logo-dich-vu-luattq

Hệ thống pháp luật và ngành luật là gì?

Khái niệm, đặc điểm của hệ thống pháp luật

Để quản lý xã hội, các nhà nước hiện đại đều phải ban hành một khối lượng lớn văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật đó chứa đựng các quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể. Những quy phạm pháp luật đó không tồn tại một cách rời rạc mà có mối liên hệ hữu cơ với nhau, hợp thành một chỉnh thể thống nhất – một hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật có những đặc điểm chung sau đây:

Thứ nhất: Có sự thống nhất, nhất quán trong hệ thống

Sự thống nhất của hệ thống pháp luật được thể hiện trong sự thống nhất giữa các quy phạm pháp luật với nhau cũng như giữa các văn bản pháp luật trong hệ thống ấy. Tính thống nhất là thuộc tính chung của hệ thống pháp luật của mọi nhà nước, nhưng mức độ của sự thống nhất ấy lại phụ thuộc vào bản chất, đặc điểm của mỗi kiểu nhà nước. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp dưới phải phù hợp và không được trái với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên, tất cả các quy phạm pháp luật của toàn hệ thống không đuợc trái với các quy phạm pháp luật trong Hiến pháp và Luật của Quốc hội. Sự thống nhất, nhất quán ấy, suy cho cùng được quy định bởi sự thống nhất của quan hệ sản xuất tạo thành cơ sở kinh tế của xã hội, sự thống nhất trong ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thể hiện trong pháp luật.

Xem thêm: Hệ thống pháp luật gồm

Thứ hai: Sự phân chia hệ thống pháp luật thành các bộ phận cấu thành

Cũng như mọi hệ thống khác, hệ thống pháp luật cũng được chia thành các bộ phận cấu thành của nó. Sự phân chia này là tất yếu bởi tổng thể quan hệ xã hội do pháp luật điều chỉnh bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, với những tính chất, đặc điểm khác nhau, mỗi lĩnh vực quan hệ xã hội ấy lại bao gồm nhiều nhóm quan hệ xã hội với tính chất, đặc điểm không giống nhau, tồn tại một cách độc lập tương đối với nhau.

Mỗi hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia có một cách phân chia thành các bộ phận cấu thành khác nhau phù hợp với kết cấu kinh tế – xã hội của quốc gia đó. Xã hội loài người đã từng biết đến sự phân chia thành pháp luật cho chủ nô và pháp luật cho nô lệ trong hệ thống pháp luật của nhà nước chủ nô; pháp luật cho quý tộc, pháp luật cho tăng lữ trong hệ thống pháp luật của nhà nước phong kiến; công pháp và tư pháp trong hệ thống pháp luật của một số nước tư sản.

Tham khảo thêm: điều 138 bộ luật hình sự 1999

Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta được phân chia thành ngành luật và trong mỗi ngành luật có thể chia thành các chế định pháp luật. Ngành luật là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội với những đặc điểm chung nhất định. Chẳng hạn, ngành luật lao động điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và những quan hệ liên quan trực tiếp với quan hệ lao động. Những quan hệ lao động này có những đặc điểm riêng khác với những quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ lao động của các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.

Chế định pháp luật là những nhóm quy phạm pháp luật thuộc một ngành luật, điều chỉnh những nhóm quan hệ xã hội nhỏ hơn, có đặc điểm giống nhau hơn hoặc điều chỉnh từng mặt, từng khía cạnh cụ thể của các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó. Chẳng hạn, chế định hợp đồng lao động, chế định tiền lương vv… là những chế định điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội về tuyển dụng lao động, về trả công của ngành luật lao động. Mỗi ngành luật có thể bao gồm nhiều chế định pháp luật.

Thứ ba: Tính khách quan của hệ thống pháp luật

Sự thống nhất và sự phân chia hệ thống pháp luật thành các bộ phận cấu thành không thể thực hiện một cách tuỳ tiện, chủ quan mà phải xuất phát từ sự phát triển của các quan hệ xã hội đang tồn tại một cách khách quan trong xã hội. Cũng cần thấy rằng, trong những điều kiện nhất định, yếu tố chủ quan của nhà nước, của nhà làm luật cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc hình thành các ngành luật.

Chẳng hạn, do sự quan tâm xây dựng pháp luật hình sự cho nên ở nước ta, pháp luật hình sự được sớm pháp điển hoá và trở thành một ngành luật độc lập, trong lúc đó, pháp luật dân sự lại được pháp điển hoá muộn hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong các trường hợp đó, yếu tố khách quan vẫn giữ vai trò quyết định tính chất cấp thiết của một ngành luật hình sự trong điều chỉnh quan hệ xã hội).

Đọc thêm: điều 323 bộ luật hình sự

Từ sự phân tích các đặc điểm của hệ thống pháp luật, có thể kết luận rằng: Hệ thống pháp luật là cơ cấu bên trong của pháp luật, thể hiện sự thống nhất nội tại của các quy phạm pháp luật và sự phân chia một cách khách quan các quy phạm pháp luật trong hệ thống ấy thành các ngành luật và chế định pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh.

Những căn cứ để phân chia ngành luật

Như trên đã nói, mỗi quốc gia có thể chia hệ thống pháp luật một cách khác nhau nhưng nhìn chung, căn cứ để phân chia ngành luật vẫn là sự khác biệt của các lĩnh vực quan hệ xã hội mà tổng thể quy phạm pháp luật điều chỉnh. Lĩnh vực quan hệ xã hội đó gọi là đối tượng điều chỉnh của ngành luật. Mỗi ngành luật có một đối tượng điều chỉnh với những tính chất đặc điểm riêng, khác với đối tượng điều chỉnh của ngành luật khác. Đối tượng điều chỉnh là căn cứ chủ yếu để phân chia ngành luật.

Bên cạnh đối tượng điều chỉnh, các ngành luật còn được phân biệt bởi phương pháp điều chỉnh là cách thức mà nhà nước sử dụng trong pháp luật để tác động lên cách xử sự của những người tham gia vào các quan hệ xã hội đó. Do lĩnh vực quan hệ xã hội (đối tượng điều chỉnh) có đặc điểm, tính chất khác nhau cũng như có vai trò khác nhau trong đời sống xã hội nên cách thức, biện pháp (phương pháp điều chỉnh) mà nhà nước tác động vào lĩnh vực quan hệ xã hội ấy cũng khác nhau.

Nếu đối tượng điều chỉnh là căn cứ chủ yếu để phân chia ngành luật thì phương pháp điều chỉnh được coi là căn cứ bổ sung vì suy cho cùng, một ngành luật sử dụng phương pháp điều chỉnh nào là ở điều chỉnh của ngành luật đó quy định. Hiện nay, phương pháp mệnh lệnh và phương pháp thoả thuận là hai phương pháp chủ yếu được sử dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mỗi ngành luật có một đối tượng điều chỉnh riêng nhưng mỗi ngành luật có thể sử dụng một hoặc cả hai phương pháp điều chỉnh nói trên.

Tìm hiểu thêm: điều 104 bộ luật hình sự 1999

quantri

quantri

Bài viết mới

Nhận tin mới nhất từ chúng tôi !