ tục giúp cho chủ thể áp dụng pháp luật có điều kiện xem xét, đánh giá kỹ, cân nhắc kỹ các tình tiết sự việc trước khi ra quyết định.
Các thủ tục cũng giúp cho chủ thể được áp dụng pháp luật trình bày nguyện vọng, mong muốn của mình một cách dân chủ, khách quan trong quá trình áp dụng pháp luật. Tính đơn giản hay phức tạp của các thủ tục tùy thuộc rất lớn vào tính chất nội dung của sự việc cần phải áp dụng. Để áp dụng các quy phạm pháp luật đơn giản như xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ thì các thủ tục đặt ra cũng đơn giản, nhanh chóng. Để áp dụng các quy phạm pháp luật phức tạp, cần phải xác minh, điều tra, đánh giá kỹ lưỡng các tình tiết sự việc như để xác định một người có phạm tội hay không phạm tội trong lĩnh 7 vực hình sự thì cần đặt ra các thủ tục tỉ mỉ, chặt chẽ như tố tụng hình sự thì mới phù hợp.
Tham khảo thêm: điều 104 bộ luật hình sự 1999
Xem thêm: Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại
Nếu nội dung sự việc theo quy định của pháp luật là dễ xác định và cần có thủ tục đơn giản nhưng lại đặt ra các thủ tục phức tạp, phiền hà thì lại trở thành nguyên nhân của những trở ngại và có ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ thể quan hệ pháp luật. Ngược lại, tính chất sự việc phức tạp và khó xác định, rất cần một thủ tục chặt chẽ, chi tiết và tỉ mỉ nhưng lại đặt ra một thủ tục đơn giản, hời hợt thì lại dễ dẫn đến việc ra các quyết định áp dụng pháp luật sai lầm.
Thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về các thủ tục pháp lý do trong hoạt động hành pháp và tư pháp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành khi áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn khá nhiều các thủ tục, giấy tờ phiền hà không cần thiết, đặc biệt là trong hoạt động hành pháp. Các thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép đầu tư, xây dựng, thành lập doanh nghiệp, hợp thức hóa quyền sử dụng đất, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất, làm sổ sở hữu nhà v.v… vẫn còn phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, vừa làm chậm thời gian, gây phiền hà cho công dân vừa làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.
Việc tiến hành cải cách nền hành chính với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện việc công khai hóa các thủ tục hành chính gồm các nội dung như thời gian nhận và trả hồ sơ; các loại giấy tờ cần thiết cần phải có; cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết v.v… mà Nhà nước ta đã và đang thực hiện đã khắc phục một bước các điểm hạn chế nêu trên của thủ tục hành chính. Trong hoạt động tư pháp, các thủ tục được quy định khá rõ ràng và cụ thể trong các văn bản luật, pháp lệnh.
Cho đến nay, các thủ tục tố tụng hình sự được Nhà nước ta tập hợp khá đầy đủ và chi tiết trong Bộ luật tố tụng hình sự. Các thủ tục tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế cũng được Bộ luật tố tụng dân sự tập hợp một cách đầy đủ và chi tiết. Các thủ tục tố tụng để giải quyết các vụ án hành chính được quy định trong Pháp lệnh với những quy định cơ bản và đầy đủ.
Việc tập hợp, pháp điển hóa các quy phạm pháp luật tố tụng là việc làm hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể áp dụng pháp luật trong hoạt động tư pháp tiến hành tố tụng chính xác và đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xem xét để tiếp tục cải 8 tiến các thủ tục tố tụng trong hoạt động tư pháp vẫn phải đặt ra nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của việc cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Các tình huống dự liệu được quy định trong các quy phạm pháp luật đều mang các dấu hiệu chung, khái quát với tính mô hình cao. Còn các tình huống, các sự kiện pháp lý, các quan hệ pháp luật trong hoạt động áp dụng pháp luật lại mang tính cụ thể nên hoạt động áp dụng pháp luật luôn mang tính thực tiễn cao. Các chủ thể được giao quyền áp dụng pháp luật phải sử dụng kiến thức và kỹ năng, trình độ nghề nghiệp của mình để xem xét, đánh giá các tình tiết sự việc cụ thể, chọn quy phạm pháp luật và ra văn bản áp dụng phù hợp.
Thực tế áp dụng pháp luật luôn luôn sinh động và phong phú, vừa áp dụng cái chung vào cái cụ thể và vừa đặt ra các yêu cầu cụ thể bổ sung hoàn chỉnh các quy phạm pháp luật để phục vụ cho cái chung, cái phổ biến. Tính thực tiễn và tính sinh động của hoạt động áp dụng pháp luật còn thể hiện rõ nét khi phải áp dụng pháp luật tương tự để giải quyết các tình huống cụ thể. Trong những trường hợp sự việc cụ thể không có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp, hay nói cách khác, pháp luật chưa có dự liệu trước thì người áp dụng pháp luật tiến hành áp dụng pháp luật tương tự.
Áp dụng pháp luật tương tự có thể gồm áp dụng tương tự quy phạm pháp luật và áp dụng tương tự pháp luật. Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật là sử dụng quy phạm pháp luật của một lĩnh vực, một sự việc khác tương tự để giải quyết cho một sự việc, một lĩnh vực cụ thể chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp.
Xem thêm: Văn bản áp dụng pháp luật theo kết cấu điều khoản
Áp dụng tương tự pháp luật là sử dụng các nguyên tắc chung của pháp luật xã hội chủ nghĩa và ý thức pháp luật để giải quyết một vụ việc cụ thể chưa có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh và cũng không có quy phạm pháp luật tương tự để áp dụng. Áp dụng pháp luật tương tự thường dễ phạm sai lầm và dễ lạm dụng pháp luật nên cần được tiến hành chỉ trong những điều kiện cần thiết và phải tuân thủ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa một cách nghiêm ngặt.
Tìm hiểu thêm: Luật Kế toán năm 2015 cập nhật mới nhất 2022
Mặt khác, để giúp cho việc áp dụng pháp luật được tiến hành chính xác và thống nhất, công tác giải thích pháp luật cần được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm và đầu tư đúng mức. Giải thích pháp luật là quá trình làm sáng tỏ các 9 nội dung chính trị pháp lý của quy phạm pháp luật, bảo đảm cho sự nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất. Giải thích pháp luật bao gồm giải thích chính thức và giải thích không chính thức.
Giải thích pháp luật chính thức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành bằng văn bản và có tính bắt buộc khi áp dụng quy phạm pháp luật. Giải thích pháp luật không chính thức là giải thích của các nhà nghiên cứu pháp luật và của các cá nhân, tổ chức trong xã hội thông qua bình luận, trao đổi trực tiếp hoặc qua sách, báo pháp lý và các phương tiện thông tin đại chúng. Giải thích pháp luật không chính thức không có giá trị bắt buộc áp dụng nhưng lại có tác động rất lớn đến việc nâng cao ý thức pháp luật, hiểu và xử sự đúng theo quy định của pháp luật.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy: Áp dụng pháp luật là một hoạt động mang tính thực tiễn, cụ thể và sinh động do các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước được giao quyền tiến hành theo một thủ tục nhất định do pháp luật quy định.
Nó là hình thức thực hiện pháp luật, là thủ tục bắt buộc để các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi có hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; khi phải giải quyết các tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể hoặc khi Nhà nước cần phải can thiệp, cần phải tham gia để bảo đảm việc thực thi trên thực tế các quyền của chủ thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo quy định của pháp luật.
Áp dụng pháp luật có một vai trò rất to lớn và rất quan trọng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự trị an xã hội…
Do đó, việc tạo lập một cơ chế, một quy trình với các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và chính xác để áp dụng pháp luật có ý nghĩa rất lớn đến việc thực thi các quyền tự do, dân chủ của công dân và giữ gìn pháp chế, kỷ cương của đất nước. Điều đó cũng là biểu hiện sinh động của tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của của dân, do dân, vì dân mà chúng ta đã và đang xây dựng.
3. Sự khác nhau giữa sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật:
Tiêu chí Sử dụng pháp luật Áp dụng pháp luật Chủ thể thực hiện Mọi chủ thể được pháp luật cho phép Phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền Trường hợp phát sinh Được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật – Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia vào quan hệ pháp luật mà các bên đó không tự giải quyết được. Ví dụ: tranh chấp về quyền thừa kế, tranh chấp về hợp đồng,…
– Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà đối với những chủ thể có hành vi vi phạm. Ví dụ: xử phạt người vi phạm luật an toàn giao thông, người có hành vi làm hàng giả,…
– Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia quan hệ đó hoặc nhà nước xác nhận tồn tại hay không tồn tại một số vụ việc, sự kiện thực tế. Ví dụ: công chứng hợp đồng mua bán nhà, toà tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết,…
– Khi những quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh hoặc chấm dứt nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Ví dụ: đăng ký kết hôn
Bản chất Được thể hiện dưới hình thức “hành vi hành động” và “hành vi không hành động” Các chủ thể lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép. Đó có thể là “hành vi hành động” hoặc “hành vi không hành động” tùy quy định pháp luật cho phép. Hình thức thể hiện Các quy phạm pháp luật thể hiện quyền và tự do pháp lý của chủ thể Văn bản áp dụng pháp luật
Như vậy, trong bài viết trên, chúng tôi đã giải đáp câu hỏi sử dụng pháp luật là gì, cũng như sự khác nhau giữa sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ thêm bất kỳ thông tin nào khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty luật TNHH Dương Gia để được giải đáp.
Xem thêm: Áp dụng pháp luật là gì? Các giai đoạn của áp dụng pháp luật?
Đọc thêm: Luật Thể dục, thể thao sửa đổi năm 2018